top of page
Phuong Mai

SAU NGHỊ QUYẾT 30/NQ-CP: ĐÃ CÓ THÔNG TƯ VỀ XÂY DỰNG GIÁ GÓI THẦU MUA SẮM TRANG THIẾT BỊ Y TẾ

Nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 04/3/ 2023 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và để tạo hành lang pháp lý trong việc xây dựng giá gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế tại các Cơ sở y tế công lập, ngày 30/6/2023, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 14/2023/TT-BYT quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập (“Thông tư 14”). Thông tư có hiệu lực áp dụng từ ngày 01/7/2023.

Bài viết dưới đây, LLVN cập nhật một số quy định đáng chú ý của Thông tư 14 như sau:

1. Những gói thầu nào được Thông tư 14 hướng dẫn xây dựng giá?

Điều 1 Thông tư 14 quy định các gói thầu liên quan đến trang thiết bị y tế như dưới đây sẽ thực hiện thủ tục đấu thầu mua sắm theo các quy định chi tiết tại Thông tư 14:

  • Mua sắm trang thiết bị y tế;

  • Mua sắm linh kiện, phụ kiện, vật tư thay thế sử dụng cho trang thiết bị y tế;

  • Dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn trang thiết bị y tế.

2. Ai phải tuân thủ quy định của Thông tư 14:

Điều 1.2 Thông tư 14 quy định các đối tượng phải tuân thủ Thông tư 14 bao gồm:

  • Cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế công lập thực hiện mua sắm các gói thầu tại liên quan đến trang thiết bị y tế như nêu tại Mục 1; và

  • Các tổ chức, cá nhân có liên quan như nhà cung cấp, đơn vị tổ chức thẩm định giá.

3. Phương pháp xác định giá gói thầu:

Điều 2 Thông tư 14 đã quy định về 03 phương pháp xác định giá gói thầu thuộc lĩnh vực này, bao gồm:

(i) Phương pháp 1: Thu thập báo giá do các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (sau đây gọi là nhà cung cấp) thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế cung cấp;

(ii) Phương pháp 2: Khảo sát giá trúng thầu của hàng hóa, dịch vụ tương tự trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (https://muasamcong.gov.vn);

(iii) Phương pháp 3: Kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định giá, doanh nghiệp thẩm định giá đối với các loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ phải thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá.

(Đây cũng chính là 03 phương pháp được nêu tại Nghị quyết 30/NQ-CP)

Đối chiếu với các quy định hiện hành về đấu thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ trong lĩnh vực y tế, cụ thể Điều 11.2 Thông tư 58/2016/TT-BTC (được sửa bổi, bổ sung bởi Thông tư 68/2022/TT-BTC) quy định về 03 phương pháp xác định giá gói thầu gồm:

(i) Tham khảo giá thị trường từ ít nhất 03 báo giá của các nhà cung cấp khác nhau trên địa bàn tại thời điểm gấn nhất (tối đa là không quá 90 ngày trước ngày trình cơ quan thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu). Nếu không đủ 03 báo giá trên địa bàn thì có thể tham khảo từ các địa bàn khác nhau hoặc từ các nguồn thông tin do cơ quan có thẩm quyền, tổ chức có tư cách pháp nhân được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam công bố (đây là phương pháp tương tự Phương pháp 1 theo Thông tư 14, tuy nhiên điểm khác biệt là Phương pháp 1 theo Thông tư 14 thì không quy định số lượng báo giá tối thiệu phải thu thập.)

(ii) Giá trúng thầu của gói thầu mua sắm loại hàng hóa tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 90 ngày (tương tự Phương pháp 2 theo Thông tư 14).

(iii) Kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định giá, doanh nghiệp thẩm định giá đối với các loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ phải thẩm định theo quy định của Luật Giá (tương tự Phương pháp 3 theo Thông tư 14).


4. Nguyên tắc áp dụng phương pháp

Điều 2.2 Thông tư 14 quy định cụ thể về thứ tự lựa chọn và áp dụng phương pháp xác định giá gói thầu như sau:

(i) Ưu tiên sử dụng Phương pháp 1.

