Luật khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15, được thông qua ngày 30/01/2023 ("Luật KBCB 2023") bao gồm 12 chương và 121 Điều, tăng thêm 3 chương và 31 Điều so với Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 ("Luật KBCB 2009"), gồm nhiều điểm mới đáng chú ý liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người bệnh, người hành nghề và cơ sở khám bệnh chữa bệnh, điều kiện và giấy phép hành nghề, quy định về xây dựng hệ thống quản lý thông tin trong trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, việc tự đánh giá chất lượng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh,...
Trong bài viết này, LLVN sẽ cập nhật các thay đổi của Luật KBCB 2023 so với Luật KBCB 2009 liên quan đến (i) hiệu lực áp dụng, (ii) phạm vi điều chỉnh và (iii) các hành vi bị cấm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh như sau.
1. Hiệu lực áp dụng
1.1 Hiệu lực chung
Luật KBCB 2023 số 15/2023/QH15, được thông qua ngày 30/01/2023, thay thế Luật KBCB 2009 và có HIỆU LỰC THI HÀNH TỪ 01/01/2024.
1.2 Hiệu lực riêng biệt
Một số quy định có hiệu lực riêng biệt và có hiệu lực từ 2025 trở đi, gồm:
(i) Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề KBCB:
(a) Bác sỹ: từ 01/01/2027;
(b) Y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh: từ 01/01/2028;
(c) Kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng: từ 01/01/2029.
(ii) Đáp ứng năng lực tiếng Việt đối với người nước ngoài: thực hiện từ 01/01/2032.
(iii) Hạ tầng công nghệ thông tin (là Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh chữa bệnh được quy định tại Điều 112 Luật KBCB 2023):
(a) Cơ sở KBCB nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động từ 01/01/2027: thực hiện từ 01/01/2027;
(b) Cơ sở KBCB được cấp giấy phép hoạt động trước ngày 01/01/2027: thực hiện chậm nhất từ 01/01/2029.
(iv) Áp dụng tiêu chuẩn chất lượng đối với cơ sở khám bệnh chữa bệnh (là các tiêu chuẩn, yêu cầu về quản lý và chuyên môn kỹ thuật dùng làm cơ sở để đánh giá chất lượng của dịch vụ kỹ thuật hoặc của từng chuyên khoa hoặc của toàn bộ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động do Bộ y tế ban hành theo quy định tại Điều 57 Luật KBCB 2023):
(a) Bệnh viện: từ 01/01/2025;
(b) Các hình thức tổ chức khác của cơ sở KBCB: từ 01/01/2027.
2. Phạm vi điều chỉnh
So với Luật KBCB 2009, Luật KBCB năm 2023 đã bổ sung một số phạm vi điều chỉnh. Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Luật KBCB hiện nay bao gồm:
(i) Quyền và nghĩa vụ của người bệnh, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
(ii) Điều kiện đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
(iii) Điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh;
(iv) Chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh;
(v) Áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh;
(vi) Sai sót chuyên môn kỹ thuật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp trong khám bệnh, chữa bệnh.
(vii) Áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới và thử nghiệm lâm sàng; (bổ sung mới)
(viii) Khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; (bổ sung mới)
(ix) Khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận; (bổ sung mới)
(x) Chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh; (bổ sung mới)
(xi) Huy động, điều động nguồn lực phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp. (bổ sung mới)
3. Các hành vi bị cấm
3.1 Các hành vi bị cấm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh
Theo quy định trước đây, có 14 hành vi bị cấm được quy định tại Điều 6 của Luật KBCB 2009. Hiện nay, luật mới đã bổ sung thêm 07 hành vi bị cấm trong hoạt động khám bệnh chữa bệnh, nâng tổng số hành vi bị cấm là 21 hành vi được quy định cụ thể tại Điều 7 Luật KBCB 2023, cụ thể như sau:
(1) Xâm phạm quyền của người bệnh.
(2) Từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh, trừ trường hợp quy định tại Điều 40 của Luật KBCB 2023.
(3) Khám bệnh, chữa bệnh mà không đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 19 của Luật KBCB 2023.
(4) Khám bệnh, chữa bệnh không đúng phạm vi hành nghề hoặc phạm vi hoạt động được cơ quan có thẩm quyền cho phép, trừ trường hợp cấp cứu hoặc thực hiện khám bệnh, chữa bệnh theo huy động, điều động của cơ quan có thẩm quyền khi xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp.
(5) Hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ngoài thời gian, địa điểm đã đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi là đăng ký hành nghề), trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 36 của Luật KBCB 2023. (bổ sung mới)
(6) Không tuân thủ quy định về chuyên môn kỹ thuật; áp dụng phương pháp, kỹ thuật chuyên môn, sử dụng thiết bị y tế chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
(7) Kê đơn, chỉ định sử dụng thuốc chưa được cấp phép lưu hành theo quy định của pháp luật về dược trong khám bệnh, chữa bệnh. (bổ sung mới)
(8) Có hành vi nhũng nhiễu trong khám bệnh, chữa bệnh.
