Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế (“Nghị định 35”) được ban hành và có hiệu lực từ ngày 15/7/2022. Nghị định 35 thay thế Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về cùng vấn đề. Với cơ chế mới, Nghị định 35 đã có những chính sách mới, góp phần tạo thêm cơ hội cho sự phát triển của khu công nghiệp, khu kinh tế - Ngành bất động sản công nghiệp.
Các điểm mới và nổi bật của Nghị định 35 được LLVN tổng hợp như dưới đây:
1. Liên quan đến thành lập Dự án Khu công nghiệp, khu kinh tế
Thứ nhất, bổ sung các loại hình khu công nghiệp, khu tinh tế mới tại khoản 4, khoản 6, khoản 17 Điều 2 Nghị định 35 bao gồm:
Loại hình khu công nghiệp chuyên ngành. Theo đó Khu công nghiệp chuyên ngành là khu công nghiệp chuyên sản xuất và cung ứng dịch vụ cho sản xuất sản phẩm thuộc một ngành, nghề cụ thể; có tối thiểu 60% diện tích đất công nghiệp của khu công nghiệp được sử dụng để thu hút các dự án đầu tư thuộc ngành, nghề này
Loại hình khu công nghiệp công nghệ cao. Theo đó, Khu công nghiệp công nghệ cao là khu công nghiệp thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ thông tin thuộc Danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ, cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, pháp luật về khoa học và công nghệ, dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, giáo dục và đào tạo; có tối thiểu 30% diện tích đất công nghiệp của khu công nghiệp được sử dụng để thu hút các dự án đầu tư này.
Khu phi thuế quan trong khu kinh tế. Theo đó khu phi thuế quan trong khu kinh tế là khu phi thuế quan được xác định trong quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế.
Thứ hai, sửa đổi các quy định về lập quy hoạch dự án khu công nghiệp theo hướng đổi mới để phù hợp với Luật quy hoạch:
Phân loại cụ thể các loại quy hoạch xây dựng khu công nghiệp tại khoản 1 Điều 7 bao gồm quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. Theo đó, Quy hoạch chung và Quy hoạch phân khu được dùng làm cơ sở để lập quy hoạch chi tiết, báo cáo tiền khả thi dự án hạ tầng, quyết định chủ trương đầu tư dự án hạ tầng và các thủ tục khác để thành lập dự án.
Khoản 4 Điều 7 Nghị định 35 quy định rõ các trường hợp không cần lập nhiệm vụ quy hoạch gồm lập quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp tại khu vực đã có quy hoạch chung xây dựng hoặc quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế đã được phê duyệt; lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp tại khu vực đã có quy hoạch phân khu xây dựng được phê duyệt.
Thứ ba, bổ sung điều kiện đầu tư hạ tầng khu công nghiệp tại Điều 9 Nghị định 35, cụ thể, các khu công nghiệp và khu kinh tế phải giành ít nhất 5ha hoặc 3% diện tích đất công nghiệp cho phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, trừ trường hợp đầu tư loại hình khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp công nghệ cao.
Thứ tư, đảm bảo khu nhà ở cho người lao động trong đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụ thể tại khoản 7 Điều 9 Nghị định 35 quy định, dự án hạ tầng khu công nghiệp phải có quy hoạch xây dựng khu nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động. Tại khoản 8 Điều 9 Nghị định 35 cũng đề cập đến một trong những điều kiện mở rộng khu công nghiệp (trên cơ sở khu công nghiệp đã được thành lập trước đó) là đã xây dựng, đưa vào sử dụng khu nhà ở và công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp theo quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Thứ năm, rút gọn hồ sơ thành lập khu kinh tế. Cụ thể, hồ sơ thành lập khu kinh tế tại Điều 15 Nghị định 35, không còn yêu cầu các thành phần hồ sơ như (i) Dự kiến tổng mức đầu tư, các phương thức huy động vốn để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng khu kinh tế; thời điểm thành lập khu kinh tế; kế hoạch, lộ trình đầu tư xây dựng và phát triển khu kinh tế, và (ii) Đánh giá về vấn đề bảo vệ môi trường, bao gồm: Đánh giá tổng thể chung về các tác động tích cực, tiêu cực đến môi trường; xác định các thành phần môi trường, kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng và mức độ tác động khi thành lập khu kinh tế; xây dựng giải pháp bảo vệ môi trường khi khu kinh tế đi vào hoạt động; các nội dung khác (nếu có) theo quy định pháp luật về môi trường; đánh giá về bảo đảm quốc phòng, an ninh, so với quy định cũ tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP.
Thứ sáu, về năng lực của nhà đầu tư, Nghị định 35 bổ sung quy định điều kiện về năng lực của nhà đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp tại Điều 10, bao gồm đáp ứng diều kiện quy định tại pháp luật về kinh doanh bất động sản, pháp luật về đất đai và có đủ khả năng góp vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án.
2. Liên quan đến quản lý, vận hành khu công nghiệp, khu kinh tế
Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế được giao nhiệm vụ, được ủy quyền cụ thể trên từng loại hình, công việc gần như “một cửa” nhưng cụ thể hơn trước đây, như sau:
Được Ủy Ban Nhân Dân cấp tỉnh ủy quyền quyết định việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp nằm trên địa bàn hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên; cấp, điều chỉnh, gia hạn, cấp lại, thu hồi, hủy Giấy phép xây dựng; thực hiện công tác quản lý chất lượng công trình đối với dự án, công trình xây dựng trong khu công nghiệp, khu kinh tế (Điều 7 Nghị định 35);
Được Bộ Công Thương ủy quyền xác nhận xuất xứ hàng hóa, cụ thể cấp các loại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho hàng hóa sản xuất tại khu công nghiệp, khu kinh tế và các giấy phép, chứng chỉ, chứng nhận khác trong khu công nghiệp, khu kinh tế (Điều 57 Nghị định 35);
Được Bộ Tài nguyên và môi trường ủy quyền tổ chức, thực hiện thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp, cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, thu hồi giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế (khoản 3 Điều 68 Nghị định 35);
Được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ủy quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động, như nhận báo cáo về việc cho thôi việc nhiều người lao động, tiếp nhận báo cáo giải trình của doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế về nhu cầu sử dụng người nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người Việt Nam chưa đáp ứng được (Điều 60 Nghị định 35).
Nghị định 35 với những thay đổi nổi bật sẽ đóng góp quan trọng trong việc định hướng phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế tại Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.
Tin, bài: Cập nhật bởi LLVN.
Hình: Internet.
---------------------------
Lawlink Việt Nam (LLVN) là hãng Luật cung cấp các giải pháp pháp lý cho các doanh nghiệp, doanh nhân về ĐẦU TƯ, hoạt động doanh nghiệp & kinh doanh, Mua bán & Sáp nhập; Tranh tụng và Giải quyết tranh chấp. Chúng tôi cung cấp dịch vụ trọn gói từ các khâu tư vấn mô hình hoạt động, đến giấy phép, hợp đồng, cấu trúc vốn và thu xếp vốn, dịch vụ kế toán & thuế, và đại diện. Các ngành mà chúng tôi thực hành liên tục gồm: Bất động sản & Xây dựng, Hạ tầng, Xử lý rác thải & môi trường, Y & Dược, Giáo dục, Fintech, Nông nghiệp, Truyền thông & Xuất bản, Thương mại điện tử.
-------------------------------
𝐂𝐨𝐧𝐭𝐚𝐜𝐭 𝐮𝐬
Website: www.lawlink.com
Instagram: lawlink.vietnam
Facebook: Lawlink Vietnam
Phone: +84 908107788
Comments