(ii) Sử dụng Phương pháp 2, Phương pháp 3 khi và chỉ khi không thực hiện được Phương pháp 1.

Với điều kiện sử dụng từ 02 Phương pháp xác định giá gói thầu trở lên thì có thể được lựa chọn giá cao nhất, phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu về chuyên môn (Điều 2.3 Thông tư 14).


5. Cách thức thực hiện xây dựng giá gói thầu theo từng phương án đối với mua sắm trang thiết bị y tế và sử dụng dịch vụ (trong lĩnh vực trang thiết bị y tế)

*Đối với gói thầu TRANG THIẾT BỊ Y TẾ và linh kiện, phụ kiện, vật tư thay thế sử dụng cho trang thiết bị y tế - Đấu thầu mua sắm hàng hóa.

5.1 Phương án 1: Xây dựng giá gói thầu theo BÁO GIÁ CỦA NHÀ CUNG CẤP

Bước

Công việc

Kết quả/Tài liệu

Bước 1 – Thành lập hội đồng

Căn cứ tình hình thực tế, Chủ đầu tư quyết định việc thành lập Hội đồng hoặc đề nghị Sở Y tế hỗ trợ thành lập Hội đồng hoặc giao một đơn vị trực thuộc (sau đây gọi là Hội đồng) để lựa chọn danh mục, yêu cầu về tính năng và yêu cầu kỹ thuật cơ bản trên cơ sở yêu cầu về chuyên môn.

Danh mục trang thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện, vật tư thay thế sử dụng cho trang thiết bị y tế với các thông tin về tính năng, yêu cầu kỹ thuật rõ ràng, cụ thể.

Bước 2 – Đăng tải/gửi yêu cầu báo giá

Trường hợp 1: Đăng tải công khai yêu cầu báo giá khi Chủ đầu tư xác định có nhiều nhà cung cấp trên thị trường:

Căn cứ vào yêu cầu về tính năng và yêu cầu kỹ thuật cơ bản đã được xây dựng tại Bước 1, Chủ đầu tư đăng tải yêu cầu báo giá trên:

  • Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; hoặc

  • Trên cổng thông tin điện tử; hoặc

  • Trang thông tin điện tử của Chủ đầu tư hoặc Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế; hoặc

  • Cổng dịch vụ công trực tuyến về quản lý trang thiết bị y tế (https://dmec.moh.gov.vn).

Thời gian đăng tải: tối thiểu 10 ngày kể từ ngày thông tin đăng tải thành công.


Trường hợp 2: Gửi yêu cầu báo giá trực tiếp đến nhà cung cấp khi chủ đầu tư xác định số lượng nhà cung cấp hạn chế trên thị trường Việt Nam, cụ thể trong các tình huống sau:

  • Trên thị trường Việt Nam chỉ có 01 hoặc 02 nhà cung cấp thì được phép gửi trực tiếp yêu cầu báo giá đến nhà cung cấp;

  • Để bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền hoặc cần triển khai ngay gói thầu có tính cấp bách theo quy định tại Điều 22.1.a của Luật Đấu thầu (ví dụ khi lập giá gói thầu mua test, kit xét nghiệm của máy xét nghiệm của hãng A, chủ đầu tư được quyền lấy báo giá từ hãng A hoặc nhà cung cấp được hãng A chỉ định, ủy quyền).

Mẫu đăng tải yêu cầu báo giá

(xem file đính kèm).















Yêu cầu báo giá gửi trực tiếp đến bên nhận là nhà cung cấp.

Bước 3 – Lựa chọn và quyết định giá

Sau khi hết thời hạn đăng tải yêu cầu báo giá, Chủ đầu tư căn cứ số báo giá nhận được (kể cả trường hợp chỉ nhận được 01 hoặc 02 báo giá) và quyết định theo một trong các phương thức sau đây:

  • Tự quyết định lựa chọn giá gói thầu.

  • Giao Hội đồng (ở Bước 1) thực hiện việc xem xét, lựa chọn giá gói thầu để trình Chủ đầu tư xem xét, quyết định.

