Ngày 16/6/2022, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật sở hữu trí tuệ (“Luật SHTT 2022”), những nội dung được sửa đổi chủ yếu là liên quan đến các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ và nhằm bảo đảm pháp luật quốc gia tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam vừa trở thành thành viên như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Luật SHTT 2022 có hiệu lực từ 01/01/2023 ngoại trừ quy định về nhãn hiệu âm thanh có hiệu lực từ 14/01/2022 và quy định về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm dùng cho nông hóa phẩm có hiệu lực từ 14/01/2024.
Dưới đây LLVN cập nhật về những thay đổi liên quan đến bảo hộ sáng chế kể từ ngày 01/01/2023.
Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.
Bảo hộ sáng chế được thực hiện và tuân thủ quy trình quy định tại Luật SHTT. Liên quan đến bảo hộ sáng chế, Luật SHTT 2022 có những điểm mới sau đây:
1. Điều kiện bảo hộ: Tính mới của sáng chế
Khác với Luật SHTT 2005, kể từ ngày 01/01/2023, Luật SHTT 2022 đã quy định rõ hơn về việc xác định tính mới của sáng chế, theo đó phân chia thành 02 hình thức bộc lộ gồm bộc lộ dưới dạng tài liệu phi sáng chế (non-patent literature) và bộc lộ dưới dạng tài liệu sáng chế (patent documents)
Sáng chế được coi là có tính mới nếu không thuộc một trong hai trường hợp:
(i) Tài liệu phi sáng chế: Bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên.
(ii) Tài liệu sáng chế: Bị bộc lộ trong đơn đăng ký sáng chế khác có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn nhưng được công bố vào hoặc sau ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế đó.
2. Bổ sung cơ chế “Phản đối đơn đăng ký sáng chế”
Trước đây, theo Luật SHTT 2005, bên thứ ba bất kỳ có quyền nêu “ý kiến đối với việc cấp văn bằng bảo hộ” bằng cách nộp văn bản ý kiến theo quy định tại Điều 112. Tính chất của việc nêu “ý kiến” này không được quy định rõ là có tính tham khảo hay là điều kiện bắt buộc phải xem xét khi bảo hộ sáng chế? Đồng thời với cách quy định không giới hạn thời gian thực hiện quyền nên có thể hiểu là bên thứ ba có quyền nêu ý kiến ở bất kỳ thời điểm nào. Quy định trên đã dẫn đến quá trình xử lý đơn đăng ký sáng chế trong thực tế thường bị kéo dài hơn so với thời gian luật định, dễ dàng gặp trở ngại hơn, chưa kể tình huống bên thứ ba lạm dụng cơ chế này để gây cản trở việc cấp văn bằng bảo hộ cho chủ đơn.
Luật SHTT 2022 đã có sự thay đổi, theo đó bổ sung quy định về “Phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp” tại Điều 112a, có ý nghĩa phân biệt biệt với quyền “nêu ý kiến đối với việc cấp văn bảng bảo hộ” ở Điều 112.
Dưới đây là bảng phân tích và so sánh để giúp hiểu rõ hơn về sự khác biệt của hai cơ chế “ý kiến” và “phản đối” đăng ký sáng chế:
3. Điểm mới khi đăng ký sáng chế ra nước ngoài
Một trong những điểm mới của Luật SHTT 2022 chính là kiểm soát an ninh với các sáng chế có tác động đến quốc phòng, an ninh khi chủ đơn muốn đăng ký bảo hộ sáng chế ở nước ngoài. Cụ thể, Điều 89a Luật SHTT 2022 quy định chủ đơn phải nộp đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam để thực hiện thủ tục kiểm soát an ninh, trước khi nộp đơn đăng ký ở nước ngoài đối với các sáng chế đáp ứng đủ 03 tiêu chí sau:
(i) Sáng chế thuộc các lĩnh vực kỹ thuật có tác động đến quốc phòng, an ninh; và
(ii) Được tạo ra tại Việt Nam; và
(iii) Thuộc quyền đăng ký của cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam hoặc của tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam.
Luật SHTT 2022 nói chung và các điểm mới liên quan đến bảo hộ sáng chế theo Luật SHTT 2022 nêu trên có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2023.
Tin, bài: Cập nhật bởi LLVN.
Hình: Internet.
---------------------------
Lawlink Việt Nam (LLVN) là hãng Luật cung cấp các giải pháp pháp lý cho các doanh nghiệp, doanh nhân về ĐẦU TƯ, hoạt động doanh nghiệp & kinh doanh, Mua bán & Sáp nhập; Tranh tụng và Giải quyết tranh chấp. Chúng tôi cung cấp dịch vụ trọn gói từ các khâu tư vấn mô hình hoạt động, đến giấy phép, hợp đồng, cấu trúc vốn và thu xếp vốn, dịch vụ kế toán & thuế, và đại diện. Các ngành mà chúng tôi thực hành liên tục gồm: Bất động sản & Xây dựng, Hạ tầng, Xử lý rác thải & môi trường, Y & Dược, Giáo dục, Fintech, Nông nghiệp, Truyền thông & Xuất bản, Thương mại điện tử.
-------------------------------
𝐂𝐨𝐧𝐭𝐚𝐜𝐭 𝐮𝐬
Website: www.lawlink.com
Instagram: lawlink.vietnam
Facebook: Lawlink Vietnam
Phone: +84 908107788
Comentários