Từ khi Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành vào ngày 29/11/2005, tại Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài quốc doanh) đã sử dụng hợp đồng điện tử (trong bài viết này dùng từ viết tắt là “HĐĐT”) thay thế cho hợp đồng thông thường (trong bài viết này tạm gọi là “hợp đồng truyền thống”), tuy vậy các thuật ngữ chuyên môn này vẫn có phần khó hiểu đối với đại đa số những người không quen thuộc với kiến thức về luật, kinh tế và công nghệ.
Hợp đồng điện tử là gì và khác gì với hợp đồng không phải là hợp đồng điện tử? Nguyên tắc, quy trình giao kết hợp đồng điện tử như thế nào? Hợp đồng điện tử có giá trị pháp lý hay không?
Bài viết này chia sẻ những quy định của pháp luật liên quan đến những vấn đề trên.
1. Hợp đồng điện tử là gì?
Điều 33 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 (trong bài viết này gọi tắt là "Luật GDĐT") quy định: “Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu theo quy định của Luật này”.
Có thể hiểu, HĐĐT là hợp đồng mà các bên tham gia khởi tạo nội dung hợp đồng, gửi đi, xác nhận nội dung, ký kết và lưu trữ hợp đồng qua mạng internet mà không cần phải gặp mặt và trao tay bản hợp đồng có chữ ký trên “giấy trắng mực đen” với con dấu đỏ của mỗi bên.
Thông điệp dữ liệu là gì?
Thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử (Điều 4.12 Luật GDĐT). Thông điệp dữ liệu được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác. Trường hợp pháp luật yêu cầu thông tin phải được thể hiện bằng văn bản thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu này nếu thông tin chứa trong thông điệp dữ liệu đó có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu khi cần thiết.
Phương tiện điện tử là gì?
Điều 4.10 Luật GDĐT quy định: "Phương tiện điện tử là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự".
2. Hợp đồng điện tử có gì khác so với hợp đồng truyền thống?
Hợp đồng điện tử và hợp đồng truyền thống cùng có những điểm giống nhau về nguyên tắc giao kết hợp đồng, đó là sự thống nhất ý chí giữa các bên (tự do, tự nguyện thoả thuận, bình đẳng trong hợp đồng), nguyên tắc bảo đảm lợi ích hợp pháp của bên thứ ba và lợi ích công cộng; và tuân theo những yêu cầu về hình thức, về năng lực của chủ thể hợp đồng; về nội dung cơ bản và chế độ trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng và giải quyết tranh chấp…
Bên cạnh đó, hợp đồng điện tử có những điểm riêng biệt, đó là:
- Về chủ thể của HĐĐT: Ngoài bên bán, bên mua là 02 chủ thể chính của HĐĐT thì còn có sự xuất hiện của bên thứ ba đó là các nhà cung cấp dịch vụ mạng và cơ quan chứng thực chữ ký điện tử.
Những bên thứ ba này có nhiệm vụ chuyển đi, lưu giữ thông tin giữa các bên tham gia giao dịch điện tử, đồng thời họ cũng có thể đóng vai trò trong việc xác nhận độ tin cậy của các thông tin trong giao dịch điện tử.
- Về địa chỉ: ngoài địa chỉ pháp lý thông thường (trụ sở chính, văn phòng…) thì hợp đồng điện tử còn có địa chỉ thư điện tử (email), trang thông tin điện tử (website), địa chỉ xác định nơi, ngày giờ gửi thông điệp dữ liệu.
- Về giao kết HĐĐT: Nếu trong hợp đồng truyền thống, việc giao kết thường được thực hiện bằng việc các bên gặp trực tiếp, trao đổi, thoả thuận với nhau và ký hợp đồng bằng chữ ký tay, đóng dấu (nếu có đăng ký con dấu). Còn HĐĐT thì việc giao kết bằng được thực hiện thông qua phương tiện điện tử và ký bằng chữ ký điện tử (xem thêm ở phần 3 dưới đây).
3. Giao kết hợp đồng điện tử
Theo Điều 36.1 Luật GDĐT thì “Giao kết hợp đồng điện tử là việc sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch trong quá trình giao kết hợp đồng”.
