top of page
Tìm kiếm

ĐIỀU KIỆN KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG XE Ô TÔ CÓ GÌ MỚI THEO NGHỊ ĐỊNH 10/2020/NĐ-CP?

Kể từ ngày 01/04/2020, các điều kiện và kinh doanh đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã thay đổi theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP (“Nghị định 10”) ngày 17/01/2020 của Chính phủ (thay thế cho Nghị đinh 86/2014/NĐ-CP (“Nghị định 86”).

Đề án của Bộ Giao thông vận tải về việc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 cũng kết thúc kể từ ngày 1/4/2020, tức ngày Nghị định 10 có hiệu lực thi hành.



LLVN tóm tắt các quy định mới điều chỉnh loại hình kinh doanh vận tải có ứng dụng khoa học - công nghệ trong hoạt động theo Nghị định 10 như dưới đây.

1. Kinh doanh vận tải bằng ô tô là gì?

Khái niệm về KINH DOANH VẬN TẢI được quy định tại Điều 3.2 Nghị định 10: “Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi”. Như vậy, khái niệm này không tập trung vào việc mô tả chính xác các đặc điểm của hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà đưa ra các công đoạn chính của hoạt động vận tải, từ đó giúp phân định rõ giữa đơn vị kinh doanh vận tải với đơn vị cung cấp dịch vụ khác có liên quan hoạt động vận tải.

Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô gồm các hình thức sau:

(i) Vận tải hành khách gồm: kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô.

(ii) Vận tải hàng hóa.

2. Ai được kinh doanh vận tải bằng ô tô?

Theo quy định tại Điều 3.1 Nghị định 10, các chủ thể được phép kinh doanh vận tải bằng ô tô được giữ nguyên so với Nghị định 86, là các tổ chức bao gồm: (i) Doanh nghiệp; (ii) Hợp tác xã; (iii) Hộ kinh doanh. Tuy nhiên, một số hoạt động kinh doanh bị giới hạn chủ thể kinh doanh, cụ thể là đối với kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, bằng xe taxi, kinh doanh vận tải hàng hóa thì chỉ có doanh nghiệp, hợp tác xã được phép kinh doanh. Như vậy, hộ kinh doanh và cá nhân không được quyền kinh doanh vận tải bằng xe ô tô vì không thuộc đơn vị kinh doanh vận tải được liệt kê ở trên.

3. Điều kiện kinh doanh mới?

Theo Nghị định 10, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô phải đáp ứng các điều kiện chung tại Điều 11, 12, 13 về quy trình bảo đảm an toàn giao thông, an toàn kĩ thuật của phương tiện lưu thông, tiêu chuẩn của lái xe phù hợp với loại phương tiện, thiết bị giám sát hành trình xe, …

Một số điểm mới về điều kiện kinh doanh vận tải có thể kể đến như:

· Thứ nhất, trước ngày 01/07/2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh từ camera sẽ được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch (Điều 13.2 và 14.2 Nghị định 10)

· Thứ hai, xe ô tô dùng trong kinh doanh vận tải phải thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp thông qua một trong các hình thức là (i) Hợp đồng thuê với tổ chức, các nhân hoặc (ii) Hợp đồng hợp tác kinh doanh.

4. Quy định mới về kinh doanh vận tải ô tô có sử dụng khoa học công nghệ

Liên quan đế vấn đề ứng dụng khoa học – công nghệ vào kinh doanh vận tải đã gây ra nhiều tranh cãi liệu chủ thể đó đang hoạt động vận tải hay chỉ là hoạt động cung ứng giải pháp khoa học – công nghệ. Điều 35 Nghị định 10 đã giải đáp vấn đề gây tranh cãi này như sau:

- Trường hợp 1: Đơn vị chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải, không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; không quyết định giá cước vận tải: được xem là đơn vị cung ứng dịch vụ, cụ thể là các phần mềm ứng dụng và phải tuân thủ các quy định theo pháp luật về giao dịch điện tử, các pháp luật khác có liên quan.

- Trường hợp 2: Đơn vị trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe, quyết định giá cước vận tải hoặc đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải và thực hiện ít nhất một trong các hoạt động như trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi: phải xin cấp phép hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô theo quy định của pháp luật.

Tương ứng với mỗi loại hình kinh doanh thì có các đặc điểm phân biệt cụ thể là:

5. Hợp đồng vận tải điện tử

Hợp đồng vận tải điện tử là hình thức mới được quy định và áp dụng tại Nghị định 10. Theo đó, đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng hợp đồng điện tử phải đáp ứng:

- Có giao diện phần mềm cung cấp cho hành khách/người thuê vận tải thể hiện đầy đủ các thông tin về tên hoặc biểu trưng (logo), số điện thoại để liên hệ trong trường hợp khẩn cấp và các nội dung tối thi;

- Phải gửi hóa đơn điện tử của chuyến đi đến tài khoản giao kết hợp đồng của hành khách, người thuê vận tải và gửi thông tin hóa đơn điện tử về cơ quan Thuế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

- Thực hiện lưu trữ dữ liệu hợp đồng điện tử tối thiểu 03 năm.

Các nội dung chuyên sâu về điều kiện kinh doanh mới và kinh doanh vận tải ô tô có sử dụng khoa học công nghệ sẽ được chúng tôi cập nhật ở các bài sau. Liên quan đến Hợp đồng điện tử, mời quý vị đọc thêm tại đường dẫn sau đây: https://www.lawlinkvn.com/post/h%E1%BB%A3p-%C4%91%E1%BB%93ng-%C4%91i%E1%BB%87n-t%E1%BB%AD-v%C3%A0-nh%E1%BB%AFng-%C4%91i%E1%BB%81u-b%E1%BA%A1n-c%E1%BA%A7n-bi%E1%BA%BFt


Phụ trách nội dung: Nguyễn Thị Kim Thanh

Phụ trách hình ảnh: Lê Minh Sáng

188 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page