Nghị quyết 105/NQ-CP vừa được Chính phủ ban hành vào ngày 09/09/2021 (“Nghị quyết 105”) quy định về việc về hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã trong bối cảnh dịch COVID-19 (sau đây gọi chung là “Doanh nghiệp”).
Một trong những mục tiêu chủ yếu của Nghị quyết 105 là hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch COVID-19.
Nhằm đạt được những mục tiêu đề ra, Chính phủ đã đưa ra bốn nhóm giải pháp chính yếu, cơ bản đã bao trùm đầy đủ các vấn đề mà xã hội nói chung và doanh nghiệp nói riêng đang phải đối mặt.
Trong phạm vi bài viết này, LLVN cập nhật một số chính sách tiêu biểu tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như sau:
1. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch
Trong nhóm giải pháp này, một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đáng chú ý như sau:
1.1 Doanh nghiệp được tự xét nghiệm Covid-19 và nhập khẩu vắc xin
Theo Nghị quyết 105, trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ được: (i) tự chủ động mua sinh phẩm, thiết bị và thực hiện việc tự xét nghiệm cho người lao động cũng như tự công nhận kết quả xét nghiệm sau khi có văn bản hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế; và (ii) được khuyến khích tự chủ động nhập khẩu vắc xin theo cơ chế, hướng dẫn và điều kiện mà Bộ Y tế đưa ra.
Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng nêu rõ, căn cứ vào tình hình kiểm soát dịch và mức độ bao phủ vắc xin trên địa bàn, các địa phương sẽ thực hiện Chỉ thị 16 có lộ trình, kế hoạch cụ thể để các doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại.
1.2 Mở rộng nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin
Nghị quyết 105 bổ sung thêm một số đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin, bao gồm:
Người lao động của những doanh nghiệp sau:
- Doanh nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu vực, địa bàn sản xuất, kinh doanh, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản;
- Doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng đang có đơn hàng sản xuất, hoạt động xuất, nhập khẩu, sử dụng nhiều lao động;
- Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lưu thông hàng hóa, cảng biển.
- Người làm việc tại các công trình trọng điểm quốc gia và địa phương và người lao động trong các lĩnh vực có nguy cơ cao cũng được ưu tiên tiêm vắc xin.
Đồng thời sẽ tiếp tục bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh trong những ngành, lĩnh vực cần thiết khác.
2. Đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng
Nghị quyết 105 đã đưa ra một số chính sách cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay như sau:
2.1 Không quy định thêm các loại giấy phép “con” cản trở lưu thông hàng hóa
Nghị quyết nêu rõ Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn các địa phương không quy định thêm các điều kiện, giấy phép cản trở lưu thông hàng hoá, đặc biệt đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân và vật tư, nguyên liệu sản xuất; không để xảy ra tiêu cực, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
2.2 Doanh nghiệp được nộp bản sao scan để thông quan hàng hóa
Nghị quyết 105 cho phép các doanh nghiệp được nộp bản sao scan có xác nhận bằng chữ ký số đối với các chứng từ phải nộp bản giấy là bản chính dưới dạng giấy/bản sao y công chứng/chứng thực theo quy định của các bộ, cơ quan để giải quyết ách tắc khi thông quan hàng hoá. Sau đó, các doanh nghiệp sẽ thực hiện nộp bổ sung sau khi hàng hoá được thông quan để hậu kiểm.
3. Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh
Trong nhóm giải pháp này, Chính phủ đặt ra một số chính sách giúp doanh nghiệp miễn, giảm chi phí như:
3.1 Miễn, giảm mức đóng bảo hiểm xã hội và phí công đoàn
Về mức đóng bảo hiểm xã hội, trong tháng 9/2021, sẽ ban hành chính sách liên quan đến giảm mức đóng hoặc hỗ trợ từ kết dư quỹ bảo hiểm xã hội ngắn hạn.
Ngoài ra Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ nghiên cứu, đề xuất miễn tiền phạt chậm nộp bảo hiểm xã hội phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 theo quy định.
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng xem xét miễn nộp đoàn phí công đoàn cho đoàn viên tại doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong năm 2021 và 2022.
3.2 Tiếp tục bổ sung chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ
Bên cạnh việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư 14/2021/TT-NHNN vừa ban hành, Nghị quyết cũng yêu cầu Ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung chính sách quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo hướng mở rộng đối tượng, phạm vi, thời gian được áp dụng chính sách cho phù hợp với diễn biến thực tế của dịch bệnh.
