Luật Doanh nghiệp 2020 sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/2021, đồng nghĩa với việc điều lệ của các doanh nghiệp cũng cần được rà soát và điều chỉnh phù hợp với các quy định mới, đặc biệt trong vấn đề cơ cấu tổ chức, quản trị nội bộ trong công ty cổ phần. Lawlink Việt Nam tổng hợp lại các điểm chính cần thay đổi như dưới đây:
1. Sửa đổi tỷ lệ %, mở rộng thẩm quyền cho nhóm cổ đông thiểu số
Theo Luật Doanh nghiệp 2020, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền của cổ đông phổ thông quy định tại khoản 2 Điều 115. Cụ thể các quyền về: a) Xem xét, tra cứu, trích lục số biên bản và nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm và các tài liệu khác theo quy định; b) Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông; c) Yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết; d) Quyền khác theo quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty.
Trong khi theo Luật Doanh nghiệp 2014 các quyền này được áp dụng đối với cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty quy định.
2. Bổ sung thêm nghĩa vụ bảo mật của cổ đông
Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm nghĩa vụ cổ đông phải bảo mật các thông tin được công ty cung cấp theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật; chỉ sử dụng thông tin được cung cấp để thực hiện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; nghiêm cấm phát tán hoặc sao, gửi thông tin được công ty cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác.
3. Bổ sung trách nhiệm của người quản lý công ty cổ phần
Điều 165 Luật Doanh nghiệp 2020, bổ sung thêm trách nhiệm của người quản lý công ty cổ phần, theo đó: Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 165 Luật Doanh nghiệp 2020 chịu trách nhiệm cá nhân hoặc liên đới đền bù lợi ích bị mất, trả lại lợi ích đã nhận và bồi thường toàn bộ thiệt hại cho công ty và bên thứ ba.
4. Bổ sung thêm thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông
Điều 138 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định thêm Đại hội đồng cổ đông sẽ có quyền (i) quyết định ngân sách hoặc tổng mức thù lao, thưởng và lợi ích khác cho Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát; (ii) phê duyệt quy chế quản trị nội bộ; quy chế hoạt động Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát; và (iii) phê duyệt danh sách công ty kiểm toán độc lập; quyết định công ty kiểm toán độc lập thực hiện kiểm tra hoạt động của công ty, bãi miễn kiểm toán viên độc lập khi xét thấy cần thiết.
5. Loại bỏ hạn chế về thời hạn 1 năm đối với cổ đông công ty cổ phần
Điều 153 Luật Doanh nghiệp 2020 ghi nhận mọi cổ đông của công ty, (không cần phải sở hữu cổ phần trong ít nhất trong 01 năm như Luật Doanh nghiệp 2014) có quyền yêu cầu Tòa án đình chỉ thực hiện hoặc hủy bỏ nghị quyết của Hội đồng quản trị mà trái pháp luật, Điều lệ hoặc nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.
6. Bổ sung thêm trường hợp chấm dứt tư cách thành viên hợp danh
Điều 185 Luật Doanh nghiệp 2020, bổ sung thêm trường hợp thành viên hợp danh bị chấm dứt tư cách trong trường hợp "có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi" và "chấp hành hình phạt tù hoặc bị Tòa án cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo quy định của pháp luật".
7. Bổ sung thêm quy định về "thực hiện quyền của chủ doanh nghiệp tư nhân trong một số trường hợp đặc biệt"
Điều 193 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về "thực hiện quyền của chủ doanh nghiệp tư nhân trong một số trường hợp đặc biệt" như sau:
- Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc thì ủy quyền cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
- Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết thì người thừa kế hoặc một trong những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật là chủ doanh nghiệp tư nhân theo thỏa thuận giữa những người thừa kế. Trường hợp những người thừa kế không thỏa thuận được thì đăng ký chuyển đổi thành công ty hoặc giải thể doanh nghiệp tư nhân đó.
- Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân được xử lý theo quy định của pháp luật về dân sự.
- Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì quyền và nghĩa vụ của chủ doanh nghiệp tư nhân được thực hiện thông qua người đại diện.
- Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân bị Tòa án cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thuộc phạm vi ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp thì chủ doanh nghiệp tư nhân tạm ngừng, chấm dứt kinh doanh ngành, nghề có liên quan theo quyết định của Tòa án hoặc chuyển nhượng doanh nghiệp tư nhân cho cá nhân, tổ chức khác.
Không chỉ những trường hợp trên hay do các thay đổi khác của luật, các chủ doanh nghiệp cũng nên lưu ý cập nhật bản Điều lệ công ty khi có thay đổi trong nội bộ công ty và/hoặc các thay đổi thực hiện với Sở kế hoạch đầu tư cũng nên được cập nhật trong bản điều lệ.
Để tham khảo thêm các thay đổi của Luật doanh nghiệp 2020, vui lòng truy cập đường link: https://www.lawlinkvn.com/post/m%E1%BB%99t-s%E1%BB%91-%C4%91i%E1%BB%83m-m%E1%BB%9Bi-c%E1%BB%A7a-lu%E1%BA%ADt-doanh-nghi%E1%BB%87p-2020
Cập nhật bởi Đỗ Thị Ngọc Mai – Trưởng BP Tư vấn doanh nghiệp, LLVN
Comments