top of page

NGHỊ ĐỊNH 102/2025/NĐ-CP: TỔNG HỢP NHỮNG ĐIỂM MỚI QUAN TRỌNG VỀ QUẢN LÝ DỮ LIỆU Y TẾ


Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2025/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2025, đánh dấu một bước tiến pháp lý quan trọng trong việc quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu y tế tại Việt Nam.

 

Nghị định này tạo ra một hành lang pháp lý thống nhất ở cấp Chính phủ, thay thế cho các quy định còn phân tán ở cấp Thông tư của Bộ Y tế trước đây, và được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số ngành y.

 

Đây là lần đầu tiên, một văn bản ở cấp Nghị định của Chính phủ được ban hành để quy định toàn diện về dữ liệu y tế. Trước đây, chưa có việc quy định thống nhất quản lý dữ liệu y tế, mà chỉ có các quy định rời rạc về việc quản lý hồ sơ bệnh án điện tử theo các Thông tư của Bộ Y tế như Thông tư số 46/2018/TT-BYT và gần đây là Thông tư số 13/2025/TT-BYT.

 

1. Thiết lập cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế

Nghị định chính thức hóa việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, do Bộ Y tế là cơ quan chủ quản. Đây là một điểm mới mang tính nền tảng, hướng tới việc tập trung hóa, quản lý và khai thác hiệu quả nguồn dữ liệu y tế khổng lồ của cả nước. Cơ sở dữ liệu này sẽ bao gồm dữ liệu từ 24 lĩnh vực y tế khác nhau, từ y tế dự phòng, khám chữa bệnh, dược, mỹ phẩm đến dân số và bảo hiểm y tế.

24 lĩnh vực y tế được phản ánh thông tin gồm:

1. Thông tin về y tế dự phòng.

2. Thông tin về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực y tế.

3. Thông tin về khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng.

4. Thông tin về giám định y khoa, pháp y, pháp y tâm thần.

5. Thông tin về y, dược cổ truyền.

6. Thông tin về dược.

7. Thông tin về mỹ phẩm.

8. Thông tin về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành y tế.

9. Thông tin về thiết bị y tế.

10. Thông tin về cơ sở hạ tầng y tế.

11. Thông tin về dân số.

12. Thông tin về sức khỏe bà mẹ - trẻ em, sức khỏe sinh sản.

13. Thông tin về bảo hiểm y tế.

14. Thông tin về truyền thông, giáo dục sức khỏe trong y tế.

15. Thông tin về khoa học, công nghệ trong lĩnh vực y tế.

16. Thông tin về hợp tác quốc tế trong y tế.

17. Thông tin về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số y tế.

18. Thông tin về tài chính y tế.

19. Thông tin về thanh tra y tế.

20. Thông tin về nhân lực y tế.

21. Thông tin về đào tạo nhân lực y tế.

22. Thông tin về thủ tục hành chính trong ngành y tế.

23. Thông tin về các văn bản pháp quy, văn bản quản lý, điều hành trong ngành y tế.

24. Thông tin về các cơ sở y tế.

 

2. Sử dụng số định danh cá nhân làm Mã Định Danh Y Tế duy nhất

Một trong những điểm mới mang tính đột phá nhất là quy định sử dụng số định danh cá nhân (số trên thẻ Căn cước công dân) làm mã định danh y tế duy nhất cho mỗi người dân (Điều 6 Nghị định 102/2025/NĐ-CP).


Điều này giúp liên thông, đồng bộ thông tin sức khỏe của một cá nhân qua các lần khám chữa bệnh ở những cơ sở y tế khác nhau, giải quyết tình trạng mỗi bệnh viện có một mã bệnh nhân riêng như trước đây.

 

3. Sổ Sức Khỏe Điện Tử tích hợp trên VNeID, thay thế giấy tờ truyền thống

Nghị định tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc triển khai Sổ sức khỏe điện tử và tích hợp trên ứng dụng định danh quốc gia (VNeID).


Sổ sức khỏe điện tử là ứng dụng hoặc phần mềm công nghệ thông tin để cập nhật, hiển thị, tra cứu, lưu trữ thông tin tóm tắt quá trình phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của cá nhân (khoản 3 Điều 3 Nghị định 102/2025/NĐ-CP).


Theo đó, người dân có thể sử dụng Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID để thay thế các loại giấy tờ liên quan khi đi khám, chữa bệnh và thực hiện các thủ tục chăm sóc sức khỏe. Đây là một bước tiến vượt bậc trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, mang lại sự thuận tiện tối đa cho người dân.

