top of page
thanhnguyen056

COVID 19 CÓ PHẢI LÀ TÌNH HUỐNG BẤT KHẢ KHÁNG?

Đã cập nhật: 31 thg 3, 2020

1. Sự kiện bất khả kháng là gì?

Khái niệm về sự kiện bất khả kháng (“BKK”), theo pháp luật Việt Nam, được quy định tại Bộ luật dân sự 2015 (BLDS 2015), Điều 156.1: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.

Căn cứ vào Điều 156.1 BLDS 2015 thì một sự kiện được xem là bất khả kháng khi hội đủ 3 điều kiện:


(i) Xảy ra một cách khách quan. Khách quan có thể được hiểu là xảy ra không theo ý chí của bất kỳ bên nào, không do sự tác động chủ quan của bên nào.

(ii) Không thể lường trước được. Một cách thông thường “tính không thể lường trước được” được hiểu là sự kiện xảy đến nằm ngoài dự đoán của các bên. Thời điểm hợp lý để xác định các bên có nghĩa vụ lường trước có thể là khi giao kết hợp đồng hoặc khi thực hiện hợp đồng đối với các hợp đồng dài hạn.

(iii) Không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Việc vận dụng quy định này trong thực tế còn nhiều tranh cãi ở 1 tình huống cụ thể ở chỗ “biện pháp cần thiết là như thế nào” và “giới hạn khả năng là gì”.

Các sự kiện bất khả kháng được vận dụng phổ biến có thể kể đến như: thiên tại, dịch bệnh, chiến tranh, sự thay đổi chính sách pháp luật…

2. Covid-19 có là sự kiện bất khả kháng?



Tại Việt Nam, ngày 01/02/2020 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Quyết định số 173/QĐ-TTg công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra tại Việt Nam. Theo đó, Covid 19 được xác định là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu và lây truyền từ người sang người.

Như vậy, Covid-19 là dịch bệnh và hội đủ 2 yếu tố: (i) Xảy ra một cách khách quan, và (ii) không thể lường trước được. (Mặc dù yếu tố không thể lường trước được còn có những tranh cãi, cho rằng sau khi dịch bệnh xảy ra tại Trung Quốc, thì yếu tố "không thể lường trước được" đã không còn).

Đối với điều kiện còn lại (iii) Không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép, thì lại phụ thuộc vào việc bên bị ảnh hưởng có chứng minh được rằng, mình đã nỗ lực tìm các biện pháp khắc phục trong khả năng cho phép nhưng đã không thể thực hiện hay chậm trễ thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, giao dịch. Và như vậy, điều kiện thứ ba này phải được xem xét trong tình huống cụ thể.

3. Hệ quả pháp lý của sự kiện bất khả kháng

Hệ quả pháp lý khi xảy ra sự kiện bất khả kháng được quy định tại Điều 351.2 BLDS 2015: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

Bên cạnh đó khoản 2 Điều 584 BLDS 2015 quy định: “Bên gây thiệt hại không phải bồi thường trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng”.

Luật Thương mại 2005 tại các điều luật số 294, 300, 303, 308, 310, 312 quy định về miễn trách nhiệm khi xảy ra sự kiện BKK rộng hơn, bao gồm hầu hết các biện pháp khắc phục như: bồi thường, phạt vi phạm, hủy bỏ, tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đơn phương chấm dứt thực hiện hiện hợp đồng, hủy bỏ hợp đồng.

Tuy vậy các biện pháp khắc phục khác như trả lãi chậm trả, bù trừ nghĩa vụ, buộc tiếp tục thực hiện hợp đồng và những vấn đề khác như nghĩa vụ bồi thường liên đới cho bên thứ ba có liên quan thì chưa có quy định.

Vậy bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng do bị ảnh hưởng bởi sự kiện BKK là Covid-19 có được miễn trách nhiệm trong các biện pháp khắc phục không?

Như đã nêu tại mục 2, bên bị ảnh hưởng do sự kiện bất khả kháng phải có nghĩa vụ chứng minh được rằng: (i) mình đã nỗ lực tìm các biện pháp khắc phục trong khả năng cho phép nhưng đã không thể thực hiện hay bị chậm trễ thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, giao dịch; và (ii) Sự kiện BKK đó là nguyên nhân trực tiếp làm cho bên bị ảnh hưởng không thực hiện đúng nghĩa vụ/chậm thực hiện nghĩa vụ.


Ngoài ra, đối với các hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế, thì cần lưu ý rằng, Việt Nam là một thành viên của Công ước Viên về Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế (“CISG”). Tại Điều 79.1 của CISG có quy định rằng “Một bên không chịu trách nhiệm về việc không thực hiện bất kỳ nghĩa vụ nào của mình nếu anh ta chứng minh rằng việc không thực hiện nghĩa vụ đó là do sự cản trở ngoài tầm kiểm soát của anh ta và rằng anh ta không thể được trông đợi một cách hợp lý là đã lường trước ​​các trở ngại này tại thời điểm ký kết hợp đồng hoặc đã tránh hoặc khắc phục nó hoặc hậu quả của nó.”

Do đó, bên bị ảnh hưởng không thể đương nhiên dựa vào sự kiện BKK để chối bỏ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình theo Hợp đồng, mà khi sự kiện BKK xảy ra thì cần phải:

(i) Một là, rà soát quy định của Hợp đồng và điều kiện BKK và xem xét sự kiện BKK đã và đang xảy ra tác động như thế nào về khả năng thực hiện hợp đồng, liệu có thể áp dụng các điều khoản về sự kiện BKK (theo hợp đồng và/hoặc theo luật hay không) và nếu có thể áp dụng điều khoản về sự kiện BKK thì biện pháp nào là khả dĩ nhất và cũng cần xem xét quyền của đối tác trong trường hợp này là gì;


(ii) Hai là, thông báo cho bên kia về sự kiện BKK, ảnh hưởng của sự kiện này đối với khả năng thực hiện hợp đồng, cũng như kế hoạch và hành động của bên bị ảnh hưởng trong nỗ lực ứng phó với sự kiện BKK nhằm nỗ lực thực hiện hợp đồng;


Và cùng lúc với các hành động trên phải triển khai ngay lập tức các biện pháp hiệu quả để giảm thiểu thiệt hại;


(iii) Ba là, sau khi đã tiến hành đánh giá, thông báo, khắc phục, thì thương lượng cùng đối tác để thống nhất phương án giải quyết phù hợp với bối cảnh, tình huống trên tinh thần hợp tác, cùng có lợi, cùng chia sẻ rủi ro và “hai bên cùng thắng” .


Hy vọng rằng, những ý kiến vắn tắt trên đây hữu ích cho doanh nghiệp trong quá trình tìm kiếm giải pháp cho các quan hệ giao dịch, hợp đồng bị ảnh hưởng.


Mọi yêu cầu tư vấn và hỗ trợ, vui lòng gửi đến Lawlink Việt Nam qua website lawlinkvn.com hoặc địa chỉ thư điện tử info@lawlinkvn.com.


Đội ngũ Lawlink Việt Nam.

74 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page