Ngày 30/8/2022 Ngân hàng nhà nước (“NHNN”) đã đã ban hành Thông tư 12/2022/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp (“Thông tư 12”).
1. Khoản vay nước ngoài
Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 12, khoản vay nước ngoài (“KVNN”) là cụm từ dùng chung để chỉ:
(i) KVNN không được Chính phủ bảo lãnh (khoản tự vay, tự trả); và
(ii) KVNN được Chính phủ bảo lãnh dưới mọi hình thức vay nước ngoài thông qua hợp đồng vay, hợp đồng nhập khẩu hàng hóa trả chậm, hợp đồng ủy thác cho vay, hợp đồng cho thuê tài chính hoặc phát hành công cụ nợ trên thị trường quốc tế của bên đi vay.
Trong bài viết này, LLVN sẽ cập nhật các nội dung liên quan đến việc đăng ký, đăng ký thay đổi, chế độ báo cáo và tài khoản thực hiện KVNN của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh, hay còn gọi là KVNN tự vay tự trả (“KVNNTVTT”).
2. Chủ thể thực hiện thủ tục đăng ký, đăng ký thay đổi KVNNTVTT
Điều 14 Thông tư 12 quy định các chủ thể sau đây phải thực hiện đăng ký, đăng ký thay đổi KVNNTVTT:
(i) Bên đi vay ký kết thỏa thuận vay nước ngoài với bên cho vay là người không cư trú.
(ii) Tổ chức chịu trách nhiệm trả nợ trực tiếp cho bên ủy thác trong trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ký hợp đồng nhận ủy thác cho vay lại với bên ủy thác là người không cư trú.
(iii) Bên có nghĩa vụ trả nợ theo công cụ nợ phát hành ngoài lãnh thổ Việt Nam cho người không cư trú.
(iv) Bên đi thuê trong hợp đồng cho thuê tài chính với bên cho thuê là người không cư trú.
(v) Tổ chức kế thừa nghĩa vụ trả nợ KVNNTVTT khi bên đi vay đang thực hiện KVNNTVTT thì thực hiện chia, tách, hợp nhất hoặc sáp nhập.
(sau đây gọi chung là “Bên Đi Vay”)
3. Các loại KVNNTVTT và thời hạn phải thực hiện đăng ký
Theo quy định tại Điều 11 Thông tư 12, tùy thuộc vào thời hạn cho vay và loại khoản vay, việc đăng ký khoản vay nước ngoài được thực hiện theo nguyên tắc sau:
(i) Đối với khoản vay ngắn hạn (thời hạn cho vay tối đa 01 năm): Bên Đi Vay không phải thực hiện đăng ký khoản vay, trừ trường hợp khoản vay ngắn hạn được gia hạn hoặc khoản vay ngắn hạn đã quá hạn trên 30 ngày làm việc.
(ii) Đối với khoản vay trung hạn (thời hạn cho vay trên 01 năm và tối đa 05 năm), khoản vay dài hạn (thời hạn cho vay trên 05 năm): Bên Đi Vay phải thực hiện đăng ký khoản vay.
Trong trường hợp phải thực hiện đăng ký khoản vay, Bên Đi Vay thực hiện đăng ký trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư 12.
Theo đó, các khoản vay phải thực hiện đăng ký và thời hạn thực hiện tương ứng theo quy định tại Điều 11 và khoản 2 Điều 15 Thông tư 12 được cụ thể như sau:
4. Hồ sơ đăng ký khoản vay nước ngoài
Trong thời hạn phải thực hiện đăng ký khoản vay nêu trên, Bên Đi Vay nộp hồ sơ đăng ký khoản vay nước ngoài đến NHNN, thành phần hồ sơ cụ thể theo quy định tại Điều 16 Thông tư 12, trong đó bao gồm:
(i) Đơn đăng ký khoản vay theo mẫu tại Thông tư 12;
(ii) Bản sao hồ sơ pháp lý của Bên Đi Vay;
(iii) Các văn bản, chứng từ chứng minh Bên Đi Vay và các khoản vay nước ngoài đáp ứng điều kiện vay nước ngoài (gồm điều kiện chung và điều kiện bổ sung tương ứng đối với từng khoản vay nước ngoài cụ thể) được quy định tại Thông tư 12/2014/TT-NHNN quy định về điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh, như sau:
(a) Bản sao hoặc bản chính văn bản chứng minh mục đích vay;
(b) Bản sao tiếng nước ngoài và bản dịch tiếng Việt của:
+ Thỏa thuận vay nước ngoài và thỏa thuận gia hạn khoản vay ngắn hạn (nếu có);
+ Văn bản cam kết bảo lãnh trong trường hợp khoản vay được bảo lãnh;
(c) Văn bản giải trình về nhu cầu vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam đối với trường hợp vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam,…
5. Trình tự đăng ký khoản vay nước ngoài
** Trường hợp Bên Đi Vay không khai báo thông tin khoản vay trên Trang điện tử trước khi gửi hồ sơ đăng ký khoản vay cho NHNN, thời hạn để NHNN ban hành văn bản xác nhận hoặc từ chối xác nhận đăng ký khoản vay là trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
6. Đăng ký thay đổi và thời hạn đăng ký thay đổi KVNNTVTT
(i) Khoản 1 Điều 17 Thông tư 12 quy định khi có thay đổi bất kỳ nội dung nào liên quan đến KVNNTVTT được nêu tại văn bản xác nhận đăng ký, văn bản xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài của NHNN (“Văn Bản Xác Nhận”), Bên Đi Vay thực hiện đăng ký thay đổi KVNNTVTT với NHNN.
Thời hạn thực hiện đăng ký thay đổi KVNN: trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày có sự thay đổi theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 Thông tư 12.
