top of page
Mai Do

DOANH NGHIỆP XÃ HỘI – CÁC VẤN ĐỀ PHÁP LÝ CƠ BẢN CẦN BIẾT

Đã cập nhật: 24 thg 8, 2022

LTS. Trong những năm qua, LLVN đã thực hiện nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ pháp lý nhiều tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực hoạt động phi lợi nhuận, các doanh nghiệp xã hội (DNXH). Do tiếp tục nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến thủ tục thành lập và hoạt động của DNXH, trong chuyên đề này, chúng tôi nêu vắn tắt lại các vấn đề pháp lý cơ bản mà tổ chức, cá nhân đang có ý định thành lập DNXH hoặc đang hoạt động trong lĩnh vực DNXH cần biết.



1. Hiểu thế nào về DNXH:

Theo Điều 10 Luật Doanh nghiệp 2014, DNXH là doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện sau:

- Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014;

- Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng;

- Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.


Như vậy, khác với một doanh nghiệp thông thường kinh doanh nhằm mục tiêu sinh lời và tuỳ ý sử dụng lợi nhuận miễn là tuân thủ các quy định của pháp luật, DNXH có MỤC TIÊU HOẠT ĐỘNG vì lợi ích cộng đồng và KẾ HOẠCH SỬ DỤNG LỢI NHUẬN phải nhằm phục vụ cho mục tiêu đó.


2. Đăng ký DNXH như thế nào?

- Thủ tục đăng ký DNXH khá đơn giản, và tương ứng với từng loại hình công ty theo quy định tại Luật Doanh nghiệp (Công ty TNHH 1 thành viên hoặc Công ty TNHH 2 thành viên trở lên; Công ty cổ phần, Công ty hợp danh, Doanh nghiệp tư nhân). Tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký DNXH có thể thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử về thủ tục hành chính trong thành lập doanh nghiệp của Sở kế hoạch đầu tư tỉnh, thành phố nơi DNXH dự kiến đặt trụ sở chính.

- Lưu ý rằng, ngoài thành phần hồ sơ đơn giản theo loại hình doanh nghiệp lựa chọn, DNXH phải có cam kết thực hiện mục tiêu xã hội môi trường vì lợi ích cộng đồng.


3. Nội dung của Cam kết bao gồm những gì?

Bản cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường cần đảm bảo đầy đủ những vấn đề chính sau:

- Nêu rõ các vấn đề xã hội, môi trường mà DNXH hướng đến (có sứ mệnh) giải quyết; phương thức mà doanh nghiệp dự định thực hiện nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường đó;

- Chương trình hoạt động và thời hạn thực hiện các hoạt động nhằm mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường;

- Mức tỷ lệ phần trăm (%) lợi nhuận giữ lại hằng năm được tái đầu tư để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường;

- Nguyên tắc và phương thức sử dụng các khoản viện trợ, tài trợ từ tổ chức và cá nhân; nguyên tắc và phương thức xử lý các khoản viện trợ, tài trợ còn dư khi doanh nghiệp giải thể hoặc chuyển đổi thành doanh nghiệp thông thường (nếu có);

- Họ, tên, chữ ký của chủ doanh nghiệp tư nhân đối với doanh nghiệp tư nhân; thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; thành viên, cổ đông là cá nhân, người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của thành viên, cổ đông là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần;

- Đối với doanh nghiệp xã hội là công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần: Quyết định của Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông về thay đổi nội dung Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường (với trường hợp thay đổi).


4. Khi nào phải công khai cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường?

- Khi thành lập doanh nghiệp hoặc trong quá trình hoạt động mà có sự thay đổi cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường.


5. DNXH nhận viện trợ, tài trợnhư thế nào?


5.1 DNXH được tiếp nhận các khoản viện trợ, tài trợ sau:

- Viện trợ phi chính phủ nước ngoài;

- Tài trợ bằng tài sản, tài chính hoặc hỗ trợ kỹ thuật từ các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài đã đăng ký hoạt động tại Việt Nam.


5.2 Mục đích tiếp nhận viện trợ, tài trợ:

- Bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường mà doanh nghiệp đã đăng ký;

- Ngoài ra, không được sử dụng viện trợ, tài trợ vì mục đích khác.


5.3 Thủ tục tiếp nhận:

- Bên viện trợ, tài trợ và bên nhận viện trợ, tài trợ cần ký kết văn bản tiếp nhậnviện trợ, tài trợ với các nội dung chính: Thông tin về cá nhân, tổ chức tài trợ, loại tài sản, giá trị tài sản hoặc tiền tài trợ, thời điểm thực hiện tài trợ, yêu cầu đối với doanh nghiệp tiếp nhận tài trợ, họ, tên và chữ ký của người đại diện có thẩm quyền của các bên;

- Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày ký kết văn bản tiếp nhận, DNXH phải thông báo cho Sở Kế hoạch – Đầu tư hoặc cơ quan quản lý viện trợ, tài trợ thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.


6. Nghĩa vụ báo cáo tình hình hoạt động:

- Trường hợp nhận ưu đãi, viện trợ, tài trợ, định kỳ hằng năm DNXH phải gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc cơ quan quản lý viện trợ, tài trợ thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp xã hội có trụ sở chính BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG XÃ HỘI đối với các hoạt động doanh nghiệp đã thực hiện chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.


Báo cáo đánh giá tác động xã hội có các nội dung sau:

- Tên, mã số doanh nghiệp;

- Các khoản ưu đãi, viện trợ hoặc tài trợ đã nhận được;

- Các hoạt động doanh nghiệp đã thực hiện trong năm; các vấn đề xã hội, môi trường mà doanh nghiệp đã giải quyết;

- Các lợi ích và tác động xã hội mà doanh nghiệp đã đạt được và các nhóm đối tượng được hưởng lợi tương ứng; nêu rõ các số liệu chứng minh về tác động và lợi ích đã đạt được (nếu có).



Mong rằng phần tóm lược trên có thể giúp cho quý vị hình dung được các việc cần phải làm khi đăng ký thành lập và hoạt động của DNXH. Trong chuyên đề sắp tới, chúng tôi sẽ cập nhật các vấn đề liên quan đến đăng ký thành lập trường tư thục không vì lợi nhuận theo Luật giáo dục năm 2019, và những vấn đề chưa rõ ràng giữa quy định mới này của Luật giáo dục 2019 trong mối liên hệ với các điều kiện thành lập và hoạt động của DNXH. Quý vị có thể đăng nhập thành viên để cập nhật các chuyên đề tiếp theo mà quý vị quan tâm tại www.lawlinkvn.com

53 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page