Theo thông báo mới nhất của Hải quan Trung Quốc, thì từ ngày 01/10/2019 thì “Nhà nhập khẩu chịu trách nhiệm đảm bảo nhãn mác bằng tiếng Trung Quốc trên bao bì đóng sẵn của thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc phải phù hợp với quy định pháp luật liên quan của Trung Quốc... Nếu thẩm tra không đáp ứng tiêu chuẩn, không được nhập khẩu”.
Mặc dù quy định này được đặt ra với nhà nhập khẩu, tức những doanh nghiệp nội địa Trung Quốc trong việc ghi nhãn hàng hóa. Tuy nhiên trong mối quan hệ kinh doanh xuất nhập khẩu thì những yêu cầu về nhãn mác đặt ra với doanh nghiệp nhập khẩu cũng được hiểu là áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu vì hầu hết mọi trường hợp khi đặt hàng, nhà nhập khẩu sẽ đặt ra yêu cầu nhãn mác cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Phía Trung Quốc cũng đã khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần đặc biệt lưu ý phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, đối tác phía Trung Quốc nhằm thực hiện đúng quy định có hiệu lực từ 01/10/2019 để ngăn ngừa trước những thiệt hại phát sinh do hàng hóa không được nhập khẩu và thông quan.
Vậy đối với các đơn hàng mà hàng hóa đã được đóng gói sẵn sàng theo đơn đặt hàng trước 01/10/2019 và thời gian giao hàng dự kiến sau 01/10/2019, làm phát sinh trách nhiệm và chi phí trong việc thay thế nhãn mác bao bì mới đáp ứng điều kiện nhập khẩu sau 01/10/2019 thì giải quyết thế nào? Chi phí cho việc thực hiện công việc này có được các bên dự liệu trước trong các hợp đồng/thỏa thuận đã ký kết? Nếu không thì hướng giải quyết trong trường hợp này như thế nào?
Dĩ nhiên, “lý tưởng” nhất là một hợp đồng đã dự liệu được những hoàn cảnh mới có thể phát sinh trong tương lai và nguyên tắc giải quyết chúng. Nhưng thực tế, có rất nhiều hợp đồng chỉ được các bên sử dụng theo biểu mẫu rất đơn giản, không quy định bất cứ nguyên tắc nào cho những phát sinh có thể xảy ra.
Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy trong trường hợp này (thay đổi quy định về điều kiện về hàng hoá nhập khẩu) sẽ có thể áp dụng điều khoản về “Hardship” để xử lý. “Harship” được hiểu là thực hiện hợp đồng trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Quay lại trường hợp trên (yêu cầu mới về ghi nhãn mác), thì hoàn cảnh thay đổi cơ bản ở đây là quy định về ghi nhãn mác trên hàng nhập khẩu. Luật pháp quốc tế cũng như một số nước/vùng lãnh thổ cũng đã có quy định xử lý trường hợp hoàn cảnh thực hiện hợp đồng thay đổi cơ bản đã làm tăng thêm trách nhiệm của bên tạo ra sự không cân bằng trong hợp đồng về quyền và nghĩa vụ nhưng không làm chấm dứt hợp đồng hoặc không làm cho việc thực hiện hợp đồng là không thể tiếp tục (như trường hợp của bất khả kháng), khi đó sẽ cho phép phân bổ rủi ro hợp đồng bằng cách: (i) Thay đổi một số điều khoản đã thỏa thuận trong hợp đồng thông qua việc đàm phán lại một (một số) điều khoản hợp đồng; hoặc (ii) Trường hợp đàm phán lại thất bại thì có thể yêu cầu Toà án sửa đổi hợp đồng; hoặc (iii) Thậm chí cho phép chấm dứt hợp đồng và yêu cầu về một khoản bồi thường thiệt hại đối với bên không hợp tác đàm phán lại.
Bộ luật dân sự 2015 của Việt Nam cũng đã quy định tại Điều 420 về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
“2. Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý.
3. Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án:
a) Chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định;
b) Sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi
4. Trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Để được hỗ trợ về tư vấn và soạn thảo hợp đồng, cũng như giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa xuất nhập khẩu, xin vui lòng liên lạc với Lawlink Việt Nam.
Comments