(9) Kê đơn thuốc, chỉ định thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, thiết bị y tế, gợi ý chuyển người bệnh tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác hoặc có hành vi khác nhằm trục lợi. (bổ sung mới)
(10) Tẩy xóa, sửa chữa hồ sơ bệnh án nhằm làm sai lệch thông tin về khám bệnh, chữa bệnh hoặc lập hồ sơ bệnh án giả hoặc lập hồ sơ bệnh án và các giấy tờ khống khác về kết quả khám bệnh, chữa bệnh.
(11) Người hành nghề bán thuốc dưới mọi hình thức, trừ các trường hợp sau đây:
(a) Bác sỹ y học cổ truyền, y sỹ y học cổ truyền, lương y bán thuốc cổ truyền;
(b) Người có bài thuốc gia truyền bán thuốc theo bài thuốc gia truyền thuộc quyền sở hữu của mình đã được đăng ký.
(12) Sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác, ma túy, thuốc lá tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc trong khi khám bệnh, chữa bệnh.
(13) Sử dụng hình thức mê tín, dị đoan trong khám bệnh, chữa bệnh.
(14) Từ chối tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh khi có thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp theo quyết định huy động, điều động của cơ quan, người có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều 47 của Luật KBCB 2023. (bổ sung mới)
(15) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
(a) Không có giấy phép hoạt động;
(b) Đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động;
(c) Không đúng phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép, trừ trường hợp cấp cứu hoặc thực hiện khám bệnh, chữa bệnh theo quyết định huy động, điều động của cơ quan, người có thẩm quyền khi xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp. (bổ sung mới)
(16) Thuê, mượn, cho thuê, cho mượn giấy phép hành nghề hoặc giấy phép hoạt động.
(17) Lợi dụng hình ảnh, tư cách của người hành nghề để phát ngôn, tuyên truyền, khuyến khích người bệnh sử dụng phương pháp khám bệnh, chữa bệnh chưa được công nhận. (bổ sung mới)
(18) Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc phá hoại, hủy hoại tài sản của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
(19) Ngăn cản người bệnh thuộc trường hợp bắt buộc chữa bệnh vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc cố ý thực hiện bắt buộc chữa bệnh đối với người không thuộc trường hợp bắt buộc chữa bệnh.
(20) Quảng cáo vượt quá phạm vi hành nghề hoặc vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; lợi dụng kiến thức y học để quảng cáo gian dối về khám bệnh, chữa bệnh.
(21) Đăng tải các thông tin mang tính quy kết về trách nhiệm của người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi xảy ra sự cố y khoa mà chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền. (bổ sung mới).
3.2 Cấm thành lập, tham gia thành lập hoặc điều hành cơ sở khám bệnh tư nhân
Trước đây, theo quy định tại khoản 13 Điều 6 Luật KBCB 2009 quy định cấm: "Cán bộ, công chức, viên chức y tế thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành bệnh viện tư nhân hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp và Luật hợp tác xã, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử tham gia quản lý, điều hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phần vốn của Nhà nước."
Hiện nay, Điều 7 Luật KBCB 2023 về các hành vi bị cấm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh không còn quy định này. Tuy nhiên, áp dụng quy định của Luật doanh nghiệp 2020, cán bộ, công chức, viên chức y tế làm việc trong ngành y tế vẫn bị cấm thành lập, quản lý doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020, cụ thể:
"Điều 17. Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp
2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;"
Như vậy, cán bộ, công chức, viên chức y tế theo quy định của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức không được thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam nếu thuộc các trường hợp quy định Luật Doanh nghiệp 2020.
LLVN sẽ tiếp tục cập nhật chi tiết các điểm mới của Luật KBCB 2023 trong các bài viết tiếp theo.
Tin, bài: Cập nhật bởi LLVN
Hình: Internet.
---------------------------
Lawlink Việt Nam (LLVN) là hãng Luật cung cấp các giải pháp pháp lý cho các doanh nghiệp, doanh nhân về ĐẦU TƯ, hoạt động doanh nghiệp & kinh doanh, Mua bán & Sáp nhập; Tranh tụng và Giải quyết tranh chấp. Chúng tôi cung cấp dịch vụ trọn gói từ các khâu tư vấn mô hình hoạt động, đến giấy phép, hợp đồng, cấu trúc vốn và thu xếp vốn, dịch vụ kế toán & thuế, và đại diện. Các ngành mà chúng tôi thực hành liên tục gồm: Bất động sản & Xây dựng, Hạ tầng, Xử lý rác thải & môi trường, Y & Dược, Giáo dục, Fintech, Nông nghiệp, Truyền thông & Xuất bản, Thương mại điện tử.
-------------------------------
𝐂𝐨𝐧𝐭𝐚𝐜𝐭 𝐮𝐬
Website: www.lawlink.com
Instagram: lawlink.vietnam
Facebook: Lawlink Vietnam
Phone: +84 908107788
Address: Phòng 10.2, Lầu 10, Tòa nhà Vietnam Business Center, 57-59 Hồ Tùng Mậu, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
Comments