Bộ luật lao động sửa đổi, bổ sung năm 2019 (“BLLĐ 2019”) đã được thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, với những thay đổi đáng kể về tiền lương và trả lương cho người lao động (“NLĐ”) so với Bộ luật lao động 2012 (“BLLĐ 2012”). Dưới đây là cập nhật của Lawlink Việt Nam liên quan đến những thay đổi này.
1. Xây dựng và đăng ký thang lương, bảng lương và định mức lao động như thế nào?
BLLĐ 2019 đã bỏ quy định: “Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước bằng cách xây dựng các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động”, thay vào đó là cho phép Người sử dụng lao động (NSDLĐ) chủ động trong việc “xây dựng thang, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động” (Điều 93.1 BLLĐ). Như vậy, NSLLĐ đã được quyền chủ động xây dựng thang bảng lương và định mức lao động căn cứ vào tình hình thực tiễn và chiến lược, kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.
BLLĐ 2019 cũng đã loại bỏ thủ tục hành chính “gửi thang lương, bảng lương tới cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động”. Như vậy, việc thông báo đến cơ quan hành chính về thang bảng lương của doanh nghiệp không còn là quy định bắt buộc thực hiện theo định kì hằng năm như trước đây. NSDLĐ chỉ cần công bố công khai thang lương, bảng lương và định mức lao động tại nơi làm việc trước khi thực hiện (đoạn 2 Điều 93.3 BLLĐ). Tuy vậy, cần lưu ý là khi xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động, NSDLĐ phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (đoạn 1 Điều 93.3 BLLĐ).
2. Nguyên tắc trả lương
Thứ nhất, bổ sung quy định cấm NSDLĐ chi phối việc sử dụng tiền lương của NLĐ. Điều 94.2 quy định: (i) NSDLĐ không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; (ii) NSDLĐ không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.
Thứ hai, nguyên tắc trả lương trực tiếp đã được mở rộng hơn: BLLĐ 2012 và BLLĐ 2019 đều đảm bảo nguyên tắc NLĐ được trả lương đầy đủ, trực tiếp và đúng thời hạn. Trong trường hợp NLĐ không thể trực tiếp nhận lương thì theo quy định tại Điều 94.1 BLLĐ 2019 “…người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp”.
Thực tế có hai hình thức thanh toán tiền lương đang được áp dụng phổ biến là (i) thanh toán tiền mặt và có ký nhận bởi NLĐ hoặc (ii) chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng mà NLĐ đã đăng ký, tùy vào sự lựa chọn của doanh nghiệp. Với hình thức (ii) thì định kỳ theo ngày trả lương đã được thỏa thuận, NSDLĐ sẽ tự động cắt trừ tiền từ tài khoản của công ty sang tài khoản của NLĐ mà không cần NLĐ có mặt để nhận. Do vậy có thể nói quy định tại Điều 94.1 BLLĐ dường như chỉ áp dụng đối với trường hợp thanh toán bằng tiền mặt vì hình thức này cần NLĐ hiện diện trực tiếp để nhận lương.
Trường hợp nào NLĐ không thể nhận lương trực tiếp? BLLĐ 2019 chưa có quy định hướng dẫn cụ thể, từ câu chữ của điều luật có thể hiểu một cách logic là bất kỳ lý do nào làm cho NLĐ không thể hiện diện trực tiếp để nhận tiền lương thì có thể ủy quyền cho người khác nhận thay. Như thế nào là ủy quyền hợp pháp để nhận lương thay? Hiện nay pháp luật không có quy định cụ thể về “giấy ủy quyền hợp pháp”. Theo quan điểm của người viết, tính hợp pháp của giấy ủy quyền được tạo thành từ sự hợp pháp của nội dung và hình thức. Giấy ủy quyền hợp pháp để nhận lương thay cho NLĐ phải gồm các nội dung cơ bản bắt buộc như thông tin người ủy quyền/người nhận ủy quyền, nội dung ủy quyền cụ thể là nhận tiền lương tháng… (các tháng….) cho NLĐ tại công ty (cụ thể). Về hình thức thể hiện bên ngoài của Giấy ủy quyền phổ biến hiện nay là bằng văn bản và không có quy định bắt buộc giấy ủy quyền thực hiện công việc này phải công chứng hoặc chứng thực.
