Ngày 15/4/2020 Quyết định số 06/2020/QĐ-TTg về tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Quyết định quy định cụ thể các vấn đề về thẩm quyền cho phép tổ chức hội nghị cũng như quy trình xin phép, thẩm định, đăng cai, quản lý, tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế hay còn được định nghĩa là hội nghị, hội thảo có yếu tố nước ngoài, được tổ chức theo hình thức gặp gỡ trực tiếp trên lãnh thổ Việt Nam, hoặc theo hình thức trực tuyến với ít nhất một đầu cầu thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Về mặt thẩm quyền:
Các hội nghị, hội thảo có thành viên tham dự là người đứng đầu hoặc quan chức cấp Bộ trưởng hoặc tương đương trở lên; hoặc có chủ đề, nội dung liên quan đến các vấn đề về chủ quyền quốc gia, an ninh, quốc phòng, dân tộc, tôn giáo, quyền con người hoặc thuộc phạm vi bí mật nhà nước thì thuộc thẩm quyền phê duyệt và cho phép của Thủ tướng chính phủ.
Các hội nghị, hội thảo quốc tế không thuộc các trường hợp trên thì do người có thẩm quyền quyết định việc tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế của cơ quan, địa phương mình quyết định và cho phép các đơn vị tổ chức sau đây:
(1) Các cơ quan, đơn vị trực thuộc cơ quan của người có thẩm quyền;
(2) Các cơ quan, tổ chức Việt Nam và nước ngoài do cơ quan của người có thẩm quyền cho phép hoạt động;
(3) Riêng đối với các hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam, người có thẩm quyền là Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực hoạt động của hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện theo danh sách do Bộ Nội vụ quy định.
Về quy trình tổ chức:
Đơn vị tổ chức có trách nhiệm nộp hồ sơ xin phép cho cơ quan của người có thẩm quyền gồm: (i) Công văn xin phép tổ chức; (ii) Đề án tổ chức; (iii) Văn bản có ý kiến của các cơ quan liên quan (nếu có yêu cầu); (iv) Văn bản đồng ý chủ trương đăng cai tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế (nếu có). Hồ sơ sau đó sẽ đi qua quá trình thẩm định bởi các cơ quan liên quan và kết quả trả lời bằng văn bản sẽ được gửi đến đơn vị tổ chức trong khoảng 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị.
Về mặt quản lý nhà nước:
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hội nghị, hội thảo quốc tế trong cả nước. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm kiểm tra, bảo đảm các hội nghị, hội thảo quốc tế được tổ chức theo nội dung, Đề án đã được phê duyệt; kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, các quy định về thông tin, tuyên truyền trước, trong và sau hội nghị, hội thảo quốc tế.
Cập nhật: Lawlink Việt Nam.
Komentar