Hình minh họa: Nguồn Internet
Cho đến hiện nay, mặc dù tranh chấp nội bộ giữa các đồng chủ sở hữu Công ty đang diễn ra khá phổ biến và có xu hướng tăng, thì bản Điều lệ Công ty ("ĐLCT") vẫn còn bị xem nhẹ. Điển hình là:
(i) Rất nhiều doanh nghiệp khi thành lập Công ty vẫn chỉ sử dụng nguyên văn bản điều lệ mẫu trong Luật Doanh nghiệp mà không có bất cứ sự sửa đổi, bổ sung nào cho phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp mình. Điều này dẫn đến nhiều trở ngại và sai phạm trong tổ chức quản lý và hoạt động doanh nghiệp sau này.
(ii) Chủ sở hữu Công ty (thành viên/cổ đông sáng lập), đặc biệt là thành viên/cổ đông thiểu số thậm chí không biết đến Điều lệ Công ty quy định cái gì, lưu trữ ở đâu, cho đến khi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp về quản lý điều hành, phân chia lợi nhuận...thì mới “tá hỏa” đi tìm Điều lệ công ty.
Trong chuỗi bài viết này, chúng tôi nhắc lại những vấn đề không mới nhưng rất quan trọng về vai trò, tầm quan trọng của bản Điều lệ công ty; cùng với những khuyến nghị được đúc rút từ kinh nghiệm tham gia soạn thảo Điều lệ công ty cho các doanh nghiệp, cũng như tham gia quá trình giải quyết tranh chấp nội bộ công ty tại Việt Nam trong nhiều năm qua.
Phần 1. Những tóm tắt cơ bản và quan trọng về Điều lệ Công ty.
1. Điều lệ Công ty là gì?
Luật Doanh nghiệp Việt Nam không có định nghĩa về ĐLCT, tuy vậy, trên cơ sở về tính pháp lý, nội dung và bản chất của ĐLCT, có thể hiểu như sau:
“ĐLCT là một THỎA THUẬN THÀNH VĂN giữa các chủ sở hữu Công ty/giữa những người sáng lập với nhau và giữa những người sáng lập với những người góp vốn ghi nhận và ràng buộc Các bên thực hiện các thống nhất, cam kết, những quy định chung về thành lập Công ty, vốn và góp vốn, cơ cấu bộ máy tổ chức, quản lý, hoạt động... của Công ty, và được pháp luật công nhận” – LLVN
Theo khoản 1 Điều 24 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14, Điều lệ công ty gồm:
· Điều lệ khi đăng ký doanh nghiệp, và
· Điều lệ được sửa đổi, bổ sung trong quá trình hoạt động.
2. Các nội dung chủ yếu của Điều lệ công ty theo khoản 2 Điều 24 Luật Doanh nghiệp:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Doanh nghiệp, Điều lệ Công ty bao gồm các nội dung chính sau đây:
Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty; tên, địa chỉ chi nhánh và văn phòng đại diện (nếu có);
Ngành, nghề kinh doanh;
Vốn Điều lệ; tổng số cổ phần, loại cổ phần và mệnh giá từng loại cổ phần đối với công ty cổ phần;
Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch của thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ sở hữu công ty, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần. Phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, số cổ phần, loại cổ phần, mệnh giá từng loại cổ phần của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần;
Quyền và nghĩa vụ của thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; của cổ đông đối với công ty cổ phần;
Cơ cấu tổ chức quản lý;
Số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; phân chia quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật trong trường hợp công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật;
Thể thức thông qua quyết định của công ty; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ;
Căn cứ và phương pháp xác định tiền lương, thù lao, thưởng của người quản lý và Kiểm soát viên;
Trường hợp thành viên, cổ đông có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc cổ phần đối với công ty cổ phần;
Nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh;
Trường hợp giải thể, trình tự giải thể và thủ tục thanh lý tài sản công ty;
Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty.
