Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng được thông qua vào ngày 17/06/2020 và sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/2021(“Luật xây dựng 2020”).
LLVN cập nhật những điểm mới cơ bản của Luật Xây dựng 2020 theo 02 nhóm: (i) Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng: thẩm định dự án, thiết kế xây dựng; quyền/nghĩa vụ các chủ thể; cấp giấy phép xây dưng;… và (ii) Bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh và triển khai xây dựng.
A. NHÓM CẢI CÁCH ĐƠN GIẢN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
1. Thẩm định dự án và thiết kế (Khoảng 36 Điều 3): Phân rõ thẩm quyền, trách nhiệm thẩm định của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư với thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng, cụ thể:
- Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư thẩm định để quyết định đầu tư xây dựng và phê duyệt thiết kế xây dựng
- Cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định để kiểm soát việc tuân thủ quy định pháp luật của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng.
2. Thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi:
- Dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công: thẩm định theo luật Đầu tư công.
- Cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đối với các dự án: (i) Dự án sử dụng vốn đầu tư công; (ii) Dự án PPP; (iii) Dự án đầu tư xây dựng có quy mô từ nhóm B trở lên hoặc có công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công; (iv) Dự án đầu tư xây dựng có quy mô lớn hoặc có công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng sử dụng vốn khác.
- Cơ quan chuyên môn thuộc người quyết định đầu tư thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đối với các dự án (để quyết định đầu tư): (i) Các dự án thuộc đối tượng thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng và (ii) Các dự án còn lại khác.
- Thẩm định về công nghệ: dự án đầu tư xây dựng sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao hoặc dự án đầu tư xây dựng có nguy cơ tác động xấu đến môi trường có sử dụng công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ thì phải được cơ quan thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ theo quy định của Chính phủ. Nội dung và thời gian thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ được thực hiện theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ. Kết quả thẩm định hoặc ý kiến của cơ quan thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực được gửi cơ quan chủ trì thẩm định của người quyết định đầu tư để tổng hợp.
- Thủ tục thẩm định được thực hiện đồng thời với các thủ tục hành chính như bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy, công nghệ...
- Thời gian thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi:
+ Dự án quan trọng quốc gia: theo Luật đầu tư công
+ Dự án vốn đầu tư công: Nhóm A – 40 ngày, trong đó cơ quan chuyên môn về xây dựng là 35 ngày; Nhóm B – 30 ngày, trong đó cơ quan chuyên môn về xây dựng là 25 ngày; + Nhóm C – 20 ngày, trong đó cơ quan chuyên môn về xây dựng là 15 ngày
+ Các dự án còn lại: do người quyết định đầu tư quyết định, thời gian thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng là như trên.
3. Thẩm định thiết kế xây dựng
Khoản 1 Điều 78 quy định rõ các bước thiết kế bao gồm: (i) Thiết kế sơ bộ trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng; (ii) Thiết kế cơ sở trong Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng; (iii) thiết kế bản vẽ thi công trong Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng; (iv) Các thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở bao gồm thiết kế kỹ thuật tổng thể (Front - End Engineering Design, sau đây gọi là thiết kế FEED), thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và các thiết kế khác (nếu có) theo thông lệ quốc tế.
Số bước thiết kế xây dựng do người quyết định đầu tư quyết định khi phê duyệt dự án, quyết định đầu tư xây dựng, có thể gồm một bước hoặc nhiều bước (Khoản 3 Điều 78):
- Thiết kế một bước là thiết kế bản vẽ thi công;
- Thiết kế hai bước bao gồm thiết kế cơ sở và thiết kế bản vẽ thi công;
- Thiết kế ba bước bao gồm thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công;
- Thiết kế nhiều bước theo thông lệ quốc tế.
Thiết kế bản vẽ thi công do tổ chức tư vấn thiết kế hoặc nhà thầu thi công xây dựng lập cho toàn bộ công trình hoặc từng hạng mục công trình hoặc từng giai đoạn thi công công trình theo yêu cầu của chủ đầu tư.
Thẩm định thiết kế của chủ đầu tư (khoản 1 Điều 82):
- Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức thẩm định bước thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở làm cơ sở phê duyệt, trừ trường hợp người quyết định đầu tư có quy định khác tại quyết định đầu tư xây dựng.
