Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 02/2021 có đoạn “Trong bối cảnh khó khăn, nông nghiệp khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, tăng trưởng toàn ngành đạt 2.68%, cao hơn sơ với năm 2019 là 2,01%, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia”. Qua số liệu báo cáo, dường như mảnh ghép “kinh tế nông nghiệp” đang dần được nhận thức lại và được trả về đúng vị trí trong bức tranh tổng thể của nền kinh tế “Là một nước có thế mạnh về kinh tế nông nghiệp”.
Nông nghiệp đang trên đà phát triển, tuy vậy ngành này đã, đang và sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức để đạt đến sự phát triển an toàn và bền vững vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan như sự biến đổi của thiên nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, đặc thù địa hình và cả chủ quan như khả năng cạnh tranh của nhà nông Việt Nam trước các đối thủ là các nước láng giềng. Gần đây nhất, chủ đề nóng đang được tranh luận là xung quanh thông tin “Thương hiệu gạo ST25 – đạt giải thương gạo ngon nhất thế giới 2019 đã bị đăng ký bảo hộ tại Mỹ”, từ phân tích tình huống, bình luận hệ quả, đến định hướng chiến lược, các công việc cần làm để bảo vệ quyền, giành lại quyền sở hữu tài sản trí tuệ cho nông dân Việt Nam… đã được mổ xẻ rất nhiều.
Qua sự việc trên, có thể thấy một trong các chiêu thức cạnh tranh phổ biến có thể “knockout” đối thủ chính là tận dụng sức mạnh của tài sản trí tuệ (“TSTT”). Chính vì thế bảo vệ và sử dụng có chiến lược TSTT là một trong các yêu cầu mang tính cấp bách.
Không ít bác nông dân cả những doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp có thắc mắc đại loại như: “Tài sản trí tuệ là thứ gì? Tôi có hay không tài sản trí tuệ? Tôi phải làm gì với tài sản trí tuệ của mình?”. Hướng đến chia sẻ thông tin hữu ích đến về vấn đề này, người viết đưa các câu hỏi phổ biến về TSTT mà việc trả lời từng câu hỏi chính là cung cấp thông tin về bảo vệ và khai thác TSTT trong lĩnh vực nông nghiệp
Trong nông nghiệp phổ biến các loại tài sản trí tuệ nào?
Nhận biết đúng về TSTT là bước đầu rất quan trọng trong việc bảo vệ và sử dụng nhưng lại không hề dễ vì đặc tính vô hình và cũng vì tên gọi hàn lâm của nó. Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp ở ta lại còn khó hơn vì đặc tính sản xuất “trực canh”, quy mô nhỏ lẻ chiếm phần lớn. Nhìn chung hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp có thể phát sinh các loại TSTT như sau:
- Quyền đối với giống cây trồng là quyền của người đã lai tạo hoặc phát hiện và phát triển các giống cây mới.
- Tên thương mại là tên gọi của các chủ thể và được dùng trong kinh doanh nông nghiệp.
- Sáng chế là những giải pháp kĩ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình để giải quyết một vấn đề được đặt ra trong sản xuất và kinh doanh nông nghiệp.
- Nhãn hiệu là những hình vẽ, hình ảnh, chữ viết được sắp xếp một cách có mục đích, riêng biệt và đặc trưng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các chủ thể có sản xuất, kinh doanh nông nghiệp với nhau.
- Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm như là hình dáng bao bì, hình dáng bên ngoài của máy móc... mà nó được tạo ra để phục vụ cho phát triển nông nghiệp
- Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu cho biết sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc từ khu vực địa lý cụ thể.
- Bí mật kinh doanh: là những thông tin không là những hiểu biết thông thường, chưa được tiết lộ công khai, có khả năng sử dụng trong kinh doanh và khi đó sẽ tạo lợi thế cho người nắm giữ thông tin; bí mật kinh doanh có thể là quy trình sản xuất, quy trình quản lý, công thức chế biến, công thức bảo quản các hàng nông sản.