(ii) Khoản 2 Điều 17 quy định về các trường hợp Bên Đi Vay chỉ cần thực hiện thông báo nội dung thay đổi trên trang điện tử của NHNN, không phải thực hiện đăng ký thay đổi KVNNTVTT, cụ thể khi có các thay đổi sau đây:
(a) Thời gian rút vốn, trả nợ gốc trong phạm vi 10 ngày làm việc so với kế hoạch đã được NHNN xác nhận;
(b) Địa chỉ của Bên Đi Vay nhưng không thay đổi tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở chính;
(c) Các thông tin liên quan về bên cho vay trong khoản vay hợp vốn có chỉ định đại diện các Bên Cho Vay, trừ trường hợp bên cho vay đồng thời là đại diện các bên cho vay trong khoản vay hợp vốn và việc thay đổi bên cho vay làm thay đổi vai trò đại diện các bên cho vay;
(d) Tên giao dịch thương mại của ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản, ngân hàng phục vụ giao dịch bảo đảm;
(e) Kế hoạch trả lãi, phí của khoản vay nước ngoài so với kế hoạch tại Văn Bản Xác Nhận nhưng không thay đổi cách xác định lãi, phí quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài;
(g) Tăng hoặc giảm số tiền rút vốn, trả nợ gốc, lãi, phí trong phạm vi 100 đơn vị tiền tệ của đồng tiền vay nước ngoài so với số tiền đã nêu trong Văn Bản Xác Nhận;
(h) Số tiền rút vốn, trả nợ gốc thực tế của một kỳ cụ thể ít hơn số tiền được nêu tại kế hoạch rút vốn, trả nợ trên Văn Bản Xác Nhận.
7. Tài khoản thực hiện khoản vay nước ngoài
(i) Tài khoản của Bên Đi Vay
Theo quy định tại Điều 26 Thông tư 12, tài khoản thực hiện khoản vay nước ngoài của Bên Đi Vay gồm: (1) tài khoản vốn đầu tư trực tiếp (DICA); hoặc (2) tài khoản vay, trả nợ nước ngoài khác. Trong đó:
(a) Trường hợp Bên Đi Vay là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, việc sử dụng tài khoản DICA và tài khoản vay, trả nợ nước ngoài khác để thực hiện khoản vay nước ngoài thực hiện như sau:
(b) Trường hợp Bên Đi Vay không phải là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thì phải mở tài khoản vay, trả nợ nước ngoài tại ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản để thực hiện các giao dịch chuyển tiền liên quan đến khoản vay nước ngoài (rút vốn, trả nợ gốc, nợ lãi).
(ii) Tài khoản của bên cho vay
Quy định về tài khoản của bên cho vay là quy định hoàn toàn mới tại Thông tư 12. Cụ thể Điều 30 Thông tư này quy định Bên cho vay được mở và sử dụng tài khoản thanh toán (bằng đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ) của người không cư trú tại 01 tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam để thực hiện giải ngân, thu hồi KVNN.
Trường hợp mở tài khoản đồng Việt Nam thì chỉ phải tuân theo mục đích và phạm vi giao dịch theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 30 Thông tư 12.
8. Báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện khoản vay
Theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Thông tư 12, Bên Đi Vay thực hiện báo cáo về tình hình thực hiện KVNNTVTT với NHNN như sau:
(i) Hình thức báo cáo: báo cáo trực tuyến tình hình thực hiện các khoản vay ngắn, trung và dài hạn tại trang điện tử của NHNN (www.qlnh-sbv.cic.org.vn). Trường hợp trang điện tử gặp lỗi kỹ thuật không thể gửi được báo cáo, Bên Đi Vay gửi báo cáo bằng văn bản theo mẫu tại Phụ lục 05 ban hành kèm theo Thông tư 12 này.
(ii) Tần suất và thời hạn gửi báo cáo: Định kỳ hàng tháng (thay vì hàng quý theo quy định trước đây), chậm nhất vào ngày 05 của tháng tiếp theo kỳ báo cáo.
Thông tư 12 có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2022, thay thế Thông tư 03/2016/TT-NHNN hướng dẫn một số nội dung về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp và các văn bản sửa đổi bổ sung Thông tư 03/2016/TT-NHNN (gồm Thông tư 05/2016/TT-NHNN và Thông tư 05/2017/TT-NHNN).
Tin, bài: Cập nhật bởi LLVN
Hình. Internet.
---------------------------
Lawlink Việt Nam (LLVN) là hãng Luật cung cấp các giải pháp pháp lý cho các doanh nghiệp, doanh nhân về ĐẦU TƯ, hoạt động doanh nghiệp & kinh doanh, Mua bán & Sáp nhập; Tranh tụng và Giải quyết tranh chấp. Chúng tôi cung cấp dịch vụ trọn gói từ các khâu tư vấn mô hình hoạt động, đến giấy phép, hợp đồng, cấu trúc vốn và thu xếp vốn, dịch vụ kế toán & thuế, và đại diện. Các ngành mà chúng tôi thực hành liên tục gồm: Bất động sản & Xây dựng, Hạ tầng, Xử lý rác thải & môi trường, Y & Dược, Giáo dục, Fintech, Nông nghiệp, Truyền thông & Xuất bản, Thương mại điện tử.
-------------------------------
𝐂𝐨𝐧𝐭𝐚𝐜𝐭 𝐮𝐬
Website: www.lawlink.com
Instagram: lawlink.vietnam
Facebook: Lawlink Vietnam
Phone: +84 908107788
Address: Phòng 10.2, Lầu 10, Tòa nhà Vietnam Business Center, 57-59 Hồ Tùng Mậu, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
Comments