Nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong lĩnh vực y tế và dược là các nghề, công việc được quy định cụ thể tại Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành kèm theo Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH (Xem Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong lĩnh vực Y tế và Dược - file đính kèm cuối bài viết).
Trong bài viết này, LLVN cập nhật một số quy định đáng chú ý liên quan đến các chế độ áp dụng đối với người lao động ("NLĐ") làm các nghề công việc thuộc Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nêu trên (sau đây gọi tắt là "Công Việc NNĐHNH"), bao gồm (i) Liên quan đến tiền lương và phụ cấp; và (ii) Các chế độ khác.
A. Liên quan đến tiền lương và phụ cấp
1. Mức tiền lương tháng đóng BHXH
Điểm 2.6, khoản 2 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định tại khoản này không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường. Cụ thể, mức lương tháng đóng BHXH áp dụng với người làm công việc NNĐHNH được quy định như sau:
(i) NLĐ làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động NNĐHNH: phải cao hơn ít nhất 5% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường;
(ii) NLĐ làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt NNĐHNH: phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
2. Phụ cấp độc hại, nguy hiểm
(i) Đối với NLĐ làm việc trong các Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập
Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập được áp dụng theo các quy định tại Thông tư 07/2005/TT-BNV của Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc, hại nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, phụ cấp độc hại, nguy hiểm gồm 4 mức: 0,1; 0,2; 0,3 và 0,4 so với mức lương tối thiểu chung. Với mức lương cơ sở hiện hành là 1.490.000 đồng/tháng (theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP) thì mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 01/01/2023 đến ngày 30/6/2023 được áp dụng như sau:
Mức | Hệ số | Mức tiền phụ cấp |
1 | 0,1 | 149.000 đồng/tháng |
2 | 0,2 | 298.000 đồng/tháng |
3 | 0,3 | 447.000 đồng/tháng |
4 | 0,4 | 596.000 đồng/tháng |
Trong đó, việc xác định xác định NLĐ thuộc đối tượng nào thực hiện như sau:
(1) Mức 1 áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi có một trong các yếu tố độc hại, nguy hiểm sau:
Tiếp xúc trực tiếp với chất độc, khí độc, bụi độc, làm việc ở môi trường dễ bị lây nhiễm, mắc bệnh truyền nhiễm.
Làm việc trong môi trường chịu áp suất cao hoặc thiếu dưỡng khí, nơi quá nóng hoặc quá lạnh.
Những công việc phát sinh tiếng ồn lớn hoặc làm việc ở nơi có độ rung liên tục với tần số cao vượt quá tiêu chuẩn an toàn lao động và vệ sinh lao động cho phép.
Làm việc ở môi trường có phóng xạ, tia bức xạ hoặc điện từ trường vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
(2) Mức 2 áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi có hai trong các yếu tố độc hại, nguy hiểm quy định tại (1).
(3) Mức 3 áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi có ba trong các yếu tố độc hại, nguy hiểm quy định tại (1).
(4) Mức 4 áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi có các yếu tố độc hại, nguy hiểm quy định tại (1).
(ii) Đối với NLĐ làm việc trong các Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập
Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định về mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm, theo đó NLĐ và người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận về mức phụ cấp khi giao kết hợp đồng lao động.
3. Bồi dưỡng bằng hiện vật
(i) Điều kiện hưởng
Khoản 1 Điều 24 Luật Vệ sinh an toàn lao động 2015 quy định: “Người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại được người sử dụng lao động bồi dưỡng bằng hiện vật.”
Điều kiện hưởng bồi dưỡng bằng hiện vật hiện áp dụng theo quy định tại Điều 3 Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH, theo đó NLĐ cần đáp ứng đủ hai điều kiện sau:
(a) Làm các nghề, công việc thuộc Danh mục nghề, công việc NNĐHNH quy định như file đính kèm.
(b) Đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất 01 trong 02 yếu tố sau đây:
Có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại không bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế;
Tiếp xúc với ít nhất 01 yếu tố được xếp từ 4 điểm trở lên thuộc nhóm chỉ tiêu “Tiếp xúc các nguồn gây bệnh truyền nhiễm theo Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm” (số thứ tự 10.1 Mục A, Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 29/2021/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động).