Sơ đồ minh họa dưới đây là một ví dụ mối quan hệ giữa TSTT đối với hoạt động chính của công ty có ngành nghề rộng gồm sản xuất, chế biến và kinh doanh hàng nông sản do chính công ty đó tạo ra:
Ở giai đoạn nào trong hoạt động nông nghiệp đều tạo ra TSTT và như thế thì việc phát triển nông nghiệp bền vững, an toàn không thể tách khỏi việc phát triển và bảo hộ TSTT.
Nên lựa chọn bảo hộ loại tài sản trí tuệ nào?
Một sản phẩm là kết quả của sự sáng tạo có thể được bảo hộ dưới dạng nhiều loại TSTT khác nhau. Ví dụ với chiếc máy gieo hạt, các đặc điểm kĩ thuật sáng tạo và ứng dụng các quy luật tự nhiên có thể được bảo hộ bởi bằng độc quyền sáng chế, kiểu dáng thẩm mỹ thể hiện ở bên ngoài của chiếc máy được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Thành quả của sáng tạo có thể công nhận dưới dạng nhiều loại TSTT khác nhau thì chủ sở hữu nên bảo hộ tất cả các loại để mở rộng quyền tối đa nhất.
Với trường hợp có nhiều lựa chọn bảo hộ thì nên ưu tiên bảo hộ dưới dạng tài sản nào trước? Theo quan điểm của người viết, loại tài sản nào tạo ra giá trị lớn nhất và giải quyết vấn đền quan trọng nhất thì nên ưu tiên bảo hộ. Giá trị có thể là lợi ích vật chất (tiền, quyền lợi tương đương tiền) hoặc phi vật chất (mang lại lợi thế cạnh tranh hay nhờ vào tài sản đó mà tạo ra các tài sản khác). Trong ví dụ về chiếc máy gieo hạt ở trên, rõ ràng sáng chế là “tài sản gốc” nó giúp giải quyết vấn đề là gieo hạt thủ công tốn nhiều thời gian, công sức của người nông dân nên cần được ưu tiên bảo hộ trước; còn hình dáng bên ngoài của chiếc máy quyết định tính thẩm mĩ, không quyết định chức năng của chiếc máy và cũng như không giúp giải quyết vấn đề đặt ra do vậy kiểu dáng công nghiệp là tài sản ít quan trong hơn sáng chế.
Cần làm gì để sử dụng tài sản trí tuệ hiệu quả?
Sử dụng tài khoản trí tuệ hiệu quả thể hiện ở việc vừa phải khai thác hiệu quả tài sản đó vừa thiết lập hành lang bảo vệ tuyệt đối quyền đối với các TSTT. Đây cũng chính làm mục tiêu kép cần phải được quan tâm hàng đầu.
Theo đó, có 02 chiến lược để đạt được mục tiêu kép như sau:
“Chiến lược phòng thủ”: hiểu đơn giản là kế hoạch để có quyền sở hữu hợp pháp tối đa đối với TSTT và từ đó tạo nền tảng pháp lý an toàn bảo vệ quyền khi bị xâm phạm. Hoạt động phổ biến của chiến lược này là thực hiện đăng ký bảo hộ TSTT sau khi sáng tạo ra hoặc trước khi thực hiện hoạt động kinh doanh tại một vùng lãnh thổ thì đăng ký bảo hộ TSTT tại lãnh thổ ấy hoặc sử dụng các hệ thống bảo hộ khu vực (cơ quan sáng chế Châu Âu, tổ chức sở hữu công nghiệp khu vực Châu Phi…) hoặc quốc tế (do tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới - WIPO quản lý thông qua các thỏa thuận đa phương như Hiệp ước về hợp tác sáng chế, Thỏa ước Lahay, Hiệp ước Madrid). Bên cạnh việc tập trung xác lập quyền sở hữu đối với TSTT bằng con đường hành chính, cũng rất cần thiết phải tạo lập cơ chế tự bảo vệ bằng các thỏa thuận dân sự trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh mà phổ biến hiện nay là bảo vệ thông qua các thỏa thuận dân sự (thỏa thuận bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và bảo mật thông tin trong quan hệ lao động; trong quan hệ giao dịch với các đối tác, khách hàng hay bên thứ ba bất kỳ thì cũng lồng ghép điều khoản về bảo mật thông tin, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong các thỏa thuận hoặc ký kết riêng thỏa thuận bảo mật thông tin).
