Căn cứ vào Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi bổ sung 2009 và 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành Lawlink Việt Nam trân trọng giới thiệu đến Quý khách hàng thông tin về quy trình đăng ký nhãn hiệu và những vấn đề cần lưu ý liên quan đến nhãn hiệu.
1. Quy trình đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam như sau:
Để nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam, Quý khách có thể chọn một trong hai cách:
- Nộp đơn trực tiếp tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (“Cục SHTT”);
- Nộp đơn đăng ký quốc tế theo hệ thống Madrid chỉ định vào Việt Nam. Cách đăng ký này sẽ được chúng tôi giới thiệu trong bài viết sau.
Khi chọn nộp đơn tại Cục SHTT, đơn đăng ký có thể trải qua các giai đoạn sau:
(i) Nộp đơn: nộp tờ khai đăng ký nhãn hiệu và các tài liệu liên quan (nếu có, chẳng hạn chứng cứ yêu cầu hưởng quyền ưu tiên, hoặc giấy ủy quyền nếu nộp qua đại diện sở hữu công nghiệp) tại Cục SHTT. Khi nhận đơn, Cục SHTT sẽ đóng dấu xác nhận đơn, trong đó ghi rõ số đơn và ngày nộp đơn.
(ii) Thẩm định hình thức: Thẩm định viên thuộc Phòng Đăng ký của Cục SHTT sẽ tiến hành thẩm định hình thức để xem đơn có đáp ứng các quy định về hình thức đơn (chẳng hạn về thông tin chủ đơn, phân loại sản phẩm/dịch vụ, phí...). Nếu thỏa mãn yêu cầu, Cục SHTT sẽ ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ; nếu không, Cục SHTT sẽ ra thông báo thiếu sót hình thức và ấn định thời hạn để chủ đơn nộp ý kiến trả lời. Nếu sau khi trả lời, đơn vẫn không thỏa mãn yêu cầu về hình thức, Cục SHTT sẽ ra quyết định từ chối chính thức đơn đăng ký. Thời hạn thẩm định hình thức là 01 tháng kể từ ngày nộp đơn hợp lệ.
(iii) Đăng công báo và thẩm định nội dung: Sau khi được chấp nhận hợp lệ, đơn đăng ký sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp trong vòng 02 tháng kể từ ngày Cục SHTT ra quyết định. Sau thời gian này, đơn sẽ tiếp tục được chuyển cho thẩm định viên thuộc Phòng Nhãn hiệu của Cục SHTT để thẩm định nội dung. Đây là bước quyết định việc nhãn hiệu có được chấp nhận bảo hộ hay không. Giai đoạn này thường kéo dài từ 12-14 tháng.
(iv) Cấp văn bằng hoặc từ chối: Nếu đơn đăng ký đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ, Cục SHTT sẽ ra thông báo yêu cầu nộp phí cấp văn bằng và chủ đơn sẽ nhận được bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu trong vòng 01 tháng kể từ ngày nộp phí. Ngược lại, nếu đơn không thỏa mãn điều kiện bảo hộ (chẳng hạn nhãn hiệu không có khả năng tự phân biệt, hay trùng lặp hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã nộp đơn trước của một chủ đơn khác), Cục SHTT sẽ ra thông báo từ chối tạm thời và ấn định thời gian để chủ đơn quyết định có ý kiến trả lời hay không. Nếu Cục SHTT xét thấy ý kiến của chủ đơn là hợp lý, đơn đăng ký sẽ được chấp nhận bảo hộ; ngược lại Cục SHTT sẽ ra quyết định chính thức từ chối đăng ký nhãn hiệu.
(v) Sau khi bị từ chối chính thức, nếu vẫn mong muốn theo đuổi nhãn hiệu đã bị từ chối, Quý khách có thể nộp đơn khiếu nại đối với quyết định từ chối chính thức nêu trên. Đơn khiếu nại sẽ được Phòng thực thi và xử lý khiếu nại thuộc Cục SHTT xem xét. Sau khiếu nại, nếu đơn nhãn hiệu vẫn không được chấp nhận bảo hộ và Quý khách vẫn muốn theo đuổi đơn đăng ký thì có thể lựa chọn tiếp tục nộp đơn khiếu nại lần hai hoặc là khởi kiện vụ án hành chính đối với Quyết định từ chối bảo hộ của Cục SHTT.