Việc xác định các yếu tố nêu trên phải được thực hiện bởi tổ chức đủ điều kiện hoạt động quan trắc môi trường lao động theo quy định của pháp luật.
(ii) Mức hưởng
Hiện nay, theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH, bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền.
Tùy theo đặc điểm về điều kiện lao động, NLĐ đáp ứng điều kiện hưởng bồi dưỡng bằng hiện vật thì được hưởng theo các mức bồi dưỡng như sau:
Mức | Mức bồi dưỡng |
1 | 13.000 đồng/người/ngày |
2 | 20.000 đồng/người/ngày |
3 | 26.000 đồng/người/ngày |
4 | 32.000 đồng/người/ngày |
B. Các chế độ khác
Một số chế độ khác của NLĐ làm việc trong các nghề, công việc NNĐHNH theo quy định của pháp luật hiện hành như sau:
Chế độ | Nội dung |
Chế độ nghỉ hàng năm | 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc ĐẶC BIỆT nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. CSPL: 1 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 |
Chuyển làm công việc khác hoặc giảm giờ làm khi mang thai | Lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi. CSPL: Khoản 2 Điều 137 Bộ luật lao động |
Chế độ ốm đau | Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên. CSPL: Điều 26 Luật bảo hiểm xã hội 2014 |
Khám sức khỏe | Ít nhất 06 tháng một lần trong 01 năm CSPL: Điều 21 Luật an toàn, vệ sinh lao động |
Phương tiện bảo vệ | Được trạng bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, theo nguyên tắc: a) Đúng chủng loại, đúng đối tượng, đủ số lượng, bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; b) Không phát tiền thay cho việc trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân; không buộc người lao động tự mua hoặc thu tiền của người lao động để mua phương tiện bảo vệ cá nhân; c) Hướng dẫn, giám sát người lao động sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân; d) Tổ chức thực hiện biện pháp khử độc, khử trùng, tẩy xạ bảo đảm vệ sinh đối với phương tiện bảo vệ cá nhân đã qua sử dụng ở những nơi dễ gây nhiễm độc, nhiễm trùng, nhiễm xạ CSPL: Điều 23 Luật an toàn, vệ sinh lao động |
Chế độ nghỉ hưu | Người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.” CSPL: Điều 169 Bộ Luật lao động |
Chế độ bệnh nghề nghiệp | Được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
CSPL: Điều 44 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 |
Sử dụng người lao động cao tuổi làm công việc nặng nhọc, độc hại | Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn. CSPL: khoản 3 Điều 149 Bộ luật Lao động 2019 |
Sử dụng người lao động khuyết tật làm công việc nặng nhọc, độc hại | Chỉ được sử dụng khi có sự đồng ý của người khuyết tật sau khi đã được người sử dụng lao động cung cấp đầy đủ thông tin về công việc đó. CSPL: khoản 2 Điều 160 Bộ luật Lao động 2019 |
Tin, bài: LLVN
Hình: Internet.
-------------------------------
Lawlink Việt Nam (LLVN) là hãng Luật cung cấp các giải pháp pháp lý cho các doanh nghiệp, doanh nhân về ĐẦU TƯ, hoạt động doanh nghiệp & kinh doanh, Mua bán & Sáp nhập; Tranh tụng và Giải quyết tranh chấp. Chúng tôi cung cấp dịch vụ trọn gói từ các khâu tư vấn mô hình hoạt động, đến giấy phép, hợp đồng, cấu trúc vốn và thu xếp vốn, dịch vụ kế toán & thuế, và đại diện. Các ngành mà chúng tôi thực hành liên tục gồm: Bất động sản & Xây dựng, Hạ tầng, Xử lý rác thải & môi trường, Y & Dược, Giáo dục, Fintech, Nông nghiệp, Truyền thông & Xuất bản, Thương mại điện tử.
-------------------------------
𝐂𝐨𝐧𝐭𝐚𝐜𝐭 𝐮𝐬
Website: www.lawlink.com
Instagram: lawlink.vietnam
Facebook: Lawlink Vietnam
Phone: +84 908107788
Address: Phòng 10.2, Lầu 10, Tòa nhà Vietnam Business Center, 57-59 Hồ Tùng Mậu, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
Kommentare