top of page
Tìm kiếm

HUY ĐỘNG VỐN QUA PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU CÓ GÌ MỚI? (Phần 2)

Phần 2. Phát hành trái phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng


Công ty Đại chúng.


Theo Luật Chứng khoán 2019, có hiệu lực vào ngày 01/01/2021, công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc một trong các trường hợp sau: a) Công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ; hoặc b) Công ty đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Việc xác lập tư cách đại chúng đã mở ra nhiều cơ hội cho công ty đại chúng huy động vốn, bao gồm cả việc tận dụng công cụ trái phiếu hoặc cổ phiếu. Đối với trái phiếu, công ty đại chúng được phép phát hành riêng lẻ hoặc phát hành ra công chúng với những điều kiện và quy định phù hợp với tính chất của từng loại.


Ở phần 1, chúng tôi đã giới thiệu các quy định mới liên quan đến phát hành trái phiếu riêng lẻ của công ty không phải là công ty đại chúng. Trong phần 2 này, chúng tôi lưu ý đến doanh nghiệp các quy định liên quan đến phát hành trái phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng cũng như cập nhật những thay đổi quan trọng của pháp luật.


Các loại trái phiếu.

Về các loại trái phiếu, theo Luật Chứng khoán 2019 đã ghi nhận cụ thể các loại mà công ty đại chúng có thể phát hành gồm: trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ, trái phiếu riêng lẻ thông thường (trái phiếu không chuyển đổi, trái phiếu không kèm theo chứng quyền,...).


Điều kiện phát hành.


Trường hợp phát hành trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ, công ty đại chúng phải đáp ứng các điều kiện sau:


(i) Phương án phát hành phải trình bày rõ ràng, bao gồm việc sử dụng số tiền thu được, tiêu chí, số lượng nhà đầu tư và mục tiêu của đợt phát hành. Luật đặt ra trách nhiệm cho Đại hội đồng cổ đông trong việc thông qua phương án này;

(ii) Về đối tượng được mua trái phiếu từ đợt phát hành, bao gồm nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Theo đó, nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp sẽ không được phép mua trái phiếu riêng lẻ trong trường hợp này;

(iii) Về hạn chế chuyển nhượng, 02 loại trái phiếu này bị hạn chế tối thiểu là 03 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và tối thiểu là 01 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Tuy nhiên, một số trường hợp không phải chịu giới hạn này như: chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, theo bản án, quyết định của Tòa án, quyết định của Trọng tài hoặc theo thừa kế;

(iv) Về khoảng cách giữa các đợt phát hành, phải cách nhau ít nhất 06 tháng;

(v) Khi thực hiện chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện chứng quyền phải đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.


Trường hợp phát hành trái phiếu riêng lẻ thông thường mà không kèm theo quyền chuyển đổi hoặc chứng quyền, Luật Chứng khoán đặt ra các điều kiện sau:


(i) Phương án phát hành vẫn phải đảm bảo các nội dung về việc sử dụng số tiền thu được, tiêu chí, số lượng nhà đầu tư và mục tiêu của đợt phát hành. Tuy nhiên, về thẩm quyền và trách nhiệm phê duyệt phương án, Luật đã mở rộng hơn, ngoài ĐHĐCĐ, một số phương án phát hành cũng có thể do HĐQT quyết định;

(ii) Khác với hai loại trái phiếu ở trên, trường hợp này chỉ có nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được tham gia đợt phát hành. Đây là một điểm mới so với Luật chứng khoán 2006, nhằm bảo vệ nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ khi chưa đủ chuyên môn để đánh giá tổ chức phát hành;

(iii) Việc chuyển nhượng trái phiếu chào bán riêng lẻ chỉ được thực hiện giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cho đến khi đáo hạn trái phiếu, trừ trường hợp theo bản án, quyết định của Tòa án quyết định của Trọng tài hoặc theo thừa kế;

(iv) Tổ chức phát hành phải thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã chào bán hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt chào bán trái phiếu (nếu có), trừ trường hợp chào bán trái phiếu cho các chủ nợ là tổ chức tài chính được lựa chọn;

(v) Phải đảm bảo báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận;

(vi) Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật (nếu có).


Ngoài việc tuân theo các điều kiện theo Luật Chứng khoán mới, công ty đại chúng phát hành trái phiếu riêng lẻ còn phải đáp ứng các quy định khác tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 81/2020/NĐ-CP. Một số điều kiện quan trọng cần lưu ý như: tổ chức phát hành phải ký Hợp đồng tư vấn với tổ chức tư vấn về hồ sơ phát hành trái phiếu; đã chính thức hoạt động tối thiểu từ 01 năm; dư nợ trái phiếu phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành (bao gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) không vượt quá 05 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất tại thời điểm phát hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đợt phát hành chỉ được kéo dài trong 90 ngày; thực hiện các trách nhiệm công bố thông tin, báo cáo hoạt động khác,...


Như vậy, Luật Chứng khoán 2019 đã quy định rõ ràng và đặt ra trách nhiệm cao hơn của công ty đại chúng khi huy động vốn qua phát hành trái phiếu riêng lẻ. Cùng với Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Chứng khoán mới đã phân định rõ phạm vi điều chỉnh đối với hoạt động phát hành trái phiếu của mỗi loại hình tổ chức phát hành tương ứng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong thực hiện nghĩa vụ tuân thủ của mình. Công ty đại chúng mong muốn huy động vốn qua phát hành trái phiếu riêng lẻ nên tìm kiếm những tư vấn chuyên sâu để được tư vấn và hỗ trợ về điều kiện, trình tự, thủ tục cho các kế hoạch của mình ngay khi Luật mới chuẩn bị đi vào thực thi.


Bài viết của: Thuỳ Dương, Trợ lý luật sư, LLVN.

Theo dõi nhiều bài viết hơn của chúng tôi tại:

Webiste:www.lawlinkvn.com;

Fanpage: www.facebook.com/Lawlink-vietnam,


22 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page