2. Những điều cần lưu ý trước khi đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam?
(i) Đầu tiên là danh mục sản phẩm/dịch vụ cần đăng ký: Chủ đơn cần xác định rõ nhãn hiệu sẽ dùng cho loại sản phẩm/dịch vụ nào phù hợp với ngành nghề kinh doanh theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy phép kinh doanh/hoạt động đối với ngành nghề kinh doanh có yêu cầu. Việc này sẽ quyết định đến:
- Phạm vi bảo hộ nhãn hiệu, khả năng đăng ký. Cụ thể, nhãn hiệu chỉ được bảo hộ cho nhóm sản phẩm/dịch vụ đăng ký. Đồng nghĩa, bên thứ ba dù đăng ký cho nhãn hiệu trùng lặp hoặc tương tự về mẫu nhãn hiệu, nhưng đăng ký cho nhóm sản phẩm/dịch vụ không liên quan đến đăng ký nhãn hiệu của Quý khách, thì có khả năng Cục SHTT sẽ chấp nhận bảo hộ cho nhãn hiệu của bên thứ ba.
- Chi phí nộp đơn: Theo số lượng sản phẩm/dịch vụ đăng ký.
- Thời gian xử lý đơn: Nếu sản phẩm/dịch vụ nêu trong đơn không rõ ràng như quá chung chung nên thẩm định viên không đủ cơ sở phân loại chính xác hoặc bị phân nhóm sai, Cục SHTT sẽ ra thông báo thiếu sót hình thức, dẫn đến kéo xài thời gian thẩm định và Quý khách sẽ tốn thêm phí để Cục SHTT phân loại nhóm.
Hiện nay, Cục SHTT áp dụng bảng phân loại quốc tế danh mục hàng hóa/dịch vụ NICE (“NICE”), được phân thành 34 nhóm sản phẩm và 11 nhóm dịch vụ. Đối với sản phẩm/dịch vụ không được nêu trong NICE, sẽ cần dựa vào bản chất để phân loại nhóm tương ứng.
(ii) Thứ hai là mẫu nhãn hiệu đăng ký. Nhãn hiệu ở dạng chữ, hình hoặc kết hợp cả chữ và hình. Trước khi nộp đơn, cần thiết phải qua bước tra cứu sơ bộ để đánh giá khả năng bảo hộ. Lý do là theo quy định tại Điều 72 Luật sở hữu trí tuệ hiện hành, nhãn hiệu nộp đơn sau nếu trùng lặp hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã nộp đơn trước, thì sẽ bị Cục SHTT từ chối bảo hộ. Quy trình bảo hộ nhãn hiêu cho thấy việc theo đuổi một nhãn hiệu sẽ phức tạp, tốn kém cả về thời gian và chi phí nếu chẳng may nhãn hiệu bị từ chối, trong khi sản phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu đã được đưa ra thị trường. Do đó, để hạn chế rủi ro, bước tra cứu là rất quan trọng.
3. Những điều cần lưu ý sau khi đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam?
(i) Để tránh một bên đăng ký nhãn hiệu nhưng không sử dụng trên thực tế dẫn tới hạn chế quyền đăng ký nhãn hiệu của bên khác, pháp luật quy định nếu nhãn hiệu đã đăng ký và đang có hiệu lực nhưng không được sử dụng trong vòng 05 năm liên tục tại Việt Nam, thì bên thứ ba bất kỳ có quyền yêu cầu Cục SHTT chấm dứt hiệu lực đăng ký nhãn hiệu đó.
(i) 06 tháng trước khi đăng ký nhãn hiệu hết hạn hiệu lực, Quý khách cần tiến hành nộp đơn gia hạn nhãn hiệu và đóng phí gia hạn nếu không muốn bị mất quyền đối với nhãn hiệu đã đăng ký.
Mọi yêu cầu tư vấn bảo hộ, sử dụng quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam cũng như nước ngoài, vui lòng liên hệ với Lawlink Việt Nam qua website: lawlinkvn.com hoặc qua emial info@lawlinkvn.com hoặc hoặc số điện thoại +84 908 10 77 88.
Comments