Nghị định 25/2020/NĐ-CP (“Nghị định 25”) ngày 28/02/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư và có hiệu lực từ ngày 20/4/2020. Nghị định này thay thế cho Nghị định 30/2015/NĐ-CP, với những điểm nổi bật dưới đây:
1. Mở rộng các dự án phải thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư:
Theo Điều 1 Nghị định 25 thì các dự án thuộc nhóm dự án phải đầu thầu để lựa chọn nhà đầu tư bao gồm:
(i) Dự án đầu tư theo hình thức PPP;
(ii) Dự án đầu tư có sử dụng đất để xây dựng nhà ở thương mại; công trình thương mại, dịch vụ; công trình đa năng, tổ hợp đa năng cho mục đích kinh doanh;
(iii) Dự án phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa.
Trước đây, Nghị định 30 chỉ hạn chế các dự án phải thông qua đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư, đó là các dự án theo hình thức PPP, hoặc dự án sử dụng các khu đất, quỹ đất có giá trị thương mại cao để xây dựng công trình thuộc đô thị, khu đô thị mới; nhà ở thương mại; công trình thương mại và dịch vụ; tổ hợp đa năng.
Như vậy, nhiều khu đất trước đây không được áp dụng quy định đấu thầu về thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo Nghị định cũ thì nay có thể sẽ được áp dụng khi Nghị định 25 có hiệu lực.
2. Bổ sung điều kiện xác định dự án đầu tư có sử dụng đất
Theo Điều 11 Nghị định 25, các điều kiện để xác định một dự án là dự án đầu tư có sử dụng đất, bao gồm:
- Thuộc danh mục dự án cần thu hồi đất được duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc thuộc khu đất do Nhà nước đang quản lý, sử dụng; chương trình phát triển đô thị (nếu có) theo quy định của pháp luật về phát triển đô thị;
- Phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; quy hoạch xây dựng có tỷ lệ 1/2.000 hoặc tỷ lệ 1/500 (nếu có) hoặc quy hoạch phân khu đô thị có tỷ lệ 1/2.000 hoặc tỷ lệ 1/5.000 theo quy định của pháp luật;
- Không đủ điều kiện để tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
3. Bổ sung quy định về trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với nhà đầu tư trúng đấu thầu
- Nhằm gỡ bỏ nút thắt lớn nhất trong quy trình đấu thầu đối với dự án có sử dụng đất là giao/cho thuê đất và triển khai dự án, đặc biệt là việc có phải đấu giá quyền sử dụng đất theo luật đất đai hay không, Điều 60 của Nghị định 25 đã quy định trách nhiệm của các bên (bao gồm bên mời thầu, nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước về đất đai) trong việc thu hồi đất; phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thực hiện giải phóng mặt bằng ngay sau khi ký kết hợp đồng dự án. Đồng thời, khẳng định trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư trúng thầu được thực hiện theo trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất quy định tại Khoản 3 Điều 68 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, theo đó thủ tục sẽ áp dụng tương tự thủ tục giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.
4. Bỏ bước sơ tuyển
Tại Nghị định 30, việc sơ tuyển được áp dụng với các dự án PPP và cả dự án đầu tư có sử dụng đất. Còn tại Nghị định 25 thì đã bỏ đi bước sơ tuyển đối với dự án sử dụng đất, giúp giảm thời gian, cắt bớt các thủ tục rườm rà từ lập hồ sơ mời sơ tuyển, thẩm định phê duyệt, đến tổ chức sơ tuyển và đánh giá hồ sơ dự tuyển, giảm áp lực cho cả nhà đầu tư và cơ quan nhà nước trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư cho dự án.
5. Bổ sung quy định về ưu đãi lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP
Nghị định 25 đã bổ sung thêm trường hợp dự án áp dụng loại hợp đồng BT: nhà đầu tư thuộc đối tượng ưu đãi được trừ đi một khoản giá trị bằng 5% giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giảm giá (nếu có) vào giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giảm giá (nếu có) mà nhà đầu tư đó đề xuất để so sánh, xếp hạng.
Cập nhập bởi: Mỹ Duyên
Comments