top of page
Tìm kiếm
Phuong Mai

DỰ THẢO ÁN LỆ SỐ 17 LIÊN QUAN ĐẾN TIỀN KỸ THUẬT SỐ (TIỀN ẢO)

Xuất phát tử Bản án hành chính sơ thẩm số 22/2017/HC-ST ngày 21/9/2017 của Toà án nhân dân tỉnh Bến Tre về việc khiếu kiện quyết định truy thu thuế trong hoạt động mua bán tiền kỹ thuật số, một phần nội dung của bản án trên đang được đề xuất để phát triển thành án lệ.

LLVN cập nhật nội dung chính của bản án và Dự thảo án lệ như dưới đây:


1. Các bên tranh chấp: Nguyên đơn – bị đơn

Nguyên đơn: Ông Nguyễn Việt C, sinh năm 1984;

Bị đơn:

- Chi cục trưởng Chi cục thuế thành phố B;

- Cục trưởng Cục thuế tỉnh B.


2. Sự kiện pháp lý và yêu cầu khởi kiện:

(i) Sự kiện pháp lý:

Từ giữa năm 2008 đến năm 2013 Ông C tham gia mua bán tiền kỹ thuật số (tiền ảo) trên mạng Internet. Ngày 19/10/2015, Cơ quan A ban hành Công văn số 87/ANĐT đề nghị Cục T nghiên cứu xử lý vi phạm hành chính về việc truy thu thuế đối với hành vi mua bán tiền ảo trên mạng Internet của ông. Ngày 13/5/2016, ông C nhận được Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 của Chi cục trưởng Chi cục T về việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Tại phần biện pháp khắc phục hậu quả, tổng số thuế ông C phải nộp là 2.649.377.069 đồng, cụ thể: thuế giá trị gia tăng: 981.527.006 đồng, thuế thu nhập cá nhân: 1.667.850.063 đồng.

(ii) Yêu cầu khởi kiện:

Không đồng ý với các Quyết định hành chính và cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng nên ông C đã khởi kiện và đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre hủy Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 của Chi cục trưởng Chi cục thuế thành phố B và Quyết định số 1002/QĐ-CT ngày 18/5/2017 của Cục trưởng Cục thuế tỉnh B.


3. Ý kiến của nguyên đơn về yêu cầu khởi kiện

- Hình thức kinh doanh tiền ảo trên mạng Internet không vi phạm pháp luật trong giai đoạn ông C tham gia, do đây là loại hình kinh doanh mới nên pháp luật về thuế chưa kịp điều chỉnh. Vì vậy ông không thể thực hiện được chế độ chứng từ, hóa đơn cũng như không thể kê khai nộp thuế.

- Các loại tiền ảo không được coi là hàng hóa để đăng ký kinh doanh ngành Thương mại điện tử theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ nên ông đã không thể đăng ký kinh doanh được, đồng thời hình thức kinh doanh tiền ảo chưa có tên và mã ngành nghề trong hệ thống ngành nghề kinh doanh của Việt Nam. Thực trạng trên đã được xác nhận tại mục “Lý do không xử phạt hành chính” được nêu trong Quyết định 714/QĐ-CCT của Chi cục thuế thành phố B.

- Theo Thông tư 06/2012/TT-BTC thì đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng là hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam. Trong giai đoạn đó, Bộ Công thương và Chính phủ đã khẳng định tiền ảo không phải là hàng hóa. Tuy nhiên, đại diện Chi cục T và Cục T đã không xem xét mà còn tính thuế một cách bất hợp lý mặc cho ông đã gửi các tài liệu liên quan của Bộ Công Thương và Chính phủ khẳng định tiền ảo không phải là hàng hóa để họ xem xét.


4. Ý kiến của bị đơn về yêu cầu khởi kiện

Người đại diện theo ủy quyền của Chi cục trưởng Chi cục thuế thành phố B trình bày: Cơ sở pháp lý để ban hành Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 là:

- Đối tượng chịu thuế: Hoạt động kinh doanh mua bán tiền kỹ thuật số của ông C là hoạt động mua bán hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân của pháp luật thuế hiện hành.

- Doanh số tính thuế: Dựa trên kết luận của Cơ quan A, tổng doanh số không kê khai nộp thuế là: 140.218.143.677 đồng.

- Về phương pháp tính thuế: căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư 129/2008/TT-BTC và Nghị định số 123/2008/NĐ-CP.

- Xác định thuế giá trị gia tăng phải nộp: theo phương pháp khoán thuế theo biểu tỷ lệ giá trị gia tăng và biểu thu nhập chịu thuế tính trên doanh thu đối với hoạt động kinh doanh ban hành kèm theo Quyết định số 49/QĐ-CT. Việc ông C yêu cầu cơ quan thuế xác định số thuế phải nộp trên lợi nhuận thu được từ việc mua bán tiền ảo, hiện tại pháp luật về thuế không có quy định đối với trường hợp này nên cơ quan thuế không có căn cứ để xem xét giải quyết.