3.3 Một số giải pháp miễn giảm chi phí, thuế và phí khác cho doanh nghiệp
- Thực hiện các chính sách về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành; thực hiện chính sách thuế ưu đãi đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 sau khi được Chính phủ thông quan;
- Tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2021; xem xét việc giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo thời gian phù hợp với tình hình dịch COVID-19;
- Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp vận tải biển, chống tình trạng lợi dụng tình hình dịch để tăng giá cước vận tải bất hợp lý, tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp;
- Sớm cho phép doanh nghiệp dịch vụ lữ hành được giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023, giảm thời gian giải quyết hoàn trả tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 60 ngày xuống còn 30 ngày;
- Gia hạn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
4. Tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia
Theo Nghị quyết 105, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam sẽ được nới lỏng một số quy định, điều kiện về việc cấp, gia hạn, xác nhận giấy phép lao động theo quy định tại Nghị định 152/2020/NĐ-CP như điều kiện về kinh nghiệm làm việc, bằng cấp chứng minh chuyên gia lao động kỹ thuật, và bản sao hộ chiếu, cụ thể:
4.1 Đối vị trí chuyên gia theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP yêu cầu về kinh nghiệm làm việc “… có ít nhất 3 năm kinh nghiệm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam”. Nay nới lỏng như sau: “…có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam”.
4.2 Đối với vị trí lao đông kỹ thuật theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 3 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP yêu cầu về kinh nghiệm làm việc “…có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo” được sửa đổi thành “…có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam.
4.3 Đối với Giấy tờ chứng minh là chuyên gia, lao động kỹ thuật theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 9 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP,bổ sung thêm thuật ngữ “giấy chứng nhận” và trường hợp giấy phép lao động đã được cấp được xem là giấy tờ chứng minh chuyên gia, lao động kĩ thuật trong hồ sơ xin cấp giấy phép lao động.
4.4 Đối với bản sao chứng thực hộ chiếu của lao động nước ngoài trong hồ sơ cấp, gia hạn, xác nhận giấy phép lao động, người lao động chỉ cần nộp bản sao hộ chiếu còn giá trị theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết cũng cho phép người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động và đang còn hiệu lực được đến làm việc tại tỉnh, thành phố khác với thời hạn không quá 06 tháng và người sử dụng lao động phải báo cáo với cơ quan quản lý lao động nơi người lao động nước ngoài đến làm việc mà không phải làm lại giấy phép lao động.
Hiệu lực và tổ chức thực hiện:
Nghị quyết 105 chính thức có hiệu lực vào ngày 09/09/2021. Về công tác tổ chức thực hiện, Nghị Quyết 105 cũng đã chỉ rõ: “Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao”, bao gồm các việc cụ thể:
- Trực tiếp chỉ đạo, khẩn trương tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả Nghị quyết này. Chịu trách nhiệm thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ được giao đúng tiến độ và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết này.
- Chỉ đạo việc tạm dừng, giãn, hoãn các cuộc kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chưa cần thiết đã có trong kế hoạch năm 2021 và tổ chức thực hiện vào thời gian phù hợp sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
- Xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp cán bộ, công chức gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
- Sau khi ban hành các chính sách, giải quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
Cập nhật bởi LLVN.
---------------------------
Lawlink Việt Nam (LLVN) là hãng Luật cung cấp các giải pháp pháp lý cho các doanh nghiệp, doanh nhân về ĐẦU TƯ, hoạt động doanh nghiệp & kinh doanh, Mua bán & Sáp nhập; Tranh tụng và Giải quyết tranh chấp. Chúng tôi cung cấp dịch vụ trọn gói từ các khâu tư vấn mô hình hoạt động, đến giấy phép, hợp đồng, cấu trúc vốn và thu xếp vốn, dịch vụ kế toán & thuế, và đại diện. Các ngành mà chúng tôi thực hành liên tục gồm: Bất động sản & Xây dựng, Hạ tầng, Xử lý rác thải & môi trường, Y & Dược, Giáo dục, Fintech, Nông nghiệp, Truyền thông & Xuất bản, Thương mại điện tử.
-------------------------------
𝐂𝐨𝐧𝐭𝐚𝐜𝐭 𝐮𝐬
Website: www.lawlink.com
Instagram: lawlink.vietnam
Facebook: Lawlink Vietnam
Phone: +84 908107788
Address: Aqua 1, Vinhomes Golden River, 02 Tôn Đức Thắng, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Comentarios