Việt Nam hiện vươn lên đứng thứ hai ở Đông Nam Á, sau Singapore, về giá trị vốn đầu tư nhận được trong ngành công nghệ tài chính (fintech) 9 tháng đầu năm nay.
Logo của các ví thanh toán di động ở một quán ăn đường phố ở TPHCM. Ảnh: Reuters
Theo một báo cáo mới công bố của PwC Singapore, Ngân hàng UOB và Hiệp hội Công nghệ tài chính Singapore, trong 9 tháng đầu năm nay, các startup trong lĩnh vực fintech ở Việt Nam thu hút được 36% tổng lượng vốn đầu tư fintech của các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Đông Nam Á, tăng vọt so với con số 0,4% vào năm 2018.
Trong cùng thời gian, mức thị phần vốn này của Singapore là 51%, giảm so với mức 53% vào năm 2018 và ở Indonesia là 12%, giảm mạnh so với con số 37% vào năm ngoái. Wong Wanyi, lãnh đạo phụ trách mảng fintech của PwC Singapore, đồng tác giả báo cáo trên, nói: “Ở Việt Nam, mảng thanh toán dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư mạo hiểm. Hiện nay, tôi cho rằng điểm hấp dẫn ở các nước đang phát triển là thanh toán tiêu dùng”.
Với tốc độ tăng trưởng hai con số mỗi năm, giá trị thanh toán số ở Đông Nam Á được dự báo vượt qua cột mốc 1.000 tỉ đô la vào năm 2025, tức chiếm gần 50% tổng giá trị tất cả các giao dịch thanh toán ở khu vực này vào năm đó. Dự báo này được đưa ra khi các công ty fintech nhắm đến 300 triệu người trưởng thành ở Đông Nam Á không có tài khoản ngân hàng hoặc không được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ tín dụng, đầu tư và bảo hiểm.
Năm 2014, tổng vốn đầu tư mạo hiểm rót vào các công ty fintech ở Đông Nam Á chỉ là 35 triệu đô la. Đến năm 2018, con số nhanh chóng tăng lên mức 679 triệu đô la và được dự báo leo lên mức 1,14 tỉ đô la trong năm nay.
Báo cáo trên cho biết Singapore vẫn là trung tâm thu hút vốn đầu tư fintech của khu vực. 45% số công ty fintech Đông Nam Á đang “đóng đô” ở đảo quốc Sư tử. Các công ty fintech ở Singapore cũng phân tán đồng đều hơn ở nhiều ngành, dẫn đầu là công nghệ bảo hiểm, thanh toán và tài chính cá nhân. Nếu xét về năng lực gọi vốn fintech, Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPay) dẫn đầu Đông Nam Á với các thương vụ đầu tư có giá trị tổng cộng 300 triệu đô la trong năm nay. Hồi tháng 7, DealStreetAsia đưa tin Quỹ Tầm nhìn của Tập đoàn SoftBank (Nhật Bản) cam kết đầu tư tới 200 triệu đô la vào VNPay, trong khi Quỹ đầu tư GIC của chính phủ Singapore sẽ rót 100 triệu đô la cho VNPay.
Công ty bảo hiểm Singapore Life (Singapore) đứng thứ hai với tổng vốn huy động 110,3 triệu đô la và ví điện tử MoMo, của Công ty Cổ phần Dịch vụ Di Động Trực tuyến đứng thứ ba (100 triệu đô la).
Nền tảng thanh toán điện tử đa quốc gia Akulaku (Indonesia) và Công ty kiểm toán và tài chính Deskera (Singapore) cùng thu hút được 40 triệu đô la. Tất cả 10 công ty fintech huy động được nhiều vốn nhất ở Đông Nam Á trong 9 tháng đầu năm nay đều có trụ sở ở Singapore, Việt Nam hoặc Indonesia. Các công ty fintech ở Thái Lan, Malaysia và Philippines chỉ nhận được tổng cộng chưa đến 2% tổng vốn đầu tư fintech trong khu vực, giảm so với mức 10% vào năm 2018.
Một trong những yếu tố khiến Việt Nam và Indonesia thu hút được nhiều vốn đầu tư fintech là nhiều người dân ở hai nước này vẫn chưa tiếp cận được các dịch vụ ngân hàng.
Tại Indonesia, thanh toán số phát triển rất nhanh khi những người dân không có tài khoản ngân hàng có thể dễ dàng đăng ký các dịch vụ thanh toán số thông qua smartphone đồng thời các công ty fintech cạnh tranh quyết liệt bằng cách “đốt tiền” cho các chương trình khuyến mãi.
Theo Ngân hàng trung ương Indonesia, trong 7 tháng đầu năm nay, giá trị các giao dịch thanh toán điện tử của người dân Indonesia đạt 4,9 tỉ đô la, tăng 180% so với cả năm 2018. Ví điện tử Go-Pay của hãng gọi xe Go-Jek dẫn đầu thị trường thanh toán điện tử ở Indonesia, trong khi đó ví điện tử Dana, được Ant Financial của Alibaba hậu thuẫn, đang vươn lên vị trí thứ ba.
Kelvin Teo, người đồng sáng lập nền tảng cho vay doanh nghiệp Funding Societies ở Singapore, cho biết Singapore vẫn dẫn đầu Đông Nam Á về các dịch vụ tài chính trong tương lai gần nhưng rốt cục, nhiều nước khác trong khu vực sẽ sớm bắt kịp Singapore về tốc độ phát triển của fintech.
Báo cáo của PwC Singapore, Ngân hàng UOB và Hiệp hội công nghệ tài chính Singapore nhận định một thách thức lớn đối với các công ty fintech đang có tham vọng mở rộng sự hiện diện rộng khắp trong khu vực là tìm kiếm tài năng và giữ chân họ.
Trong số 139 công ty fintech được khảo sát ở Đông Nam Á, 58% cho rằng đây là mối quan tâm hàng đầu của họ. Đa số họ cho biết tìm nhân tài sẽ mất rất nhiều thời gian.
Chia Hock Lai, Chủ tịch Hiệp hội fintech Singapore, nói: “Các công ty fintech phải cân nhắc liệu có dồi dào nhân lực có chuyên môn cao và phù hợp ở nơi mà họ muốn mở rộng kinh doanh hay không”.
Theo Nikkei Asian Review
Comments