Nguyên tắc giao kết HĐĐT:
- Ngoài việc tuân theo các nguyên tắc chung về giao kết và thực hiện hợp đồng theo pháp luật về hợp đồng, việc giao kết và thực hiện HĐĐT phải tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử.
- Các bên tham gia có quyền lựa chọn và thỏa thuận sử dụng phương tiện điện tử trong giao kết và thực hiện hợp đồng, về các yêu cầu kỹ thuật như chữ ký điệnt ử và chứng thực chữ ký điện tử, các điều kiện bảo đảm tính toàn vẹn, bảo mật có liên quan đến HĐĐT đó như nhận, gửi thông tin, quyền truy cập, cải chính thông tin…
Quy trình giao kết HĐĐT:
- Thông thường, một giao kết hợp đồng thông thường sẽ trải qua quy trình cơ bản như: các bên trong hợp đồng sau khi đã thống nhất được nội dung hợp đồng và các điều khoản thì sẽ tổ chức cuộc họp ký kết hợp đồng trực tiếp hoặc một bên ký trước trên bản thảo được các bên thống nhất và gửi bản hợp đồng in bằng giấy, có chữ ký, con dấu (trong trường hợp sử dụng con dấu) và gửi đến bên kia bản hợp đồng giấy đã ký kết để bên kia ký tên, đóng dấu và chuyển lại số bản mà mỗi bên sẽ giữ theo quy định hợp đồng. Tóm lại, các bên tham gia hợp đồng sẽ trao đổi với nhau bằng giấy tờ vật chất (nhìn thấy, sờ thấy, lưu trữ vào hồ sơ vật chất) và ký bằng tay.
- Đối với HĐĐT thì quy trình giao kết hợp đồng sẽ được thực hiện bằng phương tiện điện tử và các bên sẽ ký hợp đồng bằng chữ ký điện tử mà không cần phải gặp gỡ, chuyển giao giấy tờ, vật chất. HĐĐT cũng sẽ được lưu trữ “phi vật chất” tại cơ sở dữ liệu trong máy tính hay trên “đám mây” của các bên tham gia hợp đồng và/hoặc bên trung gian cung cấp dịch vụ điện tử.
Một ví dụ về quy trình ký kết HĐĐT của Tổng Công ty điện lực Việt Nam được mô tả như dưới đây:
4. Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử
Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu (Điều 34 Luật GDĐT).
Điều 14 Luật này cũng quy định: “Thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ chỉ vì đó là một thông điệp dữ liệu”.
Như vậy, tính pháp lý của hợp đồng điện tử được pháp luật ghi nhận, theo đó, thông điệp dữ liệu (của HĐĐT) được sử dụng làm chứng cứ trong trường hợp phát sinh vi phạm hoặc tranh chấp. Giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.
Tuy vậy, cần lưu ý rằng để một thông điệp dữ liệu có giá trị như bản gốc thì cần đảm bảo các yêu cầu sau:
- Nội dung của thông điệp dữ liệu được bảo đảm toàn vẹn kể từ khi được khởi tạo lần đầu tiên dưới dạng một thông điệp dữ liệu hoàn chỉnh, chưa bị thay đổi, trừ những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình gửi, lưu trữ hoặc hiển thị thông điệp dữ liệu; và
- Nội dung của thông điệp dữ liệu có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết. Có thể được hiểu là thông điệp dữ liệu có thể mở được, đọc được, xem được bằng phương pháp mã hoá hợp pháp đảm bảo độ tin cậy mà các bên đã thoả thuận với nhau khi giao kết HĐĐT.
Quý bạn đọc cần trao đổi thêm về chủ đề, hoặc yêu cầu dịch vụ tư vấn liên quan đến giao kết, thực hiện, tranh chấp hợp đồng điện tử, vui lòng liên hệ email: info@lawlinkvn.com hoặc điện thoại: +84908 107 788. Các thông tin pháp luật và bài viết chuyên đề của chúng tôi liên tục được cập nhật tại www.lawlinkvn.com; www.facebook.com/lawlink-vietnam
Comments