Tờ trình Dự thảo Luật cư trú (sửa đổi) của Bộ Công an vào ngày 23/05/2020 đề cập việc thay thế phương thức quản lý cư trú thông qua sổ hộ khẩu (SHK), sổ tạm trú giấy bằng dữ liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Cụ thể là sử dụng mã số định danh cá nhân của công dân để truy cập, cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thực tế thì nội dung bãi bỏ SHK cũng đã được đề cập trong phương án ban hành kèm Nghị quyết số: 112/NQ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2017 về việc “Đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an”.
Tuy vậy, cho đến khi dự thảo này được trình bày, có khả năng được thực tế hóa thì mới thực sự thu hút quan tâm mạnh mẽ của dư luận, trong đó, đa số các ý kiến đều xem đây là một bước tiến trong lộ trình cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ chuỗi chật vật của người dân suốt nhiều năm qua liên quan đến “tấm thẻ vàng” là SHK, tạo hành lang pháp lý bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân.
Trong phạm vi bài viết này, người viết không nhắc lại những lợi ích mà nội dung dự thảo này mang lại, mà bàn về những băn khoăn trước thời hạn dự kiến theo đề xuất để bãi bỏ hẳn SHK (năm 2021).
1. Tác động tới quy định về giấy tờ công dân trong nhiều thủ tục hành chính
Có rất nhiều giao dịch dân sự đang sử dụng SHK như một trong những điều kiện tiên quyết để đăng ký/thực hiện giao dịch như đăng ký dịch vụ điện thoại, mua bán điện nước, đăng ký kết hôn, các hợp đồng dân sự…có yêu cầu cần chứng minh quan hệ hộ gia đình, quan hệ nhân thân, nơi “thường trú”– những nội dung được thể hiện rõ trong SHK; Khi bỏ SHK, các bên tham gia giao dịch và các việc cần thủ tục hành chính thông thường có thể gặp khó khăn trong vấn đề cung cấp và xác định thông tin cần thiết, nhất là khi công dân không có quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu về cư trú. Liệu điều kiện về cơ sở hạ tầng thông tin (tích hợp cơ sở dữ liệu dân số quốc gia “về một mối”), đảm bảo tính chính xác và kết nối thông suốt trong quản lý, khai thác, sử dụng thông tin và các biện pháp, giải pháp, công cụ để định danh công dân, xác minh thông tin có thể hoàn thành trong khoảng thời gian…để có thể xoá bỏ hoàn toàn SHK, hay sẽ lại xuất hiện thêm những thủ tục hành chính, giấy tờ cũng như chi phí khác để được cơ quan chức năng cung cấp thông tin?
2. Tính đồng bộ và nhất quán của luật
Thông tin SHK liên quan đến rất nhiều các văn bản pháp luật hiện hành ở nhiều lĩnh vực khác nhau như Luật Hộ tịch, Luật Nhà ở, Luật đất đai, Luật Căn cước công dân,… nếu bỏ SHK, thì cần phải sửa đổi các Luật nói trên để đảm bảo được tính nhất quán của hệ thống pháp luật hiện hành.
3. Tăng dân số cơ học tại các thành phố trực thuộc trung ương
Việc xoá bỏ SHK mang lại thuận lợi cho việc tự do cư trú, đồng thời cũng sẽ phát sinh “quá tải” về cơ sở hạ tầng, quản trị an ninh trật tự và hàng loạt vấn đề kinh tế, xã hội khác khi dòng người từ khu vực nông thôn có thể ồ ạt di chuyển về định cư tại thành phố trực thuộc trung ương để được hưởng những điều kiện tốt hơn về giáo dục, y tế và các dịch vụ công khác, dẫn đến mất cân bằng hệ sinh thái diện rộng (việc làm, phát triển kinh tế xã hội…).
4. Lộ trình dự kiến áp dụng vào năm 2021 là quá gấp gáp?
Bỏ SHK, thay thế bằng mã số định danh để truy cập dữ liệu dân cư là một xu hướng tất yếu của thời đại công nghệ thông tin và “xã hội số”. Thế nhưng, theo thông tin được biết, sau 4 năm áp dụng thì hiện tại chúng ta mới chỉ cấp được số định danh cá nhân cho khoảng hơn 18 triệu công dân, còn gần 80 triệu công dân chưa được cấp. Một trong những điều kiện tiên quyết để phương thức quản lý cư trú mới được vận hành thông suốt là tcơ sở tất cả công dân Việt Nam đã được cấp số định danh cá nhân, vậy thời hạn dự kiến đến cuối năm 2020 có khả thi để hoàn thành công tác này? Và nếu chưa hoàn thành cấp mã số định danh thì những bước tiếp theo để thực hiện thay thế SHK có cần phải cân nhắc lại lộ trình?
5. Bảo mật thông tin cá nhân – vấn đề muôn thuở khi quản trị dữ liệu trên mạng
Khi tích hợp nhiều thông tin cá nhân vào mã định danh và quản lý bằng hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử có thể dẫn đến mối lo ngại rò rỉ thông tin cá nhân do xâm nhập bất hợp pháp, phá hủy hệ thống của các hacker,…Trong điều kiện kết cấu hạ tầng thông tin còn chưa được đầu tư đúng mức, cơ chế quản trị thông tin bao gồm phân quyền từng cấp khác nhau cũng như quy trách nhiệm rõ ràng cho cơ quan quản lý dữ liệu khi xảy ra sự cố lọt thông tin chưa rõ ràng thì người dân còn có những câu hỏi về việc bảo vệ thông tin của chính mình thông qua mã định danh.
Có thể thấy, xóa bỏ SHK là một bước tiến và xu hướng tất yếu, giúp đơn giản, thu gọn rất nhiều thủ tục hành chính phiền hà, giúp tiết kiệm chi phí và gỡ bỏ nhiều rào cản cho người dân khi tham gia các giao dịch dân sự cũng như tạo điều kiện cho mọi công dân tiếp xúc, thụ hưởng các tiện ích, dịch vụ công như nhau. Dễ hiểu vì sao dự thảo liên quan vấn đề này được đại đa số người dân ủng hộ thông qua. Các cơ quan có thẩm quyền chắc hẳn đã và đang xây dựng lộ trình thực hiện và giải pháp cho những tác động phía sau việc bỏ SHK. Chúng ta hy vọng rằng, một lộ trình khả thi kèm theo các giải pháp đồng bộ và chi tiết sẽ sớm được các nhà làm chính sách thông qua, tạo nên cơ sở vững chắc và thông suốt cho bước chuyển đổi quan trọng này.
Bài viết của CTV: Lê Châu Loan (Bi Châu)
Comments