Tiêu đề bài này là trích dẫn một trong những bình luận “chua chát” của vị đại diện một doanh nghiệp khi nói về quy định mới của Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật quản lý thuế 2019.
Điểm b khoản 6 Điều 8 Nghị định 126 quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
“Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 03 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm. Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 03 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 03 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước”.
Như vậy, theo quy định trên thì cứ hết ngày 31/10 hàng năm, số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của 03 quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm; nếu nộp thấp hơn 75% thì doanh nghiệp sẽ phải nộp tiền chậm nộp kể từ ngày 01/11.
Có thể hiểu được câu cảm thán của vị đại diện doanh nghiệp nêu ở đầu bài, vì rằng, với quy định như vậy, nếu hiệu quả kinh doanh quý 4 tăng mạnh so với các quý đầu năm mà trong nhiều trường hợp doanh nghiệp không thể dự liệu trước được, thì khi đó khả năng lớn là thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp đã nộp sẽ thấp hơn 75% số thuế cả năm, và dù tuân thủ đúng quy định của pháp luật, doanh nghiệp vẫn sẽ phạt do “tạm ứng” thiếu tiền thuế!
Và để tránh nguy cơ “bị phạt” doanh nghiệp sẽ phải dự tính và “tạm ứng” nộp thuế thu nhập tạm nộp lớn hơn, tức là chấp nhận bị chiếm dụng vốn và giảm đi cơ hội tiếp tục đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Theo Tổng cục thuế, thì quy định này nhằm hạn chế chiếm dụng ngân sách, và rằng quy định này xuất phát từ thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, khi sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp đều có phương án và kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm, và sẽ hoàn toàn chủ động trong việc xác định, ước tính kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm để thực hiện quy định tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định. Các trường hợp doanh nghiệp có kết quả tăng bất thường về sản xuất kinh doanh trong quý IV mà doanh nghiệp không dự kiến được trước không phải là trường hợp phổ biến.
Giải thích của Tổng cục thuế, dù vậy, không nhận được sự đồng tình của doanh nghiệp. Đặc biệt trong thời điểm tình hình kinh doanh nói chung của năm 2020 bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid 19, và nhiều doanh nghiệp chỉ trông chờ vào quý 4 – quý mà kết quả kinh doanh có thể không nằm trong kịch bản nào có thể dự được dự báo trước.
Một trong những nguyên tắc của đánh thuế, là đánh thuế phải đảm bảo cân bằng lợi ích giữa nhà nước và người nộp thuế. Việc đánh thuế vừa phải đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước vừa phải đảm bảo người nộp thuế không phải nôp số thuế quá lớn. Nếu tổng số thuế phải trả quá lớn, đời sống nhân dân lao động không được đảm bảo, nền kinh tế sẽ bị trì trệ một cách gián tiếp; tình trạng trốn thuế sẽ xảy ra. Còn nếu thuế thu được quá ít sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của Nhà nước, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Do vậy cần có sự hài hòa giữa lợi ích nhà nước và người nộp thuế. Cân bằng sao cho không gây phản ứng thuế của người dân mà Nhà nước vẫn duy trì được hoạt động của mình. Cơ quan thuế khi ban hành quy định, không những chỉ xem xét tiêu chí “thu đủ, hạn chế chiếm dụng ngân sách”, mà còn phải tính toán đến khả năng tài chính của người nộp thuế, và liệu chính sách đưa ra có gây ảnh hưởng tiêu cực, làm hạn chế/giảm năng lực cạnh tranh và động lực sản xuất kinh doanh của người nộp thuế hay không.
Quy định trên vẫn còn chờ hướng dẫn về thời điểm có hiệu lực. Thiết nghĩ một kết quả khảo sát giành cho đối tượng chịu tác động của quy định này là nên thực hiện, trước khi cơ quan có thẩm quyền và ngành thuế đưa ra những hướng dẫn thực thi quy định này.
Tính hiệu quả của những giải pháp tổng lực từ Chính phủ thông qua những gói hỗ trợ cho doanh nghiệp sẽ giảm đáng kể nếu chính sách thuế có những quy định đi ngược chiều với những giải pháp tổng lực đó.
Cập nhật bởi đội ngũ LawlinkVN
Comments