top of page
Tìm kiếm

HUY ĐỘNG VỐN QUA CHÀO BÁN CỔ PHẦN CÓ GÌ MỚI THEO LUẬT DOANH NGHIỆP 2020? (Phần 1)

Đã cập nhật: 14 thg 1, 2021

Vốn điều lệ của công ty cổ phần (CTCP) được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Hay hiểu một cách đơn giản hơn, cổ phần là phần vốn nhỏ nhất của mỗi CTCP. Theo đó cổ phần sẽ xác lập mối quan hệ sở hữu của người nắm giữ cổ phần (gọi là cổ đông) với CTCP, đây là bản chất pháp lý quan trọng phân biệt cổ phần (cổ phiếu) với trái phiếu (công cụ xác lập quan hệ cho vay của người nắm giữ - trái chủ - đối với công ty).

Bên cạnh việc phát hành trái phiếu, CTCP còn có thể huy động vốn sản xuất, kinh doanh thông qua chào bán cổ phần. Chào bán cổ phần là việc công ty tăng thêm số lượng cổ phần, loại cổ phần được quyền chào bán để tăng vốn điều lệ. Ưu điểm của chào bán cổ phần là không phải chịu các giới hạn tối đa số vốn mà doanh nghiệp muốn phát hành thêm trong các đợt chào bán.


Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về các hình thức chào bán gồm: (a) Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu; (b) Chào bán cổ phần riêng lẻ; (c) Chào bán cổ phần ra công chúng. Với trường hợp chào bán cổ phần ra công chúng, chào bán cổ phần của công ty đại chúng và tổ chức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.


Trong phần 1 này, LLVN giới thiệu về CHÀO BÁN CỔ PHẦN CHO CỔ ĐÔNG HIỆN HỮU CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN KHÔNG PHẢI LÀ CÔNG TY ĐẠI CHÚNG theo quy định mới của Luật doanh nghiệp 2020.

Theo đó, chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu được hiểu là việc công ty phát hành thêm cổ phần và bán cho tất cả cổ đông số cổ phần tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần hiện có.


Về thẩm quyền quyết định, Luật đưa ra các nguyên tắc chung như sau: Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) sẽ quyết định loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại được quyền chào bán. Dựa trên chủ trương bán cổ phần của ĐHĐCĐ, Hội đồng quản trị (HĐQT) quyết định thời điểm, phương thức và giá bán cổ phần.


Về giá bán cổ phần, theo nguyên tắc, không được thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán hoặc giá trị được ghi trong sổ sách của cổ phần tại thời điểm gần nhất nhằm đảm bảo công bằng và quyền lợi của cổ đông. Tuy nhiên, với chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu thì hoàn toàn có thể áp dụng ngoại lệ giá bán thấp hơn.


Về thủ tục, việc chào bán trong trường hợp này được thực hiện như sau:

a) Thông báo cho cổ đông đăng ký mua cổ phần bằng phương thức bảo đảm chậm nhất là 15 ngày trước ngày kết thúc thời hạn đăng ký mua;

b) Trước khi hết hạn ghi trên thông báo, cổ đông phải đăng ký mua và gửi hồ sơ về công ty. Trường hợp không mua, cổ đông được tự do chuyển quyền ưu tiên mua cổ phần của mình cho người khác mà không bắt buộc phải chuyển cho những cổ đông còn lại. Luật cũng quy định cơ chế mặc nhiên rằng khi cổ đông không gửi đăng ký mua về công ty đúng hạn thì xem như đã từ bỏ quyền ưu tiên mua của mình.

c) Căn cứ xác lập việc cổ phần đã được bán là khi tiền mua đã được thanh toán đủ và những thông tin về người mua được cập nhật đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông. Tư cách cổ đông của người mua tương ứng với số cổ phần đang sở hữu cũng được xác lập từ thời điểm này. Bên cạnh đó, công ty cũng có thể phát hành và giao cổ phiếu cho cổ đông để chứng thực quyền sở hữu cổ phần.

d) Khi hoàn thành đợt chào bán và tư cách cổ đông đã xác lập, công ty phải thực hiện thủ tục tại cơ quan đăng ký kinh doanh về đăng ký thay đổi vốn điều lệ trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành.


Trong một số trường hợp, cổ đông và người nhận chuyển quyền ưu tiên mua sẽ không mua hết số lượng cổ phần theo kế hoạch phát hành. Lúc này, HĐQT có quyền bán số cổ phần được quyền chào bán còn lại cho cổ đông của công ty và người khác với điều kiện không thuận lợi hơn so với những điều kiện đã chào bán cho các cổ đông, trừ trường hợp ĐHĐCĐ có chấp thuận khác hoặc pháp luật về chứng khoán có quy định khác. Luật mới đã bỏ quy định về “theo cách thức hợp lý với điều kiện không thuận lợi hơn so với những điều kiện đã chào bán cho các cổ đông”. Luật Doanh nghiệp 2014 bắt buộc phải “theo cách thức hợp lý” nhưng lại không giải thích hay hướng dẫn về cách hiểu tiêu chí định tính này, gây nên khó khăn cho doanh nghiệp khi chào bán số lượng cổ phần còn dư và trách nhiệm phải giải trình với cơ quan nhà nước về cách thức hợp lý. Theo chúng tôi thì việc sửa đổi (bãi bỏ) như trên là phù hợp và tạo cơ chế thuận tiện cho doanh nghiệp trong huy động vốn, chỉ cần áp dụng “các điều kiện không thuận lợi hơn”, kể cả đối với giá bán cổ phần thấp hơn giá thị trường hoặc giá trị được ghi trong sổ sách. Trên thực tiễn phương thức này vẫn được vận dụng trong các giao dịch mua bán doanh nghiệp, và kèm theo chấp thuận của ĐHĐCĐ để chứng minh việc cổ đông từ bỏ quyền ưu tiên mua và thiết lập các điều kiện thuận lợi hơn để thúc đẩy giao dịch và nhận vốn mới từ nhà đầu tư tiềm năng.


Nhìn chung vấn đề chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu trong Luật mới không có quá nhiều khác biệt so với Luật năm 2014. Tuy nhiên, với cải cách nhỏ như phân tích ở trên cũng giúp giảm bớt nhiều trách nhiệm cho doanh nghiệp trong việc huy động vốn của mình. Với phiên bản mới của Luật Doanh nghiệp 2020, thị trường đang chờ đón những đợt chào bán cổ phần sôi động của doanh nghiệp trong năm 2021 sắp tới.


Bài viết của Thùy Dương, Trợ lý Luật sư, LLVN.

Mọi nhu cầu tư vấn, hỗ trợ, doanh nghiệp có thể liên hệ với chúng tôi để nhận được tư vấn tốt nhất.

SĐT: +84 908 107 788, email: info@lawlinkvn.com

Theo dõi nhiều bài viết hơn của chúng tôi tại:

‘Website:www.lawlinkvn.com

Fanpage: www.facebook.com/Lawlink-vietnam


46 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page