 

4. Khẳng định giá trị pháp lý của Dữ Liệu Y Tế Điện Tử

Nghị định quy định rõ, dữ liệu chủ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế có giá trị sử dụng chính thức, tương đương với văn bản giấy do cơ quan có thẩm quyền cung cấp (khoản 3 Điều 10).

Quy định này gỡ bỏ rào cản tâm lý và pháp lý cuối cùng cho việc chuyển đổi hoàn toàn sang sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử, thúc đẩy các cơ sở y tế mạnh dạn đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin.

 

5. Quy định rõ ràng về chủ thể được quyền sử dung, chia sẻ Dữ Liệu Y Tế Điện Tử

Trong mối quan hệ với Luật Dữ liệu 2024, Nghị định đã quy định rõ việc tuân thủ pháp luật đồng thời khi khai thác dữ liệu y tế điện tử là: “Thực hiện theo quy định tại các Điều 16, 17 và 21 Luật Dữ liệu và các quy định của Nghị định này”.


Trong đó, Điều 10 đã quy định các chủ thể có quyền sử dụng, khai thác dữ liệu y tế với phạm vi sử dụng dữ liệu như sau:

-       Cơ quan Đảng, Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác và sử dụng dữ liệu y tế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức đó.

-       Chủ thể dữ liệu được khai thác và sử dụng dữ liệu y tế phản ánh về chủ thể dữ liệu đó

-       Tổ chức và cá nhân khác, không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này được khai thác và sử dụng dữ liệu y tế như sau: tự do khai thác và sử dựng dữ liệu mở về y tế; khai thác và sử dụng dữ liệu cá nhân khi được sự đồng ý của đơn vị quản lý, duy trì dữ liệu và cá nhân là chủ thể dữ liệu được khai thác; khai thác và sử dụng dữ liệu khác khi được sự đồng ý của đơn vị quản lý, duy trì dữ liệu.

 

6. Quy định trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh trong quản lý dữ liệu y tế.

Đối với Sổ sức khỏe điện tử: Kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu y tế liên quan với sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng định danh quốc gia.

 

Đối với dữ liệu của cơ sở y tế: Kết nối, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu của đơn vị với Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, cơ sở dữ liệu của Bộ Y tế, cơ sở dữ liệu về y tế của địa phương.


Phạm vi dữ liệu bao gồm gồm:

-       Thông tin về các cơ quan, tổ chức (là CS KBCB): a) Thông tin danh tính điện tử của cơ quan, tổ chức; b) Hình thức tổ chức; c) Thông tin về phạm vi hoạt động, phạm vi cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực y tế.

-       Thông tin về nhân lực y tế (của CS KBCB): a) Thông tin cơ bản của cá nhân; b) Thông tin về quá trình đào tạo, bồi dưỡng; c) Thông tin về chứng chỉ hành nghề.

-       Thông tin cơ bản về dược, thiết bị y tế: a) Thông tin định danh; b) Thông tin lưu hành.

-       Thông tin sức khỏe của cá nhân (người bệnh khám bệnh tại CS KBCB):

a) Mã định danh y tế của cá nhân;

b) Thông tin cơ bản của cá nhân;

c) Thông tin về chứng sinh, khai sinh;

d) Thông tin về bảo hiểm y tế;

đ) Các thông tin về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của cá nhân;

e) Thông tin báo tử, khai tử.



Bài viết: Bởi LLVN.

Hình minh họa: Internet


-------------------------------

Lawlink Việt Nam (LLVN) là hãng Luật cung cấp các giải pháp pháp lý cho các doanh nghiệp, doanh nhân về ĐẦU TƯ, hoạt động doanh nghiệp & kinh doanh, Mua bán & Sáp nhập; Tranh tụng và Giải quyết tranh chấp. Chúng tôi cung cấp dịch vụ trọn gói từ các khâu tư vấn mô hình hoạt động, đến giấy phép, hợp đồng, cấu trúc vốn và thu xếp vốn, dịch vụ kế toán & thuế, và đại diện. Các ngành mà chúng tôi thực hành liên tục gồm: Bất động sản & Xây dựng, Hạ tầng, Xử lý rác thải & môi trường, Y & Dược, Giáo dục, Fintech, Nông nghiệp, Truyền thông & Xuất bản, Thương mại điện tử.

 

-------------------------------

𝐂𝐨𝐧𝐭𝐚𝐜𝐭 𝐮𝐬

Instagram: lawlink.vietnam

Facebook: Lawlink Vietnam


 
 
 

Komentar


bottom of page