3. Các nguyên tắc phải tuân thủ khi xây dựng Điều lệ Công ty:
3.1 Không được trái quy định của pháp luật/không được xâm phạm đến lợi ích của bên thứ ba;
3.2 Tự nguyện và thỏa thuận trong khuôn khổ pháp luật quy định
3.3 Phải đảm bảo đầy đủ nội dung chủ yếu theo quy định của pháp luật
3.4 Phải được sự chấp thuận của tất cả các thành viên sáng lập.
4. Vì sao Điều lệ Công ty lại là tài liệu tối quan trọng đối với Chủ sở hữu Công ty và Công ty?
4.1 Điều lệ công ty - bản Hiến pháp của doanh nghiệp
Điều lệ công ty là một trong những văn bản quan trọng nhất trong việc quản lý doanh nghiệp, có thể ví như Hiến pháp của doanh nghiệp. Điều lệ là hành lang pháp lý quan trọng để Công ty được hình thành và hoạt động theo các nguyên tắc, trật tự, quy củ. Theo đó, Điều lệ công ty quy định những vấn đề quan trọng nhất của Công ty, từ loại hình công ty, cổ đông sáng lập, vốn góp, cơ cấu tổ chức quản lý và điều hành công ty, thể thức thông qua quyết định, nghị quyết của công ty, nguyên tắc phân chia lợi nhuận, cho đến cơ chế giải quyết tranh chấp nội bộ...
4.2 Điều lệ công ty tạo lập cơ chế quản trị điều hành của doanh nghiệp
Một thành phần nội dung bắt buộc phải có trong Điều lệ là quy định về cơ cấu tổ chức, quản lý của công ty. Những quy định này là căn cứ pháp lý để Công ty xây dựng hệ thống tổ chức quản lý công ty với các cơ chế phân quyền rõ ràng, giúp cho Công ty vận hành thông suốt và hiệu quả.
Chủ sở hữu của công ty và bộ máy quản lý công ty cam kết và có trách nhiệm tuân thủ những quy định của Điều lệ công ty.
4.3 Điều lệ công ty làm căn cứ giải quyết tranh chấp nội bộ công ty
Điều lệ công ty được soạn thảo trên cơ sở sự thống nhất ý chí của các đồng sở hữu công ty, được pháp luật công nhận, do đó có giá trị áp dụng cao và xuyên suốt trong mọi hoạt động của công ty.
Khi có các tranh chấp phát sinh trong nội bộ Công ty như tranh chấp giữa các chủ sở hữu Công ty (tranh chấp giữa cổ đông/thành viên sáng lập; tranh chấp giữa chủ sở hữu Công ty với Người quản lý, điều hành doanh nghiệp...), thì Điều lệ chính là tài liệu pháp lý đầu tiên và quan trọng làm cơ sở để giải quyết những tranh chấp này.
Phần 2. Các tranh chấp nội bộ công ty phổ biến và những bài học kinh nghiệm (tiếp kỳ sau)
Tin, bài: Cập nhật bởi LLVN.
Hình: Internet.
--------------------------
Lawlink Việt Nam (LLVN) là hãng Luật cung cấp các giải pháp pháp lý cho các doanh nghiệp, doanh nhân về ĐẦU TƯ, hoạt động doanh nghiệp & kinh doanh, Mua bán & Sáp nhập; Tranh tụng và Giải quyết tranh chấp. Chúng tôi cung cấp dịch vụ trọn gói từ các khâu tư vấn mô hình hoạt động, đến giấy phép, hợp đồng, cấu trúc vốn và thu xếp vốn, dịch vụ kế toán & thuế, và đại diện. Các ngành mà chúng tôi thực hành liên tục gồm: Bất động sản & Xây dựng, Hạ tầng, Xử lý rác thải & môi trường, Y & Dược, Giáo dục, Fintech, Nông nghiệp, Truyền thông & Xuất bản, Thương mại điện tử.
-------------------------------
𝐂𝐨𝐧𝐭𝐚𝐜𝐭 𝐮𝐬
Website: www.lawlink.com
Instagram: lawlink.vietnam
Facebook: Lawlink Vietnam
Phone: +84 908107788
Address: Phòng 10.2, Lầu 10, Tòa nhà Vietnam Business Center, 57-59 Hồ Tùng Mậu, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
Comments