top of page
thanhnguyen056

Việt Nam phê duyệt Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN

Ngày 18/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 18/10/2021 phê duyệt Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA).




ATISA được coi là bước đi mới trong tiến trình hội nhập về dịch vụ của ASEAN. Khi có hiệu lực, Hiệp định này sẽ thay thế Hiệp định Khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) năm 1995, với nhiều nội dung mới. Về nguyên tắc, ATISA sẽ thiết lập hành lang pháp lý thực hiện các cam kết mở cửa thị trường từ AFAS, giảm các rào cản phân biệt đối xử giữa các nhà cung cấp dịch vụ, tạo nền tảng pháp lý vững chắc và cơ chế minh bạch hơn cho thương mại dịch vụ trong khu vực.


Về mở cửa các thị trường dịch vụ, ATISA áp dụng phương pháp tiếp cận mới: mở cửa theo cơ chế “chọn - bỏ”, theo đó, ngoại trừ các ngành/phân ngành được liệt kê trong Danh sách các biện pháp không tương thích thì các ngành còn lại đều được tự do tiếp cận thị trường; và danh sách này được thiết lập riêng theo cam kết của từng nước thành viên ASEAN. Đây là cách tiếp cận mới so với phương pháp chọn - cho của AFAS, vốn chỉ cho phép mở cửa những ngành dịch vụ đã được liệt kê rõ ràng trong Hiệp định.


Bên cạnh văn kiện Hiệp định, ATISA còn bao gồm ba (03) phụ lục ngành là: Phụ lục về Dịch vụ Tài chính, Phụ lục về Dịch vụ viễn thông và Phụ lục về Dịch vụ phụ trợ vận tải hàng không. Các phụ lục này bao gồm các nghĩa vụ theo ngành cụ thể nhằm đưa ra các cam kết sâu hơn và tăng cường hợp tác quản lý.


Hiệp định còn có Phụ lục I và II bao gồm Danh mục các biện pháp không tương thích riêng của từng nước thành viên, sẽ do từng nước thành viên tự xác định và trình lên Ban Thư ký ASEAN trong vòng 5 năm, 7 năm, 13 năm tùy nước kể từ khi ATISA có hiệu lực.


Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện Hiệp định này.


ATISA được hy vọng đặt nền tảng mới cho việc thúc đẩy thương mại dịch vụ trong khu vực và nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu dịch vụ trong ASEAN. Vì vậy, các doanh nghiệp, thương gia có quan hệ cung ứng hàng hoá, dịch vụ trong khối ASEAN cần nắm nội dung Hiệp định này để chủ động chuẩn bị nâng cao năng lực cạnh tranh và không bị “lép vế” trong cuộc chơi tiếp cận thị trường khi các quy định thông thoáng hơn.


Tin bài: LLVN

20 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page