top of page
Tìm kiếm
  • Mai Do

Những điều kiện cơ bản nhà đầu tư cần biết trong Đầu tư vào lĩnh vực giáo dục

Đã cập nhật: 28 thg 4, 2020



1. Nhà đầu tư vào giáo dục theo Luật Giáo dục 2019 là những đối tượng nào?


Theo Điều 5 và Điều 54 Luật Giáo dục năm 2019, nhà đầu tư là các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư trong lĩnh vực giáo dục bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, bao gồm nhà đầu tư trong nước là cá nhân có quốc tịch Việt Nam, tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài là các cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức được thành lập theo pháp luật nước ngoài.

2. Nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia đầu tư vào những lĩnh vực nào của giáo dục? Có những hạn chế nào đối với nhà đầu tư nước ngoài không?


Được xem là một ngành khá “nhạy cảm” và liên quan đến đào tạo, phát triển con người, Việt Nam hiện nay mới chỉ cam kết mở cửa thị trường và cho phép hiện diện thương mại đối với các quốc gia thành viên WTO trong một số lĩnh vực giáo dục nhất định như: kỹ thuật, khoa học tự nhiên và công nghệ, quản trị kinh doanh và khoa học kinh doanh, kinh tế học, kế toán, luật quốc tế và đào tạo ngôn ngữ và hạn chế phạm vi hoạt động trong giáo dục bậc cao, giáo dục cho người lớn và các dịch vụ giáo dục khác.


Riêng Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA) có mở rộng hơn ở một số lĩnh vực: nông nghiệp, kiến trúc, đóng tàu, quản trị doanh nghiệp, quản lý, khoa học máy tính, xây dựng, hệ thống thông tin, dịch vụ nha khoa, kinh tế học,… và phạm vi hoạt động bao gồm cả giáo dục trung học phổ thông, giáo dục trung học mang tính kỹ thuật hướng nghiệp với điều kiện là người học đã hoàn thành 9 năm học phổ thông theo quy định của pháp luật Việt Nam.


Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần lưu ý rằng các ngành đào tạo về an ninh, quốc phòng, chính trị và tôn giáo sẽ không cho phép việc đầu tư và kể cả hợp tác từ tổ chức, cá nhân nước ngoài.

3. Nhà đầu tư có thể tham gia đầu tư vào giáo dục dưới những hình thức nào?


Luật Giáo dục mới quy định hai phương thức mà nhà đầu tư có thể tham gia đầu tư vào giáo dục bao gồm: (i) Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế để thành lập cơ sở giáo dục tư thục; hoặc (ii) Nhà đầu tư trực tiếp đầu tư thành lập cơ sở giáo dục tư thục.


Đối với nhà đầu tư nước ngoài có thể lựa chọn giữa các hình thức sau theo quy định của Nghị định 86/2018/NĐ-CP: (i) Liên kết giáo dục, đào tạo; (ii) Thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài; (iii) Thành lập phân hiệu tại Việt Nam (áp dụng cho cơ sở giáo dục đại học); (iv) Thành lập văn phòng đại diện; hoặc hình thức hợp tác đầu tư khác theo pháp luật về đầu tư của Việt Nam.

4. Những điều kiện mà nhà đầu tư phải đáp ứng khi đầu tư vào giáo dục?

Nhà đầu tư cần đáp ứng các điều kiện sau:


Thứ nhất, điều kiện tiên quyết phải kể đến đầu tiên chính là nhà đầu tư có đáp ứng các quy định về chủ thể thực hiện việc đầu tư, kinh doanh hay không? Nhà đầu tư có rơi vào các trường hợp không được thành lập hay quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp, chẳng hạn như: cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, người chưa thành niên, người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự,…


Thứ hai, điều kiện về hình thức, phương thức đầu tư cũng như lĩnh vực được phép tham tham gia đầu tư như đã nêu ở trên. Đây là yếu tố mà nhà đầu tư nước ngoài cần đặc biệt lưu ý.


Thứ ba và cuối cùng là điều kiện về thành lập và cấp phép hoạt động. Yếu tố cấp phép hoạt động liên quan mật thiết đến nội dung chi tiết của dự án đầu tư từ điều kiện về vốn đầu tư tối thiểu, nguồn lực tài chính cho đến chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, thiết bị, nguồn nhân sự quản lý và đội ngũ nhà giáo. Tùy theo hình thức đầu tư, loại hình cơ sở giáo dục, lĩnh vực hoạt động, quy mô tổ chức do nhà đầu tư xác định mà các điều kiện thành lập và cấp phép cũng sẽ thay đổi tương ứng.

5. Những ưu đãi mà nhà đầu tư có thể được hưởng khi đầu tư vào giáo dục?


Giáo dục là một trong những ngành được ưu tiên, nằm trong Danh mục ưu đãi đầu tư của Nghị định số 118/2015/NĐ-CP, cụ thể: Đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng của các cơ sở giáo dục, đào tạo; đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục, đào tạo ngoài công lập ở các bậc học: giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp.


Về cơ bản, nguyên tắc xác định các ưu đãi và mức ưu đãi cụ thể đối với từng dự án sẽ do cơ quan có thẩm quyền quyết định, có thể là: áp dụng MỨC THUẾ SUẤT thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; MIỄN, GIẢM THUẾ THU NHẬP doanh nghiệp; hoặc MIỄN THUẾ NHẬP KHẨU đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư; hoặc MIỄN, GIẢM TIỀN THUÊ ĐẤT, TIỀN SỬ DỤNG ĐẤT, THUẾ SỬ DỤNG ĐẤT.


Đặc biệt theo quy định tại Điều 103 Luật Giáo dục, các trường tư thục sẽ được Nhà nước giao hoặc cho thuê đất, giao hoặc cho thuê cơ sở vật chất, HỖ TRỢ NGÂN SÁCH khi thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước đặt hàng, được hưởng các CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI về thuế và tín dụng, được Nhà nước BẢO ĐẢM KINH PHÍ để thực hiện chính sách đối với người học như: cấp học bổng, trợ cấp xã hội, miễn giảm học phí, hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt.

6. Thủ tục, trình tự cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với Dự án đầu tư vào giáo dục?


Quy trình đầu tư, thành lập một cơ sở giáo dục thường đi qua hai bước chính là: (i) Thành lập cơ sở giáo dục; (ii) Xin cấp phép hoạt động. Tuy nhiên đối với các dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài hoặc dự án đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thì còn phải qua một bước nữa trước khi được cấp quyết định cho phép thành lập là xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo khoản 1 Điều 36 Luật đầu tư.


Trình tự thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư vào giáo dục được thực hiện theo quy định tại Điều 37 của Luật đầu tư, gồm:

  • Bước 1: Xin chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu cần). Tùy vào thẩm quyền quyết định, quy mô dự án mà bước này có thể kéo dài từ 35 ngày đến 150 ngày.

  • Bước 2: Nhà đầu tư nộp hồ dự án và Sở kế hoạch và Đầu tư xem xét cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ. Thời gian trên thực tế thường kéo dài từ 1-2 tháng đối với các dự án không cần xin sự chấp thuận chủ trương đầu tư.

Mọi yêu cầu tư vấn đầu tư trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam cũng như nước ngoài, vui lòng liên hệ với Lawlink Việt Nam qua website: lawlinkvn.com hoặc qua email info@lawlinkvn.com hoặc số điện thoại +84 908 10 77 88.

508 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page