- Đối với các bước thiết kế còn lại, chủ đầu tư quyết định việc kiểm soát thiết kế theo quy định tại hợp đồng giữa chủ đầu tư với nhà thầu và quy định của pháp luật có liên quan
Một số công trình phải được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở: (i) Công trình sử dụng vốn đầu tư công; (ii) Công trình sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công thuộc dự án có quy mô nhóm B trở lên hoặc công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng; (iii) Công trình thuộc dự án PPP; (iv) Công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng sử dụng vốn khác được xây dựng tại khu vực không có quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn (Khoản 1 Điều 83a)
4. Giấy phép xây dựng (“GPXD”)
Lồng ghép thủ tục GPXD với thẩm định thiết kế, cụ thể là:
- Các công trình thuộc đối tượng được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở được miễn Giấy phép xây dựng, cơ quan chuyên môn phải đánh giá/phối hợp đánh giá các nội dung của GPXD (Điểm g khoản 2 Điều 89).
- Các công trình không phải thẩm định thiết kế xây dựng bởi cơ quan chuyên môn phải thực hiện cấp GPXD. Cơ quan cấp GPXD phải đánh giá một số nội dung về an toàn, quy chuẩn tiêu chuẩn…
Thời gian cấp GPXD rút ngắn hơn: (i) 20 ngày đối với công trình xây dựng; 15 ngày đối với nhà ở riêng lẻ (điểm e khoản 1 Điều 102).
Quy định về miễn GPXD, bổ sung đối tượng được miễn GPXD gồm 1 số các loại công trình xây dựng sau:
(i) Công trình thuộc dự án đã được cơ quan trung ương quyết định đầu tư;
(ii) Công trình xây dựng nhà ở ở nông thôn thì làm rõ hơn các điều kiện để được miễn GPXD cụ thể là nhà ở có quy mô dưới 07 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
(iii) Công trình quảng cáo không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về quảng cáo; công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động theo quy định của Chính phủ
Thẩm quyền cấp GPXD: Bãi bỏ thẩm quyền cấp GPXD của Bộ xây dựng đối với công trình xây dựng đặc biệt, tập trung thẩm quyền cấp GPXD về cơ quan chuyên môn quản lý về xây dựng là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh – huyện phụ thuộc vào loại công trình.
Tất cả các công trình đều được cấp GPXD theo giai đoạn với điều kiện đã có thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của từng giai đoạn được thẩm định và phê duyệt theo quy định (khoản 4 Điều 89).
Đối với dự án đầu tư xây dựng có nhiều công trình, giấy phép xây dựng được cấp cho một, một số hoặc tất cả các công trình thuộc dự án khi các công trình có yêu cầu thi công đồng thời, bảo đảm các yêu cầu về điều kiện, thời hạn cấp GPXD và yêu cầu đồng bộ của dự án (khoản 5 Điều 89), nghĩa là Luật xây dựng 2020 đã bỏ đi điều kiện cấp GPXD là “phải hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật thuộc khu vực xây dựng mới được cấp GPXD”.
B. BÃI BỎ, ĐƠN GIẢN HÓA ĐIỀU KIỆN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG
- Chỉ yêu cầu chứng chỉ hành nghề đối với một số chức danh: giám đốc quản lý dự án; chủ nhiệm, chủ trì lập thiết kế quy hoạch xây dựng; chủ nhiệm khảo sát xây dựng; chủ nhiệm, chủ trì thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng; tư vấn giám sát thi công xây dựng; chủ trì lập, thẩm tra và quản lý chi phí đầu tư xây dựng; chủ trì định giá xây dựng
- Bỏ chứng chỉ hành nghề đối với: an toàn lao động; cá nhân trực tiếp tham gia quản lý dự án; kiểm định xây dựng; chỉ huy trưởng công trình
- Làm rõ chứng chỉ năng lực của tổ chức: tổ chức tham gia hoạt động xây dựng phải có chứng chỉ năng lực theo quy định của Luật này bao gồm tư vấn quản lý dự án đầu tư xây dựng; khảo sát xây dựng; lập thiết kế quy hoạch xây dựng; thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng; thi công xây dựng công trình; tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình. Bổ sung thẩm quyền của Tổ chức xã hội nghề nghiệp được cấp chứng chỉ năng lực.
- Điều kiện khởi công xây dựng công trình cũng có sự thay đổi (Điều 107), cụ thể là
· Bãi bỏ điều kiện “bố trí đủ vốn theo tiến độ công trình xây dựng”.
· Bổ sung thêm điều kiện: (i) Chủ đầu tư đã ký kết hợp đồng với nhà thầu thực hiện các hoạt động xây dựng liên quan đến công trình được khởi công theo quy định của phập luật; (ii) Chủ đầu tư đã gửi thông báo về ngày khởi công xây dựng đến cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương trước thời điểm khởi công xây dựng ít nhất là 03 ngày làm việc.
Mọi yêu cầu tư vấn thêm về Luật xây dựng và các vấn đề giấy phép, thủ tục, hợp đồng, vui lòng liên hệ chúng tôi tại info@lawlinkvn.com , hotline +84 964159880
Comments