top of page
Tìm kiếm

PHÂN BIỆT NƠI ĐÓN KHÁCH: Liệu có vi phạm pháp Luật cạnh tranh?

Một trong những sự kiện làm “Nóng” diễn đàn mạng và báo chí tháng 11 này là việc xe taxi công nghệ không được vào đón khách ở làn D ga quốc nội, sân bay Tân Sơn Nhất (TSN), mà phải lên tầng cao (tầng 3, 4, 5, nhà gửi xe) để đón khách. Bên đưa ra quy định này nêu lý do là để đảm bảo an toàn giao thông và thuận lợi cho hành khách. Trên thực tế, cánh tài xế xe công nghệ “buồn tủi” vì bị phân biệt đối xử, còn khách hàng thì than thở vì sự phiền toái, bất tiện, mệt mỏi vì phải leo lầu với đống hành lý cồng kềnh.

Theo thông tin từ báo chí thì đơn vị đưa ra quy định này căn cứ trên cơ sở thống nhất ý kiến giữa các cơ quan, đơn vị quản lý cảng hàng không TSN và các cơ quan, đơn vị chức năng là Sở Giao thông vận tải TPHCM, Công an TP.HCM và UBND quận Tân Bình.


Tuy nhiên, dưới góc nhìn của pháp luật cạnh tranh sự việc này nên được xem xét như thế nào?

Tại Tờ trình số 377/TTr-CP, ngày 06/09/2017 của Chính Phủ về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) đã nêu tính cấp bách cần sửa đổi luật này trong bối cảnh hội nhập với mục tiêu “xây dựng thể chế đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, không có sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, tăng cường hiệu quả, hiệu lực và tính minh bạch trong thực thi pháp luật cạnh tranh”, “hình thành của các chuỗi giá trị toàn cầu, gắn kết các nền kinh tế và các công đoạn sản xuất, cung cấp dịch vụ được thực hiện tại nhiều quốc gia, khu vực. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với đặc trưng là kỹ thuật, công nghệ được ứng dụng phổ biến trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực”.


Tại Khoản 2 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2018 đã định nghĩa “Hành vi hạn chế cạnh tranh là hành vi gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh, bao gồm hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và lạm dụng vị trí độc quyền” và tại Điểm d Khoản 1 Điều 27 Luật này quy định hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm là “Áp dụng điều kiện thương mại khác nhau trong các giao dịch tương tự dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;”.

Đặc biệt tại Khoản 1 Điều 8 Luật Cạnh tranh 2018 liệt kê hàng loạt những hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: cấm các cơ quan nhà nước thực hiện hành vi gây cản trở cạnh tranh như ép buộc, yêu cầu, khuyến nghị doanh nghiệp, cá nhân phải thực hiện hoặc không thực hiện việc cung ứng, sử dụng dịch vụ cụ thể hoặc mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ với doanh nghiệp cụ thể; cấm phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp.


Như vậy, dưới góc độ quy định của Luật Cạnh tranh, những chủ thể là doanh nghiệp phải được đối xử bình đẳng và bình đẳng cũng là một nguyên tắc Hiến định. Luật Cạnh tranh cũng có những quy định mang tính mệnh lệnh, dứt khoát trong việc nghiêm cấm những chủ thể có vị trí độc quyền không được lạm quyền; Luật cũng nghiêm cấm cơ quan nhà nước ban hành quy định có tính chất phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp.


Tuy nhiên, theo thông tin từ báo chí thì một số hãng xe taxi không công nghệ vẫn được đón khách dưới đất tại làn D, còn xe taxi công nghệ thì buộc phải lên lầu 3,4,5 để đón khách. Và nếu vậy, có thể thấy đơn vị ban hành quy định này có vị trí độc quyền, khi ban hành quy định có tinh chất ưu ái cho xe taxi không công nghệ. Vậy quy định này có dấu hiệu của sự phân biệt đối xử không, có lạm dụng vị trí độc quyền đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác không? Và đặc biệt, khi thống nhất ý kiến giữa các cơ quan, đơn vị quản lý cảng hàng không và các cơ quan, đơn vị chức năng là Sở GTVT TPHCM, Công an TPHCM và UBND quận Tân Bình, có tham vấn quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 8 Luật Cạnh tranh 2018 quy định cấm cơ quan nhà nước thực hiện hành vi “Phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp” hay không?


Thiết nghĩ đây là một vấn đề pháp lý cần phải đánh giá, nhìn nhận một các khách quan để tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp mà Luật Cạnh tranh là một công cụ pháp lý hữu hiệu để các hãng xe taxi công nghệ bảo vệ quyền lợi của mình.


Bài viết của Luật sư Nguyễn Xuân Thành, Luật sư tranh tụng, Công ty Luật Lawlink Việt Nam.

37 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page