Minh bạch thông tin về tiêu chí, quy trình hỗ trợ tại các ngân hàng thương mại đối với doanh nghiệp trong mùa dịch Covid-19 là điều cần thiết để đẩy nhanh tốc độ "giải cứu" doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp hiện đang đặt nhiều kỳ vọng vào Thông tư 01, có hiệu lực ngay từ ngày ký do Ngân hàng Nhà nước ban hành vào ngày 12-3 vừa qua. Thông tư 01 là cơ sở pháp lý quan trọng để các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo Thông tư 01, các khoản nợ, phí phải trả phát sinh sau ngày 23-1 sẽ được ngân hàng xem xét để hỗ trợ với nhiều biện pháp khác nhau, với điều kiện đầu vào là doanh nghiệp phải chứng minh được doanh thu, thu nhập bị giảm vì Covid-19.
Mặc dù đây là tiêu chí “định lượng” đầu tiên, nhưng việc đo lường mức độ thiệt hại của doanh nghiệp đôi khi không dễ dàng, nhất là với những doanh nghiệp, ngành nghề gián tiếp chịu ảnh hưởng nhưng cũng cần được “giải cứu”, một lãnh đạo nhà băng chia sẻ.
Trong Thông tư nói trên, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể về tiêu chí để xác định số dư nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó việc sụt giảm doanh thu, thu nhập là tiêu chí đầu tiên và bắt buộc.
Theo đó, các tổ chức tín dụng sẽ phải sớm ban hành quy định nội bộ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Thông tư 01. Ngân hàng Nhà nước cũng có nêu rõ cần phải thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống, đảm bảo giám sát chặt chẽ, an toàn, phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ để trục lợi, phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng.
“Thông tư mới cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của các tổ chức tín dụng và khách hàng vay vốn khi thực hiện chính sách hỗ trợ này, đảm bảo đúng đối tượng, tính khách quan và không được lợi dụng”, văn bản của Ngân hàng Nhà nước có đoạn.
Trước khi ban hành Thông tư 01, các ngân hàng đã tự tung ra các gói trợ riêng cho mình, tùy theo từng phân khúc, đối tượng khách hàng mà nhà băng hướng đến.
Tuy nhiên, một điểm chung có thể nhận thấy là điều kiện đặt ra vẫn còn khá “an toàn” cho chính các nhà băng, chẳng hạn như tiêu chí doanh nghiệp phải có lịch sử tín dụng tốt, thông tin minh bạch, là khách hàng truyền thống và có giao dịch liên tục trong thời gian qua. Những giải pháp khả thi chủ yếu là giảm lãi suất các khoản vay mới hoặc hiện hữu, hay miễn, giảm lãi, phí các giao dịch.
Đặc biệt trong số này là câu chuyện phải thỏa thuận riêng từng trường hợp cụ thể, vì mỗi doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng ở góc độ khác nhau và cần sự hỗ trợ khác nhau, như một lãnh đạo trong ngân hàng thuộc nhóm “Big 4” từng chia sẻ. Điều này cũng cho thấy sự cần thiết phải có “chuẩn chung” cho cuộc chơi “giải cứu” nếu không muốn bị lạm dụng và dòng vốn đi sai mục tiêu ban đầu.
Về các gói giải pháp hiện nay, có thể thấy sự hỗ trợ từ phía nhà băng chia là 2 phương án. Một là gói cho vay (gói hỗ trợ 250.000 tỉ đồng mà các ngân hàng cam kết giải ngân) để hỗ trợ thanh khoản cho các doanh nghiệp “sống sót” qua mùa dịch. Còn nhóm giải pháp thứ 2 là “tân trang” các khoản nợ có nguy cơ “xấu” bởi Covid-19, để doanh nghiệp có thêm thời gian phục hồi, chẳng hạn như cơ cấu thời hạn trả nợ, giảm lãi, phí hay giữ nguyên nhóm nợ.
Thông tư 01 ra đời được kỳ vọng sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để các nhà băng thực hiện nhóm giải pháp thứ 2 nhiều hơn, bởi trên thực tế, việc cơ cấu nợ như trên cũng giúp chính các ngân hàng hưởng lợi, do sẽ làm “sạch” bảng cân đối kinh doanh của mình, đồng thời hỗ trợ đáng kể thanh khoản cho doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại, là thời điểm cần "tồn tại" chứ không phải mở rộng đầu tư.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước tính đến ngày 4-3 cho thấy đã có khoảng 926.000 tỉ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm 14,27% tổng dư nợ của 23 tổ chức tín dụng và 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống.
Số dư nợ chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 trong thời gian tới sẽ còn tăng mạnh hơn, như nhiều lãnh đạo ngân hàng nhìn nhận. Do đó, tốc độ “giải cứu” doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào tốc độ xử lý, đưa ra quy trình theo “khẩu vị” riêng của từng ngân hàng.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, một điều quan trọng là các ngân hàng thương mại cần phải truyền thông, công bố cụ thể và minh bạch các tiêu chí, quy trình hỗ trợ để doanh nghiệp và thị trường cùng nắm. Còn đứng về phía doanh nghiệp, cũng cần phải hợp tác và minh bạch hóa thông tin nhiều hơn với ngân hàng, để quá trình “đàm phán” của hai bên được thuận lợi, với mục tiêu chung là cùng “sống sót” qua mùa dịch Covid-19 này.
Comments