top of page
Phuong Mai

ĐIỂM MỚI CỦA NGHỊ ĐỊNH 85/2021/NĐ-CP VỀ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Ngày 25/9/2021, Chính phủ đã ban Nghị định 85/2021/NĐ-CP để sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử (“TMĐT”). Nghị định 85/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.


Lawlink Vietnam cập nhật chi tiết một số điểm mới của Nghị định 85/2021/NĐ-CP so với Nghị định 52/2013/NĐ-CP như sau:




1. Xác định rõ các hoạt động TMĐT không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 85/2021/NĐ-CP


Trước đây, Nghị định 52/2013/CP-NĐ chỉ quy định chung chung về phạm vi điều chỉnh là “các hoạt động phát triển, ứng dụng và quản lý hoạt động TMĐT”. Việc quy định như vậy sẽ dễ dẫn đến những chồng chéo đối với những quy định của pháp luật chuyên ngành khác cũng hoạt động TMĐT trong thời gian vừa qua.


Nghị định 85/2021/NĐ-CP quy định rõ nét hơn về phạm vi áp dụng của Nghị định này để khắc phục và hạn chế vấn đề nói trên. Cụ thể, các hoạt động TMĐT đã được quy định tại pháp luật chuyên ngành sẽ không thuộc phạm vi áp dụng của Nghị định này, bao gồm: dịch vụ tài chính, ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm, xổ số; mua bán, trao đổi tiền, vàng, ngoại hối và các phương tiện thanh toán khác; dịch vụ đặt cược hoặc trò chơi có thưởng; dịch vụ phân phối, phát hành sản phẩm nội dung thông tin số, dịch vụ phát thanh, truyền hình.


2. Thu hẹp đối tượng phải thực hiện thông báo với Bộ Công Thương khi thiết lập website TMĐT


Trước đây, Nghị định 52/2013/NĐ-CP yêu cầu tất cả cá nhân, tổ chức thiết lập website TMĐT bán hàng phải thực hiện thủ tục thông báo với Bộ Công Thương.


Tuy nhiên theo Nghị định 85/2021/NĐ-CP hiện nay thì việc thông báo này chỉ yêu cầu đối với website TMĐT bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến. Như vậy, kể từ thời điểm Nghị định này có hiệu lực thì các website đơn giản, không có chức năng đặt hàng trực tuyến hoặc chỉ đơn thuần là giới thiệu doanh nghiệp, sản phẩm dịch vụ đang cung cấp thì không bắt buộc phải thực hiện thủ tục thông báo thiết lập website với Bộ Công Thương.


3. Nhà đầu tư nước ngoài nếu muốn kinh doanh lĩnh vực TMĐT thì có điều kiện tiếp cận thị trường ra sao?

Nghị định 85/2021/NĐ-CP đã bổ sung những quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi hoạt động kinh doanh lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam. Cụ thể, khi hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này, nhà đầu tư nước ngoài cần đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường như sau:

  • Hình thức hoạt động kinh doanh: thành lâp tổ chức kinh tế hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp;

  • Nhà đầu tư nước ngoài thuộc trường hợp dưới đây thì phải có ý kiến chấp thuận về an ninh quốc gia của Bộ Công An khi xin cấp/điều chỉnh Giấy phép kinh doanh của:

+ Chi phối từ 01 doanh nghiệp trở lên. Chi phối được hiểu là nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên hoặc có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp hoặc có quyền quyết định các vấn đề quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; và

+ Các doanh nghiệp bị chi phối đó thuộc nhóm 05 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường dịch vụ TMĐT tại Việt Nam. 05 doanh nghiệp dẫn đầu được xác định theo danh sách do Bộ Công Thương công bố và được xác định dựa trên các tiêu chí về số lượt truy cập, số lượng người bán, số lượng giao dịch, tổng giá trị giao dịch.


Như vậy, trong trường hợp giải quyết hồ sơ của nhà đầu tư nước ngoài, Bộ Công Thương sẽ xin ý kiến chấp thuận của Bộ Công An. Do vậy quá trình xin cấp/điều chỉnh Giấy phép kinh doanh của Nhà đầu tư nước ngoài sẽ có thể phức tạp hơn, kéo dài hơn (thời hạn xin ý kiến Bộ Công an không tính vào thời hạn cho ý kiến chấp thuận hồ sơ của Bộ Công Thương theo quy định).


Lưu ý: Quy định này không áp dụng với Nhà đầu tư có hoạt động đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.


4. Mạng xã hội có được xem là sàn TMĐT?

Mạng xã hội nếu có đầy đủ đặc điểm dưới đây sẽ được xem là sàn TMĐT:

Tiêu chí

Nội dung

Hình thức hoạt động

Có một trong các hình thức hoạt động sau:

  • Cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ;

  • Cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng;

  • Có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ

Phí

Người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí khi thực hiện các hoạt động nói trên.

Như vậy các mạng xã hội lớn như Facebook, Instagram, zalo sẽ chính thức được coi là Sàn giao dịch TMĐT hoạt động tại Việt Nam và có trách nhiệm tuân thủ các quy định về hoạt động TMĐT tại Việt Nam kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.


5. Các chủ thể có hoạt động TMĐT trước ngày 01/01/2022 cần thực hiện thủ tục gì?


Đối với thương nhân, tổ chức, cá nhân có hoạt động TMĐT đã được Bộ Công Thương xác nhận thông báo, đăng ký hoạt động theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP: tiến hành sửa đổi, bổ sung thông báo, đăng ký hoạt động chậm nhất là đến ngày 30/3/2022.


Đối với thương nhân, tổ chức, cá nhân có hoạt động TMĐT đã nộp hồ sơ thông báo, đăng ký mà chưa được Bộ Công Thương xác nhận trước ngày 01/01/2022: thực hiện thông báo, đăng ký theo quy định tại Nghị định mới này.


Đối với các thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ TMĐT: thực hiện các thủ tục, nghĩa vụ theo nghị định này trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày 01/01/2022.


------------

Cập nhật bởi LLVN.


LLVN cung cấp dịch vụ pháp lý cho các nhà đầu tư, tổ chức và người dùng trong lĩnh vực Thương mại điện tử, bao gồm tư vấn giải pháp và GIẤY PHÉP, xây dựng khung pháp lý và kiểm soát tuân thủ cho hoạt động của các nền tảng TMĐT, chính sách người dùng và các hợp đồng mẫu; các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ, lao động, thuế, giao dịch và hợp đồng, đại diện tranh tụng & giải quyết tranh chấp.


Contact us

Website: www.lawlink.com

Instagram: lawlink.vietnam

Facebook: Lawlink Vietnam

Phone: +84 908107788

Address: Phòng 10.2, Lầu 10, Tòa nhà Vietnam Business Center, 57-59 Hồ Tùng Mậu, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

106 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page