top of page
Tìm kiếm

LÀM THẾ NÀO ĐỂ XÁC ĐỊNH TÒA ÁN CÓ THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT MỘT TRANH CHẤP CỤ THỂ?

Đã cập nhật: 29 thg 6, 2023

Nguyên tắc xác định thẩm quyền của tòa án: Để xác định thẩm quyền của tòa án, cần trải qua các bước theo thứ tự sau:


1. Bước 1: Xem xét loại vụ việc đang tranh chấp có thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án hay không: Theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015 (sau đây gọi tắt là BLTTDS) tòa án nhân có quyền giải quyết các tranh chấp được chia thành các nhóm lớn như sau:

- Tranh chấp dân sự (Điều 26 BLTTDS): ví dụ như tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự, thừa kế, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, tranh chấp đất đai, quyền sở hữu đối với tài sản...

- Tranh chấp về hôn nhân gia đình (Điều 28 BLTTDS): ví dụ như ly hôn, nuôi con, chia tài sản chung – riêng của vợ chồng, cấp dưỡng…

- Tranh chấp kinh doanh, thương mại (Điều 30 BLTTDS): ví dụ tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận, tranh chấp giữa các thành viên công ty với nhau, tranh chấp giữa công ty với người quản lý….

- Tranh chấp lao động (Điều 32 BLTTDS): ví dụ tranh chấp xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, về bảo hiểm xã hội…



2. Bước 2: Xác định thẩm quyền theo cấp: Khi vụ việc tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án thì cần xác định tòa án cấp nào sẽ có thẩm quyền. Ở giai đoạn xét xử sơ thẩm tranh chấp dân sự nói chung, có 2 cấp tòa án là tòa án cấp huyện và tòa án cấp tỉnh. Nguyên tắc xác định thẩm quyền theo cấp được căn cứ vào loại tranh chấp cụ thể, dựa vào đó thì sẽ xác định được tòa án cấp nào sẽ có thẩm quyền xét xử. Thẩm quyền theo cấp được quy định chi tiết tại Điều 35 đến Điều 38 BLTTDS.


3. Bước 3: Xác định thẩm quyền theo lãnh thổ: Khi đã xác định được cấp của tòa án có thẩm quyền thì sẽ xác định ở cấp tòa án đó, Tòa án cụ thể nào có thẩm quyền, gọi là thẩm quyền theo lãnh thổ, cụ thể được quy định tại Điều 39 BLTTDS. Ví dụ, trong Tòa cấp huyện ở TP Hồ Chí Minh sẽ có tòa án các quận/huyện khác nhau (như quận 1, Gò Vấp, huyện Củ Chi…), khi đó cần phải xác định tòa án quận/huyện cụ thể nào là tòa có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.


- Theo quy định tại Điều 39.1 BLTTDS, các nguyên tắc xác định thẩm quyền theo lãnh thổ gồm:

(i) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức sẽ có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

(ii) Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.


- Một số ngoại lệ của nguyên tắc xác định thẩm quyền theo lãnh thổ:

(i) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức để giải quyết tranh chấp (Điều 39.1b BLTTDS)

(ii) Thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn (Điều 40.1): Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp trong các trường hợp sau đây:


§ Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;

§ Nếu các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở ở nhiều nơi khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi một trong các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;

§ Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết;

§ Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;

§ Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết;

§ Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác đối với người lao động thì nguyên đơn là người lao động có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết;

§ Nếu tranh chấp phát sinh từ việc sử dụng lao động của người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi người sử dụng lao động là chủ chính cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi người cai thầu, người có vai trò trung gian cư trú, làm việc giải quyết;

§ Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết;

§ Nếu tranh chấp bất động sản mà bất động sản có ở nhiều địa phương khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi có một trong các bất động sản giải quyết.


Các bước xác định nêu trên đã được tóm tắt ngắn gọn trong sơ đồ dưới đây:



-------------------------

Lawlink Việt Nam (LLVN) là hãng Luật cung cấp các giải pháp pháp lý cho các doanh nghiệp, doanh nhân về ĐẦU TƯ, hoạt động doanh nghiệp & kinh doanh, Mua bán & Sáp nhập; Tranh tụng và Giải quyết tranh chấp. Chúng tôi cung cấp dịch vụ trọn gói từ các khâu tư vấn mô hình hoạt động, đến giấy phép, hợp đồng, cấu trúc vốn và thu xếp vốn, dịch vụ kế toán & thuế, và đại diện. Các ngành mà chúng tôi thực hành liên tục gồm: Bất động sản & Xây dựng, Hạ tầng, Xử lý rác thải & môi trường, Y & Dược, Giáo dục, Fintech, Nông nghiệp, Truyền thông & Xuất bản, Thương mại điện tử.


-----------------------

𝐂𝐨𝐧𝐭𝐚𝐜𝐭 𝐮𝐬

Website: www.lawlink.com

Instagram: lawlink.vietnam

Facebook: Lawlink Vietnam

Phone: +84 908107788

Address: Aqua 1, Vinhomes Golden River, 02 Tôn Đức Thắng, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh


598 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page