top of page
Tìm kiếm

THOẢ THUẬN VỀ QUYỀN ĐIỀU CHỈNH HỢP ĐỒNG KHI HOÀN CẢNH THAY ĐỔI




Trong giao kết hợp đồng, có một quyền rất quan trọng mà các bên trong quan hệ hợp đồng nên hiểu và vận dụng, đó là quyền điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi được quy định tại Điều 420 Bộ luật dân sự 2015. Quy định này là một điểm tiến bộ mới của Bộ luật dân sự 2015, phù hợp với tinh thần của các quy định của luật pháp quốc tế về hoàn cảnh khó khăn (harship) trong thực hiện hợp đồng được đề cập tại Bộ nguyên tắc UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế (PICC), Bộ nguyên tắc Châu Âu về hợp đồng (PECL) và Công ước VIEN 1980.


Theo Điều 420 Bộ luật dân sự 2015, trong quá trình thực hiện hợp đồng (đã ký kết) mà gặp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, thì bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý.


1. Như thế nào được xem là hoàn cảnh thay đổi cơ bản?


Khoản 1 Điều 420 quy định hoàn cảnh thay đổi CƠ BẢN khi có đủ 05 điều kiện sau:


· Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;

· Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh;

· Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác;

· Việc tiếp tục hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên;

· Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.


Như vậy, theo quy định của Luật, chỉ khi nào tất cả các yếu tố trên đây được thoả mãn, thì mới được xem là hoàn cảnh thay đổi cơ bản, và bên có lợi ích bị ảnh hưởng mới có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng.


2. Trường hợp các bên không thể thoả thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, thì xử lý thế nào?


Khoản 3 Điều 420 quy định trong trường hợp các bên không thể thoả thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý thì các bên có thể yêu cầu toà án giải quyết theo một trong các phương án sau:


a) Chấm dứt hợp đồng

b) Sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.


Cần lưu ý rằng, Toà án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi. Bên cạnh đó, trong quá trình các bên thương lượng để điều chỉnh hợp đồng và trong quá trình toà án giải quyết, thì các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình trong hợp đồng đã ký, trừ khi hợp đồng đã có quy định khác đi.


3. Những vấn đề luật không quy định, các bên có thể (và nên) thoả thuận tại thời điểm giao kết hợp đồng:


(i) Trong trường hợp sự thay đổi xảy ra không đáp ứng đủ cả 05 yếu tố để được xem là hoàn cảnh thay đổi cơ bản, thì các bên có được quyền điều chỉnh hợp đồng không?


Theo ý kiến của chúng tôi, trong trường hợp có sự thay đổi về hoàn cảnh tại thời điểm thực hiện hợp đồng so với thời điểm ký kết hợp đồng, mà chưa đáp ứng toàn bộ các điều kiện để xem là hoàn cảnh thay đổi cơ bản, thì các bên vẫn có quyền điều chỉnh hợp đồng cho phù hợp với hoàn cảnh mới, với điều kiện tại thời điểm giao kết hợp đồng các bên đã có thoả thuận và được ghi nhận trong hợp đồng về việc điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi. Thoả thuận này là phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự về nguyên tắc tự nguyện thoả thuận của các bên trong quan hệ hợp đồng và được pháp luật bảo hộ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, việc các bên tự nguyện thoả thuận về điều kiện áp dụng hoàn cảnh thay đổi để điều chỉnh hợp đồng sẽ không được toà án xem xét giải quyết theo hướng điều chỉnh hợp đồng khi xảy ra tranh chấp, vì Toà án chỉ có quyền áp dụng Điều 420 để điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản.


(ii) Thay đổi như thế nào được xem là “thay đổi lớn”?


Nhà làm luật không có hướng dẫn cụ thể về việc thay đổi nào được xem là “thay đổi lớn”, mà chỉ “định lượng” rằng thay đổi đó lớn đến mức các đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác.

Trong đàm phán hợp đồng, các bên cần lưu ý để làm rõ khái niệm “thay đổi lớn” bằng một định lượng cụ thể, trên cơ sở xác định nghĩa vụ cơ bản của hợp đồng là gì, ví dụ trong hợp đồng thi công thì một trong những nghĩa vụ cơ bản của nhà thầu là hoàn thành và bàn giao đúng tiến độ. Vậy thì một thay đổi, ví như lệnh ngừng các hoạt động thi công theo chỉ thị số 12/CT-TU ngày 22/7/2021 của Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh, tăng cường các biện pháp để đảm bảo phòng chống dịch bệnh Covid 19 theo chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 21/3/2020 về việc phòng chống dịch Covid có thể được xem là “thay đổi lớn” khiến nhà thầu không thể đảm bảo thực hiện nghĩa vụ cơ bản của mình là hoàn thành và bàn giao công trình đúng thời hạn.