- Các văn bản ông C gửi để khẳng định tiền ảo không phải là hàng hóa cho cơ quan thuế để xem xét chỉ cung cấp các bản sao chụp, các bài báo không mang tính pháp lý. Mặt khác, ông C cho rằng phần thuế giá trị gia tăng phải nộp là quá cao và chưa thật sự hợp lý là đang ngầm thừa nhận loại hình kinh doanh tiền ảo của ông phải chịu thuế nhưng do cơ quan thuế yêu cầu ông nộp thuế quá cao nên ông không đồng ý.

Từ những căn cứ trên, Chi cục trưởng Chi cục thuế thành phố B cho rằng việc áp dụng quy định về thuế là đúng và không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn.


5. Lập luận của tòa án khi ra phán quyết – phần nội dung đang được đề xuất làm án lệ.

(i) Phần lập luận của toàn án- nội dung đang được đề xuất làm án lệ

[10] Xét thấy, căn cứ pháp lý để xác định ông C phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân khi mua bán tiền kỹ thuật số thì phải xem xét tiền kỹ thuật số có phải là đối tượng chịu thuế theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 như sau: “Đối tượng chịu thuế là hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam ...” cũng như theo quy định tại Điều 2 và Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 thì đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Như vậy, tiền kỹ thuật số (tiền ảo) có được pháp luật hiện hành coi là hàng hóa hay không để xác định ông C phải chịu thuế khi tham gia giao dịch mua bán trên mạng Internet. Cho đến thời điểm hiện nay, chưa có bất cứ một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định tiền kỹ thuật số (tiền ảo) là hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam. Cụ thể: theo Điều 163 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản” và theo Điều 3 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Hàng hóa bao gồm: tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai; những vật gắn liền với đất đai”. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không chấp nhận tiền ảo là tiền tệ, phương tiện thanh toán hợp pháp, đồng thời Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi phát hành, cung ứng và sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp như Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự.


[11] Ngoài ra, theo Công văn số 881/TTra ngày 15/10/2013 của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông về việc cung cấp thông tin phục vụ công và Công văn số 125/BTR-TTRA.m ngày 09/12/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Bến Tre (BL 227 và 230) đều xác định: pháp luật hiện hành không quy định ngành nghề kinh doanh nạp tiền ảo và cũng không có khái niệm tiền ảo, đến nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh về việc mua bán tiền ảo trên Internet. Công văn số 47/ĐKKD ngày 04/8/2017 của Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre từ chối việc xin đăng ký kinh doanh ngành nghề mua bán tiền điện tử của ông C, lý do: “Tiền ảo không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm và chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ”. Do pháp luật chưa có quy định về tiền ảo, tài sản ảo, tiền điện tử, vì vậy ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý đề quản lý, xử lý đối với các loại tiền ảo, tiền điện tử, tài sản ảo. Trong đó, tại khoản 4 mục II Điều 1 của Quyết định đã giao cho Bộ Tài chính xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về thuế liên quan đến tiền ảo và tài sản ảo để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành. Vì vậy, Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 của Chi cục trưởng Chi cục thuế thành phố B đã căn cứ vào Công văn số 4356/BTC-TCT ngày 01/4/2016 của Bộ Tài chính nêu: “... hoạt động mua bán tiền kỹ thuật số là hoạt động mua bán hàng hóa và được xếp vào loại hình hoạt động kinh doanh thương mại; tiền kỹ thuật số thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng và cá nhân kinh doanh tiền kỹ thuật số thuộc đối tương chịu thuế thu nhập cá nhân.” là vượt quá thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tức là Công văn số 4356/BTC-TCT ngày 01/4/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn áp dụng pháp luật vượt quá các quy định của Bộ luật, Luật, Nghị định và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, mặc nhiên công nhận tiền kỹ thuật số (tiền ảo) là hàng hóa nên được mua bán và xếp vào loại hình hoạt động kinh doanh thương mại và phải chịu thuế theo quy định là không đúng, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông C, đồng thời ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, tạo điều kiện để chuyển tiền bất hợp pháp, thanh toán, tài trợ cho các giao dịch bất hợp pháp.


