Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các đương sự thực hiện quyền “Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự” trong quá trình giải quyết tranh chấp dân sự và đây chính là một trong những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự được quy định tại Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 (“BLTTDS). Theo đó, Điều 10 BLTTDS cũng quy định tương ứng về trách nhiệm của tòa án: “Tòa án có trách nhiệm hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này”.
Trong bài viết này, LLVN cung cấp các thông tin liên quan đến thủ tục hòa giải tại tòa án và vấn đề hiệu lực của Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự tại tòa án như sau:
1. Khi nào đương sự được quyền hòa giải và thủ tục, điều kiện nào để có được sự công nhận thỏa thuận hòa giải thành của các đương sự?
Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, bất cứ khi nào có nhu cầu, các đương sự đều có quyền yêu cầu Tòa án hòa giải và công nhận kết quả hòa giải thành.
Phụ thuộc vào giai đoạn tố tụng mà hình thức của công nhận kết quả hòa giải thành có thể là:
(i) Giai đoạn chuẩn bị xét xử, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm: Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án (ở giai đoạn chuẩn bị xét xử) hoặc HĐXX sơ thẩm (ở phiên tòa xét xử sơ thẩm) sẽ ban hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Hai giai đoạn này sau đây được gọi chung là “Giai đoạn sơ thẩm”.
(ii) Giai đoạn xét xử phúc thẩm: HĐXX phúc thẩm sẽ ra bản án phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm và công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự.
Căn cứ Điều 212, 246, 300 BLTTDS, điều kiện để tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự gồm:
(i) Có biên bản hòa giải thành với nội dung là các đương sự đã thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án. “Giải quyết toàn bộ vụ” án được hiểu là giải quyết tất cả các nội dung của yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập (nếu có) và phân định trách nhiệm chịu án phí phát sinh giữa các đương sự.
(ii) Nội dung thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.
Khi thỏa mãn các điều kiện trên, ở Giai đoạn sơ thẩm, tòa án căn cứ vào Điều 212 BLTTDS sẽ ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự theo trình tự như sau:
(i) Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
(ii) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, Tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp
2. Hiệu lực của Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự
Theo quy định tại khoản 1 Điều 213 BLTTDS quy định: “Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm”. Như vậy, ngay sau khi nhận được Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự và nếu một bên không tự nguyện thực hiện nội dung của Quyết định công nhận sự thỏa thuận thì đương sự có quyền còn lại được quyền làm thủ tục yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành Quyết định trên.
Cũng theo quy định tại khoản 2 Điều 213 BLTTDS quy định: “Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự chỉ có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội”.
Bài: LLVN
Hình: internet
---------------------
Lawlink Việt Nam (LLVN) cung cấp các dịch vụ tư vấn, đại diện trong hoà giải tranh chấp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tranh tụng và giải quyết tranh chấp các vụ án kinh doanh thương mại theo thủ tục tố tụng tại toà án và thủ tục tố tụng trọng tài.
--------------------
𝐂𝐨𝐧𝐭𝐚𝐜𝐭 𝐮𝐬
Website: www.lawlink.com
Instagram: lawlink.vietnam
Facebook: Lawlink Vietnam
Phone: +84 908107788
Address: Aqua 1, Vinhomes Golden River, 02 Tôn Đức Thắng, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Comentarios