Trường hợp có từ 02 báo giá trở lên thì có thể được lựa chọn báo giá cao nhất, phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu về chuyên môn. – Đây là điểm mới, khác biệt của quy định lựa chọn giá so với các quy định hiện hành về đấu thầu (lựa chọn giá thấp nhất).

Lưu ý việc lựa chọn “giá cao nhất” tại bước này chỉ được chấp nhận khi đáp ứng đồng thời điều kiện chung tại Điều 2.3 Thông tư 14 là: “Chủ đầu tư sử dụng từ 02 phương pháp xác định giá gói thầu trở lên”.

Quyết định giá.

5.2 Phương án 2: Xây dựng giá gói thầu theo kết quả KHẢO SÁT GIÁ TRÚNG THẦU của hàng hóa, dịch vụ tương tự

​Bước

Công việc

Kết quả/Tài liệu

Bước 1 – Thành lập hội đồng

Chủ đầu tư lựa chọn hoặc thành lập Hội đồng để lựa chọn danh mục, yêu cầu về tính năng và yêu cầu kỹ thuật cơ bản trên cơ sở yêu cầu về chuyên môn.

Danh mục trang thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện, vật tư thay thế sử dụng cho trang thiết bị y tế với các thông tin về tính năng, yêu cầu kỹ thuật rõ ràng, cụ thể.

Bước 2 – Thực hiện rà soát giá trúng thầu

Căn cứ vào yêu cầu về tính năng và yêu cầu kỹ thuật cơ bản đã được xây dựng tại Bước 1, Chủ đầu tư thực hiện:

  • Xác định cụ thể khoảng thời gian tham khảo kết quả trúng thầu: tối đa không quá 120 ngày tính từ ngày trình phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Ví dụ: Ngày trình phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu là ngày 01/8/2023 thì thời gian 120 ngày được tính từ ngày 01/8/2023 trở về trước.

  • Thực hiện rà soát kết quả trúng thầu đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trong khoảng thời gian tham khảo kết quả trúng thầu nêu trên.

Bước 3 – Lựa chọn và quyết định giá

Sau khi hoàn thành rà soát, Chủ đầu tư tổng hợp kết quả rà soát và quyết định theo một trong các phương thức sau đây:

  • Tự quyết định lựa chọn giá gói thầu.

  • Giao Hội đồng (ở Bước 1) thực hiện việc xem xét, lựa chọn giá gói thầu để trình Chủ đầu tư xem xét, quyết định.

Trường hợp có từ 02 báo giá trở lên thì có thể được lựa chọn báo giá cao nhất, phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu về chuyên môn.

Quyết định giá.

5.3 Phương án 3: Xây dựng giá theo kết quả THẨM ĐỊNH GIÁ

Bước

Công việc

Kết quả/ Tài liệu

Bước 1 – Thành lập hội đồng

Chủ đầu tư lựa chọn hoặc thành lập Hội đồng để lựa chọn danh mục, yêu cầu về tính năng và yêu cầu kỹ thuật cơ bản trên cơ sở yêu cầu về chuyên môn.

Danh mục trang thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện, vật tư thay thế sử dụng cho trang thiết bị y tế với các thông tin về tính năng, yêu cầu kỹ thuật rõ ràng, cụ thể.

Bước 2 – Chọn đơn vị thẩm định giá

Căn cứ yêu cầu về tính năng và yêu cầu kỹ thuật cơ bản đã được xây dựng, Chủ đầu tư thực hiện lựa chọn đơn vị thẩm định giá theo quy định của pháp luật về đấu thầu (để sử dụng dịch vụ).

Các tài liệu theo quy định trong thủ tục đấu thầu.

Bước 3 – Quyết định giá

Sử dụng kết quả do cơ quan thẩm định giá cung cấp để xây dựng giá gói thầu và không phải chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định giá do đơn vị thẩm định giá cung cấp.

Quyết định giá gói thầu.