“Chiến lược sử dụng tấn công và hợp tác”: bao gồm là kế hoạch sử dụng TSTT để tạo ưu thế cạnh tranh hơn và hợp tác thông thông qua các giao dịch với bên khác như chuyển nhượng (hiểu nôm na là bán TSTT), chuyển quyền sử dụng hoặc nhượng quyền (đều là cho phép sử dụng, khai thác TSTT) hoặc là hợp đồng góp vốn bằng TSTT. Biểu hiện phổ biến của chiến lược này là liên tục khai thác, đưa TSTT hiện diện trong sản phẩm/dịch vụ, các tài liệu quảng cáo, giới thiệu sản phẩm...
Ngoài 02 chiến lược cốt lõi nêu trên, cũng rất hữu ích nếu như có thể liên kết, tập hợp và hình thành tổ chức để hỗ trợ nhau trong việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong việc bảo hộ, sử dụng TSTT và tham vấn ý kiến của các chuyên gia, người có chuyên môn cho các dự định, kế hoạch liên quan đến TSTT.
Hiện nay Chính phủ đang dành sự quan tâm đặc biệt về phát triển tài sản sở hữu trí tuệ, cụ thể ngày 22/8/2019 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1068/QĐ-TTg về việc phê duyệt chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030. Ba mục tiêu hàng đầu của chiến lược này là: (i) Đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ; (ii) Việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, công bằng, đáp ứng kịp thời yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội; (iii) TSTT mới của cá nhân, tổ chức Việt Nam gia tăng cả về số lượng và chất lượng, cải thiện vượt bậc các chỉ số về sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII[1]). Đã đến lúc “Nhà nông” cần xắn tay áo và hành động ngay!
---------------------------------------------------------------
Cập nhật bởi Nguyễn Thị Kim Thanh, Luật sư Công ty Luật TNHH MTVLawlink Việt Nam
Theo dõi trang thông tin điện tử của chúng tôi tại www.lawlinkvn.com hoặc trang facebook https://www.facebook.com/lawlinkvietnam để cập nhật tin tức mới nhất hoặc liên hệ theo hotlines + 84 908107788 hoặc email: info@lawlinkvn.com để được tư vấn cụ thể
[1] Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index thường được viết tắt là GII) là một bộ công cụ đánh giá, xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo (ĐMST) của các quốc gia hoặc nền kinh tế, được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) phối hợp với Trường kinh doanh INSEAD, Pháp và Đại học Cornell, Hoa Kỳ) xây dựng lần đầu tiên vào năm 2007 và liên tục hoàn thiện nhằm có được một bộ công cụ đo lường hệ thống ĐMST ở cấp quốc gia hoặc nền kinh tế (http://sokhcn.binhduong.gov.vn/New/gioi-thieu-ve-chi-so-doi-moi-sang-tao-toan-cau-va-vai-tro-cua-khoa-hoc-va-cong-nghe-trong-viec-cai-thien-chi-so-doi-moi-sang-tao-o-cap-do-quoc-gia-va-dia-phuong-1046). Ngày 24/7/2019 tại New Delhi- Ấn Độ, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã công bố Báo cáo về xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2019. Việt Nam tiếp tục cải thiện vị trí, tăng 3 bậc lên vị trí 42 trên 129 quốc gia/nền kinh tế được xếp hạng so với năm 2018. Thứ hạng này đã cải thiện 17 bậc so với xếp hạng năm 2016 và đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và đứng thứ 3 trong ASEAN sau Singapore và Malaysia (http://www.noip.gov.vn/tin-tuc-su-kien/-/asset_publisher/7xsjBfqhCDAV/content/viet-nam-tiep-tuc-tang-hang-trong-xep-hang-chi-so-oi-moi-sang-tao-toan-cau)
Comments