Hợp đồng điện tử được hiểu là hợp đồng được các bên trong giao dịch thiết lập, giao kết thông qua các phương tiện điện tử. Xu hướng giao dịch dưới dạng thông điệp dữ liệu điện tử ngày càng được sử dụng rộng rãi và trở nên phổ biến hơn nhờ vào ưu điểm thuận tiện, tiết kiệm và nhanh chóng của hình thức giao dịch này. Đặc biệt trong bối cảnh việc đi lại, di chuyển gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid, hình thức giao dịch điện tử càng bộc lộ được ưu điểm trên so với việc giao kết hợp đồng truyền thống bằng văn bản và ký trực tiếp trên hợp đồng.
Bộ luật Dân sự năm 2015 (“BLDS 2015”) đã công nhận giá trị của giao dịch thông qua phương tiện điện tử như văn bản (cách thức truyền thống), theo đó Điều 119 quy định: “Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản”.
Giao dịch dân sự nói chung, bất kể giao dịch dân sự bằng văn bản hay thông qua phương tiện điện tử thì đều có bản chất là một giao dịch dân sự. Do vậy để giao dịch thông qua phương tiện điện tử - mà phổ biến là hợp đồng điện tử có hiệu lực thì phải đáp ứng các điều kiện có hiệu lực được quy định tại BLDS 2015, bao gồm:
- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
- Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
- Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
Ví dụ: Hợp đồng chuyển nhượng BĐS, Hợp đồng thế chấp, … thì phải được ký kết bằng văn bản và công chứng theo quy định của pháp luật và như vậy thì đối với các loại hợp đồng kể trên các bên không thể ký kết bằng hình thức điện tử.
Ngoài ra, cần lưu ý việc giao kết Hợp đồng điện tử phải đảm bảo không vi phạm các điều cấm của pháp luật về giao dịch điện tử quy định tại Điều 9 Luật Giao dịch điện tử 2005 như sau:
- Cản trở việc lựa chọn sử dụng giao dịch điện tử.
- Cản trở hoặc ngăn chặn trái phép quá trình truyền, gửi, nhận thông điệp dữ liệu.
- Thay đổi, xoá, huỷ, giả mạo, sao chép, tiết lộ, hiển thị, di chuyển trái phép một phần hoặc toàn bộ thông điệp dữ liệu.
- Tạo ra hoặc phát tán chương trình phần mềm làm rối loạn, thay đổi, phá hoại hệ thống điều hành hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hạ tầng công nghệ về giao dịch điện tử.
- Tạo ra thông điệp dữ liệu nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật.
- Gian lận, mạo nhận, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép chữ ký điện tử của người khác.
Bản chất của hợp đồng điện tử là một giao dịch dân sự và bản chất này không thay đổi dù hình thức giao kết của hợp đồng này là thông qua dữ liệu điện tử.
Bài viết của Nguyễn Thị Thảo Vy - Trợ lý luật sư - Lawlink Việt Nam.
-------------------------------------------------------------
Mọi nhu cầu tư vấn, hỗ trợ pháp lý về hợp đồng điện tử và các vấn đề pháp lý trong hoạt động kinh doanh, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây để nhận được tư vấn tốt nhất.
SĐT: +84 908 107 788, email: info@lawlinkvn.com
Theo dõi nhiều bài viết hơn của chúng tôi tại: Webiste:www.lawlinkvn.com; Fanpage: www.facebook.com/Lawlink-vietnam, LinkedIn: www.linkedin.com/lawlinkvietnam
Comentários