* Đối với giá gói thầu DỊCH VỤ sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn trang thiết bị y tế - Đấu thầu mua sắm dịch vụ

Quy định về xây dựng giá gói thầu dich vụ sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn trang thiết bị y tế là mới được bổ sung hướng dẫn tại Thông tư 14 (Nghị quyết 30 không đề cập đến dịch vụ liên quan đến trang thiết bị y tế).

Quy trình xác định giá đấu thầu trong mua sắm dịch vụ là giống với đấu thầu mua sắm hàng hóa (trang thiết bị y tế) ở từng phương pháp, cụ thể như sau:

  • Bước 1: Căn cứ tình hình thực tế, Chủ đầu tư quyết định việc thành lập Hội đồng để lựa chọn danh mục, chủng loại trang thiết bị y tế và khối lượng dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn trên cơ sở yêu cầu về chuyên môn và thực hiện xây dựng giá gói thầu.

  • Bước 2: Giống Bước 2 ở quy trình xây dựng giá hàng hóa theo từng phương pháp xác định giá.

  • Bước 3: Giống Bước 3 ở quy trình xây dựng giá hàng hóa theo từng phương pháp xác định giá.

6. Thời gian áp dụng các quy định về xây dựng giá gói thầu theo Thông tư 14

Với tính chất tháo gỡ vướng mắc tạm thời, Thông tư 14 là một ngoại lệ nên thời gian áp dụng bị hạn chế, chỉ áp dụng đối với các gói thầu trong khoảng thời gian từ ngày 01/7/2023 đến ngày 31/12/2023.

Điều này có nghĩa là kể từ 01/01/2024, việc xây dựng giá gói thầu trong các thủ tục đấu thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ đều phải tuân thủ quy định pháp luật về đấu thầu, tiêu biểu như:

  • Luật Đấu thầu 2013 (Luật Đấu thầu sửa đổi 2023);

  • Các văn bản hướng dẫn Luật Đấu thầu và bản sửa đổi năm 2023;

  • Thông tư số 58/2016/TT-BTC quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;

  • Thông tư 68/2022/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 58/2016/TT-BTC.

7. Một số gói thầu bị loại trừ áp dụng Thông tư 14:

  • Đối với kế hoạch lựa chọn nhà thầu (“KHLCNT”) đã được phê duyệt trước ngày 01/7/2023 thì thực hiện theo KHLCNT đã được phê duyệt.

  • Đối với KHLCNT đã được trình phê duyệt nhưng chưa được phê duyệt thì người có thẩm quyền quyết định việc (i) phê duyệt KHCLNT mà Chủ đầu tư đã trình hoặc (ii) yêu cầu Chủ đầu tư xây dựng lại giá gói thầu theo quy định tại Thông tư 14.

Tin, bài: Cập nhật bởi LLVN.

Hình: Internet.

-------------------------------

Lawlink Việt Nam (LLVN) là hãng Luật cung cấp các giải pháp pháp lý cho các doanh nghiệp, doanh nhân về ĐẦU TƯ, hoạt động doanh nghiệp & kinh doanh, Mua bán & Sáp nhập; Tranh tụng và Giải quyết tranh chấp. Chúng tôi cung cấp dịch vụ trọn gói từ các khâu tư vấn mô hình hoạt động, đến giấy phép, hợp đồng, cấu trúc vốn và thu xếp vốn, dịch vụ kế toán & thuế, và đại diện. Các ngành mà chúng tôi thực hành liên tục gồm: Bất động sản & Xây dựng, Hạ tầng, Xử lý rác thải & môi trường, Y & Dược, Giáo dục, Fintech, Nông nghiệp, Truyền thông & Xuất bản, Thương mại điện tử.


-------------------------------

𝐂𝐨𝐧𝐭𝐚𝐜𝐭 𝐮𝐬

Website: www.lawlink.com

Instagram: lawlink.vietnam

Facebook: Lawlink Vietnam

Phone: +84 908107788

Address: Phòng 10.2, Lầu 10, Tòa nhà Vietnam Business Center, 57-59 Hồ Tùng Mậu, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

44 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page