LLVN cập nhật các quy định liên quan đến việc nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu để sản xuất tại Việt Nam theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương, cụ thể như sau:
1. Phế liệu nào được nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất?
Theo quy định tại khoản 27 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020, “Phế liệu là vật liệu được thu hồi, phân loại, lựa chọn từ những vật liệu, sản phẩm loại ra trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc tiêu dùng để sử dụng làm nguyên liệu cho một quá trình sản xuất khác.”
Tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương (“Nghị Định 69”) quy định về việc nhập khẩu phế liệu trong một số danh mục hàng hóa như sau:
(i) “Phế liệu, phế thải, thiết bị lạnh có sử dụng C.F.C” thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu quy định tại Phụ lục I Nghị Định 69; và
(ii) “Phế liệu” thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép, điều kiện thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài Nguyên và Môi trường (“BTNMT”) quy định tại Danh mục IV Phụ Lục III Nghị Định 69.
Khoản 1 Điều 71 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định (a) chỉ có phế liệu thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam làm nguyên liệu sản xuất do Thủ tướng Chính phủ ban hành; và (b) đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường mới được phép nhập khẩu vào Việt Nam cho mục đích làm nguyên liệu sản xuất. Theo quy định này, BTNMT đã trình danh mục và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28/2020/QĐ-TTg về Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam làm nguyên liệu sản xuất, một số loại phế liệu được phép nhập khẩu hiện nay bao gồm: sắt, thép, nhựa, thủy tinh, kim loại màu, xỉ hạt lò cao,…
Như vậy, hiện nay chỉ có các loại phế liệu đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và thuộc Danh mục nêu trên mới có thể được cấp phép nhập khẩu vào Việt Nam.
2. Điều kiện nhập khẩu phế liệu của tổ chức, cá nhân
Theo khoản 2 Điều 71 Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Điều 46 Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất phải đáp ứng các điều kiện sau:
(i) Chỉ được nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất cho cơ sở sản xuất của chính tổ chức, cá nhân đó; và
(ii) Đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, gồm:
Có cơ sở sản xuất với công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định;
Có công nghệ, thiết bị xử lý tạp chất đi kèm phế liệu nhập khẩu đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Trường hợp không có công nghệ, thiết bị xử lý tạp chất đi kèm thì phải chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp để xử lý;
Đáp ứng điều kiện về kho hoặc bãi lưu giữ phế liệu nhập khẩu;
Có giấy phép môi trường;
Ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định Luật Bảo vệ môi trường 2020 (a) trước thời điểm phế liệu được dỡ xuống cảng đối với trường hợp nhập khẩu qua cửa khẩu đường biên; hoặc (b) trước thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam đối với các trường hợp khác; và
Có văn bản cam kết về việc tái xuất hoặc xử lý phế liệu trong trường hợp phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Cập nhật bởi LLVN.
Hình: Internet.
---------------------------
Lawlink Việt Nam (LLVN) là hãng Luật cung cấp các giải pháp pháp lý cho các doanh nghiệp, doanh nhân về ĐẦU TƯ, hoạt động doanh nghiệp & kinh doanh, Mua bán & Sáp nhập; Tranh tụng và Giải quyết tranh chấp. Chúng tôi cung cấp dịch vụ trọn gói từ các khâu tư vấn mô hình hoạt động, đến giấy phép, hợp đồng, cấu trúc vốn và thu xếp vốn, dịch vụ kế toán & thuế, và đại diện. Các ngành mà chúng tôi thực hành liên tục gồm: Bất động sản & Xây dựng, Hạ tầng, Xử lý rác thải & môi trường, Y & Dược, Giáo dục, Fintech, Nông nghiệp, Truyền thông & Xuất bản, Thương mại điện tử.
-------------------------------
𝐂𝐨𝐧𝐭𝐚𝐜𝐭 𝐮𝐬
Website: www.lawlink.com
Instagram: lawlink.vietnam
Facebook: Lawlink Vietnam
Phone: +84 908107788
Comments