[12] Bên cạnh đó tại Điều 1 của Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 của Chi cục trưởng Chi cục thuế thành phố B có nêu lý do không xử phạt hành chính: “Hình thức kinh doanh mua bán tiền kỹ thuật số trên mạng Internet là một loại hình mới phát sinh, do các văn bản hướng dẫn áp dụng thu thuế loại hình còn chậm” cũng đã thừa nhận việc mua bán tiền kỹ thuật số chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành. Mặt khác, Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 của Chi cục trưởng Chi cục thuế thành phố B đã căn cứ vào Công văn số 87/ANĐT ngày 19/10/2015 của Cơ quan A-Công an tỉnh Bến Tre để tính tổng doanh số mua bán tiền ảo không kê khai nộp thuế là 140.218.143.677 đồng để truy thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân là 2.649.377.069 đồng là không chính xác, bởi lẽ Công văn số 87/ANĐT ngày 19/10/2015 của Cơ quan A là văn bản chỉ mang tính chất tham khảo, là kết quả thu thập chứng cứ, tài liệu theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự nhằm xác định có đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự hay không? Số tiền ông C tham gia mua bán tiền ảo nhằm để xác định định lượng số tiền phạm pháp hoặc thu lợi bất chính chứ không phải làm căn cứ để tính thuế giá trị gia tăng hay thuế thu nhập cá nhân theo quy định. Do đó, ông C khởi kiện yêu cầu hủy Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 của Chi cục trưởng Chi cục thuế thành phố B và các quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan là có cơ sở nên được chấp nhận.”


(ii) Phán quyết

Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Ông C, tuyên xử: hủy Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 của Chi cục trưởng Chi cục thuế thành phố B về việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả và Quyết định số 1002/QĐ- CT ngày 18/5/2017 của Cục trưởng Cục thuế tỉnh B về việc giải quyết khiếu nại của ông Nguyễn Việt C.


Thông tin về quy trình hình thành nên án lệ từ nội dung Bản án số 22/2017/HC-ST

Theo quy định tại Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, dự thảo án lệ sẽ trải qua các thủ tục sau đây để trở thành một án lệ:

Bước/Giai đoạn

Thủ tục thực hiện

Cơ quan thực hiện

Ghi chú

1

Lấy ý kiến đối với Dự thảo án lệ được đề xuất từ nội dung Bản án số 22/2017/HC-ST (Dự thảo án lệ số 17)

Tòa án nhân dân tối cao

Trong vòng 30 ngày kể từ ngày đăng tải Bản án số 22/2017/HC-ST trên Cổng thông tin điện tử của TANDTC, thì Tòa án, chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, cá nhân, cơ quan, tổ chức quan tâm tham gia ý kiến đối với Dự thảo án lệ số 17 - Hiện nay đã hết hạn ý kiến.

2

Lấy ý kiến Hội đồng tư vấn án lệ

Chủ tịch Hội đồng tư vấn án lệ

Việc lấy ý kiến này thực hiện thông qua phiên họp thảo luận trực tiếp hoặc bằng văn bản. Chủ tịch Hội đồng quyết định phương thức lấy ý kiến và báo cáo kết quả tư vấn cho Chánh án TANDTC.

3

Thông qua án lệ

Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

Hội đồng Thẩm phán TANDTC thảo luận, biểu quyết thông qua án lệ trong phiên họp do Chánh án TANDTC tổ chức. Quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC phải được quá nửa tổng số thành viên Hội đồng Thẩm phán biểu quyết tán thành. Kết quả biểu quyết được ghi nhận vào biên bản của phiên họp.

4

Công bố án lệ

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao

Sau khi Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua, Chánh án TANDTC ban hành quyết định công bố án lệ.

Tin, bài: Cập nhật bởi LLVN.

Hình: Internet.


---------------------------

Lawlink Việt Nam (LLVN) là hãng Luật cung cấp các giải pháp pháp lý cho các doanh nghiệp, doanh nhân về ĐẦU TƯ, hoạt động doanh nghiệp & kinh doanh, Mua bán & Sáp nhập; Tranh tụng và Giải quyết tranh chấp. Chúng tôi cung cấp dịch vụ trọn gói từ các khâu tư vấn mô hình hoạt động, đến giấy phép, hợp đồng, cấu trúc vốn và thu xếp vốn, dịch vụ kế toán & thuế, và đại diện. Các ngành mà chúng tôi thực hành liên tục gồm: Bất động sản & Xây dựng, Hạ tầng, Xử lý rác thải & môi trường, Y & Dược, Giáo dục, Fintech, Nông nghiệp, Truyền thông & Xuất bản, Thương mại điện tử.


-------------------------------

𝐂𝐨𝐧𝐭𝐚𝐜𝐭 𝐮𝐬

Website: www.lawlink.com

Instagram: lawlink.vietnam

Facebook: Lawlink Vietnam

Phone: +84 908107788

Address: Phòng 10.2, Lầu 10, Tòa nhà Vietnam Business Center, 57-59 Hồ Tùng Mậu, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

72 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page