3. Nghĩa vụ của NSDLĐ khi trả lương
Điểm giống nhau giữa BLLĐ 2012 và BLLĐ 2019 là đều quy định về hình thức trả lương bao gồm: hình thức trả lương bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân. BLLĐ 2019 đã bổ sung thêm quy định trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của NLĐ được mở tại ngân hàng thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương, trong khi BLLĐ 2012 quy định các loại chi phí liên quan đến việc mở, duy trì tài khoản là do sự thỏa thuận giữa NSDLĐ và NLĐ.
Đồng thời, tại khoản 3 Điều 95 BLLĐ 2019 bổ sung thêm quy định nghĩa vụ gửi bảng kê khai thông báo khi trả lương nhằm mục đích minh bạch các khoản tiền lương liên quan đến NLĐ, tránh trường hợp các khoản tiền không được kê khai rõ ràng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ, đồng thời hạn chế các mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra, cụ thể:“Mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có)”
4. Đồng tiền dùng để trả lương cho người lao động nước ngoài
Tại khoản 2 Điều 95 BLLĐ 2019 quy định Tiền lương trả cho người lao động bằng tiền Đồng Việt Nam, tuy nhiên trường hợp người lao động là người nước ngoài tại Việt Nam thì có thể bằng ngoại tệ. Quy định này rõ ràng hơn so với cách quy định dẫn chiếu “theo quy định của pháp luật về ngoại hối” trước đây tại BLLĐ 2012, cụ thể là khoản 3 Điểu 21 Nghị định 05/ 2015/NĐ-CP.
5. Thưởng cho người lao động
So với BLLĐ 2012, Điều 104.1 BLLĐ 2019 đã mở rộng khái niệm khoản thưởng không chỉ giới hạn khoản thưởng bằng tiền mà còn có thể thưởng bằng tài sản hoặc bằng các hình thức khác. “Tài sản” theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản (Điều 105.1). “Thưởng bằng các hình thức khác” là một quy định mở, tạo điều kiện cho việc vận dụng linh hoạt quy định này phù hợp với đặc thù của từng doanh nghiệp, loại hình kinh doanh đặt trong bối cảnh nhờ vào khoa học và công nghệ mà nhiều ý tưởng kinh doanh, nhiều loại hình sản phẩm kinh doanh mới lạ ra đời.
Tin, bài: LLVN
Hình: Internet
-----------------------
Lawlink Vietnam cung cấp dịch vụ pháp lý trong tuyển dụng & lao động cho tổ chức và cá nhân, bao gồm: Rà soát & xây dựng hệ thống chính sách trong quản trị nhân lực như cơ cấu quản trị & phân quyền; các quy chế hoạt động & kiểm soát tuân thủ; Nội quy; Hợp đồng lao động và các thoả thuận bảo mật thông tin và chống cạnh tranh; các tài liệu mẫu trong xử lý kỷ luật lao động & chấm dứt quan hệ lao động; Các hướng dẫn tuân thủ về kiểm soát chất lượng, an toàn vs lao động & bảo vệ môi trường, các cam kết trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; Các loại giấy phép lao động và dịch vụ cho lao động nước ngoài; Dịch vụ thuế & bảo hiểm; Tư vấn & Đại diện trong giải quyết tranh chấp lao động.
-----------------------
𝐂𝐨𝐧𝐭𝐚𝐜𝐭 𝐮𝐬
Website: www.lawlink.com
Instagram: lawlink.vietnam
Facebook: Lawlink Vietnam
Phone: +84 908107788
Address: Suite 10.2, Level 10, Vietnam Business Center Building, No.57-59 Ho Tung Mau Street, District 1, HCMC., Vietnam
コメント