Vào ngày 06/09/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP thông qua đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng. Với Nghị quyết 100/NQ-CP, hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng trong tương lai gần sẽ có hành lang pháp lý điều chỉnh riêng biệt, cụ thể và được kiểm soát.
Hiện nay, Ngân hàng nhà nước đã xây dựng và đang lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (“Cơ chế thử nghiệm”) hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (“Dự thảo số 01”).
Theo Dự thảo số 01, cơ chế thử nghiệm Fintech hay Sandbox cho Fintech được hiểu là một cơ chế pháp lý được thiết lập bởi Chính phủ, trong đó cho phép các tổ chức tín dụng, công ty cung ứng giải pháp Fintech và tổ chức đổi mới sáng tạo khác được thực hiện thử nghiệm trực tiếp các sản phẩm, dịch vụ Fintech trong môi trường được kiểm soát và giám sát chặt chẽ bởi các cơ quan quản lý có liên quan.
Chúng tôi cập nhật một số nội dung đáng chú ý tại Dự thảo 01 này liên quan đến việc tham gia cơ chế thử nghiệm Fintech như sau:
1. Ai được tham gia cơ chế thử nghiệm?
Ngân hàng nhà nước đưa ra ba nhóm đối tượng có liên quan tới hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng dự kiến được tham gia thử nghiệm như sau:
- Các tổ chức tín dụng theo quy định của Luật tổ chức tín dụng 2010;
- Công ty Fintech/Công ty cung ứng giải pháp Fintech hợp tác với ngân hàng;
- Công ty Fintech/Công ty cung ứng giải pháp Fintech độc lập.
2. Cho phép cơ chế thử nghiệm Fintech trong lĩnh vực nào?
Có 07 nhóm lĩnh vực Fintech có thể được tham gia cơ chế thử nghiệm theo đề xuất của Ngân hàng nhà nước tại Dự thảo 01, gồm:
- Thanh toán;
- Tín dụng;
- Cho vay ngang hàng (P2P Lending);
- Hỗ trợ định danh khách hàng;
- Giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API);
- Các giải pháp ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo như Blockchain;
- Các dịch vụ khác hỗ trợ hoạt động ngân hàng (chấm điểm tín dụng, tiết kiệm, huy động vốn,...).
3. Tiêu chí tham gia cơ chế thử nghiệm là gì?
Giải pháp Fintech của các đối tượng xin tham gia thử nghiệm phải đáp ứng toàn bộ các tiêu chí dưới đây:
- Là giải pháp mà hoàn toàn chưa có hoặc một phần chưa có quy định pháp luật điều chỉnh;
- Là giải pháp Fintech sáng tạo lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam hoặc giải pháp Fintech được ứng dụng cho dịch vụ mới, có tính sáng tạo cao góp phần đem mang lại lợi ích cho người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ và thúc đẩy mục tiêu mở rộng phổ cập tài chính;
- Là giải pháp được thiết kế quản lý rủi ro tốt, không có hoặc ít có khả năng gây ra tác động xấu tới các tổ chức tài chính nói riêng và cả hệ thống tài chính nói chung; có phương án xử lý, khắc phục các rủi ro xảy ra trong quá trình thử nghiệm;
- Là giải pháp đã được công ty cung ứng giải pháp hoặc tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp đánh giá phù hợp và chính xác chức năng, công dụng và tính hữu ích;
- Là giải pháp có tính khả thi và tính thương mại cao, có kế hoạch cung ứng ra thị trường cụ thể sau khi hoàn thành thử nghiệm;
- Là giải pháp không tiềm ẩn rủi ro gây bất ổn đến thị trường tài chính – ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.
4. Thủ tục đăng ký thử nghiệm như thế nào?
Tổ chức tín dụng, công ty Fintech/công ty cung ứng giải pháp Fintech phải thực hiện việc đăng ký khi tham gia Cơ chế thử nghiệm, hồ sơ đăng ký được gửi tới Ngân hàng nhà nước, bao gồm các tài liệu sau:
- Đơn đăng kí tham gia cơ chế thử nghiệm Fintech;
- Giấy phép thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và không đang trong quá trình chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể, phá sản theo quyết định đã được ban hành;
- Văn bản mô tả về Cơ cấu tổ chức và quản lý điều hành đối với Giải pháp Fintech đăng ký thử nghiệm;
- Đề án mô tả Giải pháp Fintech được đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm, trong đó thể hiện việc đáp ứng đầy đủ các tiêu chí tham gia.
Ngân hàng Nhà nước là cơ quan đầu mối tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm.
5. Thời gian thử nghiệm bao lâu?
Thời gian thử nghiệm các giải pháp Fintech là 01 - 02 năm tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể, tính từ thời điểm được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thử nghiệm.
Tùy thuộc vào các giải pháp Fintech cụ thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ thảo luận với tổ chức tham gia thử nghiệm để quyết định phạm vi cho hoạt động của các giải pháp bao gồm đồng thời một trong ba yếu tố sau: Về địa lý, về hạn mức giao dịch, và về số lượng khách hàng tham gia sử dụng dịch vụ.
6. Công nhận kết quả thử nghiệm như thế nào?
Kết thúc thời gian thử nghiệm, các tổ chức tham gia thử nghiệm phải xây dựng báo cáo tổng kết, bao gồm các thông tin:
- Sản phẩm đầu ra thử nghiệm, các chỉ số đánh giá thử nghiệm về thành công hay thất bại của giải pháp và kết quả thử nghiệm;
- Các báo cáo sự cố và giải quyết khiếu nại của khách hàng và bài học rút ra từ việc thử nghiệm.
Ngân hàng Nhà nước căn cứ báo cáo tổng kết và quá trình giám sát trình Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý bao gồm: Dừng tham gia thử nghiệm; Cấp giấy chứng nhận hoàn thành thử nghiệm; hoặc Gia hạn thử nghiệm.
Việc được cấp giấy Chứng nhận hoàn thành thử nghiệm là căn cứ để các tổ chức triển khai chính thức ra thị trường phù hợp với quy định của pháp luật.
Dự kiến, Ngân hàng nhà nước sẽ trình Chính phủ phê duyệt Dự thảo Nghị định trong quý IV 2021 và Nghị định chính thức sẽ ban hành vào cuối năm 2021.
Cập nhật bởi LLVN.
Hình ảnh: Internet
--------------------------
LLVN cung cấp dịch vụ pháp lý cho các nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực Fintech. Chúng tôi cung cấp các giải pháp về mô hình hoạt động và giấy phép, các loại hình hợp tác, gọi vốn, mua bán và sáp nhập, giao dịch và hợp đồng thông minh, vận hành & tuân thủ, thuế, lao động và các vấn đề liên quan tại Việt Nam cũng như nước ngoài (Singapore, Châu Âu, Vương quốc Anh, Trung Đông, Hoa Kỳ…)
-------------------------------
𝐂𝐨𝐧𝐭𝐚𝐜𝐭 𝐮𝐬
Website: www.lawlink.com
Instagram: lawlink.vietnam
Facebook: Lawlink Vietnam
Phone: +84 908107788
Email: info@lawlinkvn.com
Address: Vietnam Business Building, No.57-59 Ho Tung Mau Streets, Ben Nghe Ward, District 1, HCMC
Comments