Việt Nam hiện có hơn 200 dự án đầu tư vào Campuchia với tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỉ đô la Mỹ, và con số này được đánh giá là thấp so với lợi thế về vị trí địa lý. Các diễn giả tại cuộc hội thảo ngày 22-11 cho rằng giá thuê đất thấp, thủ tục đầu tư được đơn giản hóa, giao thương thuận tiện… là những điều kiện giúp thúc đẩy tăng trưởng các dự án hợp tác tại Campuchia.
Ông Oknha Leng Rithy, Cố vấn cấp cao của Phó Thủ tướng Vương quốc Campuchia cho biết đây là thời điểm vàng để doanh nghiệp Việt Nam vào Campuchia.
Các diễn giả và khách tham dự cuộc hội thảo “Hợp tác Việt Nam - Campuchia trong bối cảnh mới của ASEAN”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), Câu lạc bộ Doanh nhân Tiền Giang tại TPHCM (TGB) phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức ngày 22-11 tại TPHCM, đã cùng đối thoại về cơ hội đầu tư và nhân rộng các mô hình kinh doanh hiệu quả, thúc đẩy sự hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Theo ông Oknha Leng Rithy, Cố vấn cấp cao của Phó Thủ tướng Vương quốc Campuchia, quốc gia này đang ở trong giai đoạn ổn định về chính trị nên sẽ là cơ hội "vàng" cho doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư tại đây. Thêm vào đó, giá thuê đất ở Campuchia đang ở mức thấp, thủ tục đầu tư nhanh gọn, người dân biên giới qua lại thân thiện… là những điều kiện để việc triển khai các dự án hợp tác được thuận lợi. Hiện nay, Việt Nam có hơn 200 dự án đầu tư vào Campuchia với tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỉ đô la Mỹ, con số này được đánh giá là khá thấp so với tiềm năng trong thực tế.
Ông Sok Dareth, Tổng lãnh sự Vương quốc Campuchia tại TPHCM khẳng định, Campuchia kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào đất nước chùa tháp. Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam và Campuchia tham gia, cùng các hiệp định song phương đang góp phần thúc đẩy sự hợp tác kinh tế giữa hai nước. Cụ thể, mục tiêu đặt ra cho năm 2020 là kim ngạch thương mại hai chiều đạt 5 tỉ đô la đã được thực hiện ngay trong năm nay.
Năm 2020, Campuchia đặt mục tiêu sẽ đón 1 triệu lượt khách Việt Nam đến tham quan. Năm 2018, đã có 800 ngàn lượt du khách Việt Nam đến Campuchia, xếp thứ hai về lượng khách quốc tế đi du lịch Campuchia. Ở chiều ngược lại, khách du lịch Campuchia đến Việt Nam liên tục tăng qua các năm.
Ông Sok Dareth kỳ vọng, lượng du khách của hai bên sẽ tiếp tục tăng cao thông qua việc tăng cường quảng bá, thúc đẩy kết nối các điểm đến và sản phẩm du lịch của hai nước. Mới đây, vào cuối tháng 10, hai nước đã khánh thành chuyến bay thẳng giữa Phnom Penh - Đà Nẵng, góp phần tăng chuyến bay từ Campuchia đến Việt Nam lên hơn 115 chuyến/tuần.
Campuchia còn đang xem xét khả năng đề ra cơ chế đặc biệt để tăng cường thuận lợi cho thương mại và hậu cần (logistics) dọc biên giới hai nước, nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển qua biên giới đang ngày càng tăng mạnh. Dự kiến cuối năm nay, hai bên sẽ khánh thành chợ biên giới kiểu mẫu Campuchia – Chợ Đa tại tỉnh Thbong Khnum do Chính phủ Việt Nam tài trợ.
Đặc biệt, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen sẽ có kế hoạch gặp mặt bà con Việt kiều để chúc Tết Nguyên đán cổ truyền, đồng thời cũng kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam sang tìm hiểu, đầu tư và kinh doanh nhiều hơn nữa tại Campuchia trên các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, xây dựng, giáo dục…
Ở phía Việt Nam, nhiều đại biểu cho rằng, còn nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hai nước hợp tác và đóng góp cho phát triển kinh tế của hai quốc gia. Cụ thể, vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam với thế mạnh về phát triển nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến thực phẩm có thể hợp tác mạnh mẽ hơn nữa trong cung cấp nông sản thực phẩm và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho phía Campuchia. Đây cũng là những lĩnh vực mà Campuchia mong muốn có sự hợp tác, đầu tư lâu dài. Trong đó, TPHCM với vị thế dẫn dắt khu vực Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ làm đầu mối kết nối hợp tác giữa ĐBSCL, Đông Nam bộ và Campuchia.
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ cho rằng, có nhiều ngành nghề kinh doanh cụ thể mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm đối tác, bàn bạc và triển khai sớm ở Campuchia như: nuôi chim yến, công nghiệp cơ khí, năng lượng tái tạo, dịch vụ thanh toán… Đặc biệt, những phân khúc thị trường đầu tư ở Campuchia hiện nay rất thích hợp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam về quy mô vốn cũng như quản trị doanh nghiệp.
“Trước mắt cần tâp trung vào các lĩnh vực mà hai nước có thế mạnh để phát triển như nông nghiệp. Ở Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhưng lại thiếu quỹ đất đủ tiêu chuẩn để làm. Trong khi đó diện tích đất có thể canh tác theo hướng nông nghiệp công nghệ cao ở Campuchia đang rất nhiều. Như vậy việc kết hợp giữa công nghệ của Việt Nam với đất đai và nhân lực của Campuchia là điều mà doanh nghiệp của cả hai bên cần tính đến”, ông Lam chia sẻ.
Dự kiến từ ngày 5 đến 8-12 sẽ diễn ra chương trình Caravan kết nối doanh nhân Việt Nam - Campuchia do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ, Câu lạc bộ Doanh nhân Tiền Giang tại TPHCM (TGB) tổ chức. Caravan lần này, được ghi nhận là một trong những kỳ caravan với kỷ lục nhiều tỉnh, thành Việt Nam và Campuchia tham gia nhất.
Trong khuôn khổ caravan, có nhiều hoạt động tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc khu vực tư nhân như: VCCI Cần Thơ chủ trì kết nối 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long và 7 tỉnh, thành lớn của cả nước với doanh nghiệp Campuchia. Đặc biệt, nhằm mục đích kết nối doanh nghiệp, xúc tiến thương mại và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc, Ban tổ chức còn triển khai "Diễn đàn hợp táckinh doanh Việt Nam - Campuchia" tại PhnomPenh.
Nguồn: https://www.thesaigontimes.vn/297214/thoi-diem-vang-de-doanh-nghiep-viet-nam-tien-vao-campuchia.html
Việt Dũng
Comments