top of page
Tìm kiếm

SỰ KIỆN BẤT KHẢ KHÁNG VÀ MIỄN TRỪ TRÁCH NHIỆM TRONG HỢP ĐỒNG?

Đã cập nhật: 6 thg 4, 2020

Dịch bệnh Covid’19 đang đặt ra những thách thức rất lớn cho doanh nghiệp trong giải quyết các ảnh hưởng từ dịch bệnh đến việc thực hiện các nghĩa vụ và trách nhiệm từ các giao dịch, hợp đồng đã ký kết.


Trong chuyên đề trước (quý vị có thể truy cập nội dung đầy đủ từ www.lawlinkvn.com), chúng tôi đã nêu các ý kiến chuyên môn về sự kiện bất khả kháng (“BKK”) và một số lưu ý pháp lý.  Ở bài viết này, chúng tôi tóm tắt  những điều nên làm trong tình thế sự kiện BKK xảy ra ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các hợp đồng, giao dịch mà doanh nghiệp đã ký kết với đối tác.

Theo kinh nghiệm của chúng tôi, trước hết bên bị ảnh hưởng do sự kiện BKK phải có nghĩa vụ chứng minh được rằng: (i) mình đã nỗ lực tìm các biện pháp khắc phục trong khả năng cho phép  nhưng đã vẫn không thể thực hiện hay bị chậm trễ thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, và (ii) sự kiện BKK đó là nguyên nhân trực tiếp làm cho bên bị ảnh hưởng không thực hiện đúng nghĩa vụ/chậm thực hiện nghĩa vụ.

Do vậy, khi xảy ra sự kiện BKK, bên bị ảnh hưởng KHÔNG NÊN nhầm lẫn rằng mình sẽ được miễn trừ khỏi mọi nghĩa vụ trong giao dịch, hợp đồng đã ký kết, cũng như không thể đương nhiên dựa vào sự kiện BKK để chối bỏ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình theo Hợp đồng.  

Khi sự kiện BKK xảy ra, bên bị ảnh hưởng NÊN:

  1. Thứ nhất, rà soát quy định của Hợp đồng và điều khoản quy định về điều kiện BKK;  đánh giá tác động của sự kiện BKK đến các khả năng thực hiện hợp đồng, xem xét liệu có thể áp dụng các điều khoản về sự kiện BKK (theo hợp đồng và/hoặc theo luật áp dụng điều chỉnh hợp đồng đó hay không); và nếu có thể áp dụng điều khoản về sự kiện BKK thì biện pháp nào là khả dĩ nhất. Ngoài ra, cũng cần xem xét quyền của đối tác trong trường hợp này là gì;

  2. Thứ hai, thông báo cho bên kia về sự kiện BKK, ảnh hưởng của sự kiện này đối với khả năng thực hiện hợp đồng, cũng như kế hoạch và hành động mà bên bị ảnh hưởng cho là phù hợp để ứng phó với sự kiện BKK nhằm nỗ lực thực hiện hợp đồng và/hoặc giảm thiểu thiệt hại; cùng lúc với các hành động trên phải triển khai ngay lập tức các biện pháp hiệu quả để giảm thiểu thiệt hại trong khả năng có thể;

  3. Cuối cùng, sau khi đã tiến hành đánh giá, thông báo, khắc phục, thì thương lượng cùng đối tác để thống nhất phương án giải quyết phù hợp với bối cảnh, tình huống trên tinh thần hợp tác, cùng có lợi, cùng chia sẻ rủi ro và “hai bên cùng thắng” .

Mong rằng quý vị có thể tìm thấy từ chuyên mục này của chúng tôi những thông tin và ý kiến hữu ích cho doanh nghiệp trong quá trình xử lý và giải quyết các khó khăn, thử thách do dịch bệnh Covid gây ra.

Mời quý vị theo dõi các chuyên đề tiếp theo của chúng tôi tại www.lawlinkvn.com ; fanpage https://www.facebook.com/Lawlink-Vietnam-1825378611105014/




200 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page