(iii) “Thời hạn hợp lý” để các bên đàm phán điều chỉnh hợp đồng là thời hạn nào?


Đây tiếp tục là một quy định không định tính mà các bên khi thương lượng hợp đồng sẽ phải làm rõ, quy định cụ thể phù hợp với bản chất giao dịch mà mình sẽ tham gia vào.


(iv) Cơ sở nào để toà án đưa ra phán quyết điều chỉnh hợp đồng?


Theo khoản 3 Điều 420 thì Toà án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi.

Như vậy, cơ sở để Tòa án đưa ra hướng giải quyết là sửa đổi hay chấm dứt hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi là phải dựa trên việc xác định mức độ thiệt hại và chi phí ảnh hưởng đến lợi ích của các bên trong hợp đồng. Làm thế nào để xác định chính xác về mức độ thiệt hại và đánh giá chi phí để thực hiện hợp đồng theo một điều kiện mới (mà toà án đưa ra) là một vấn đề nan giải đối với chính cơ quan xét xử, đặc biệt là để cân bằng lợi ích của các bên tham gia hợp đồng mà không làm thay đổi ý chí (tự nguyện) của các bên tham gia hợp đồng.


4. Các keynotes bỏ túi:


(i) Đừng quên thương lượng và quy định cụ thể điều khoản điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi ngay từ khi giao kết hợp đồng!


Dù bạn đang đàm phán một thoả thuận đầu tư, hợp tác kinh doanh, một giao dịch mua bán hàng hoá, xuất nhập khẩu, một hợp đồng thuê mặt bằng dài hạn, hợp đồng thi công công trình, thậm chí là một hợp đồng tiền hôn nhân, đặc biệt những giao dịch có giá trị lớn hay có tầm quan trọng chiến lược, thì điều khoản này nên được xem là điều khoản bỏ túi. Hãy trang bị một “áo giáp chống đạn” cho mọi loại hợp đồng mà bạn/ông chủ của bạn sẽ đặt bút vào ký bằng một điều khoản mẫu, cụ thể hoá điều 420.


(ii) Hãy đưa ra các khái niệm, định nghĩa, các định lượng cụ thể trên cơ sở những quy định của Luật, phù hợp với giao dịch bạn đang tham gia vào!


(iii) Thông báo và khắc phục: Khi hoàn cảnh thực hiện hợp đồng thay đổi, cần thông báo ngay cho bên còn lại của hợp đồng, cùng lúc, hãy nỗ lực trong khả năng có thể để khắc phục và giảm thiểu hậu quả.


(iv) Tận dụng thời gian hợp lý để đàm phán! Thời gian hợp lý phải được quy định trong hợp đồng! Và đừng lãng phí thời gian vàng này! Hãy nỗ lực đàm phán để đạt được thoả thuận thay đổi!


(v) Hãy yêu cầu cơ quan tài phán bảo vệ quyền lợi ngay khi đàm phán thất bại! Trong lúc nỗ lực tối đa để đạt được kết qủa đàm phán, cần chuẩn bị cho tình huống đàm phán không thành và cần đến sự phân xử của cơ quan tài phán!


(vi) Chân thành, Bình đẳng, Tôn trọng, Cùng có lợi là chìa khoá vàng trong đàm phán, tháo gỡ bế tắc! Hiểu luật chơi, biết mình, biết người, và tôn trọng lợi ích hợp lý của đối tác để có thể cùng thắng.


---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

* Bài viết này là ý kiến riêng của Công ty Luật TNHH Lawlink Việt Nam (“LLVN”), chỉ có giá trị tham khảo và không có ý nghĩa như một tư vấn cụ thể của LLVN cho bất cứ tình huống và/hoặc vụ việc cụ thể nào. LLVN cũng như bất cứ luật sư, cộng sự, nhân viên nào của LLVN sẽ không phải chịu trách nhiệm cho việc tổ chức, cá nhân bất kỳ sử dụng bài viết này vào bất cứ mục đích nào khác đi ngoài mục đích tham khảo, hoặc sử dụng bài viết này để đưa ra quyết định của cá nhân, tổ chức đó đối với trường hợp cụ thể của họ.




235 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page