Thử nghiệm có kiểm soát – Hành trình Sandbox tại Việt Nam
- loanlelawlinkvn
- 4 giờ trước
- 5 phút đọc
PHẦN 4: HỒ SƠ THAM GIA SANDBOX – CHUẨN BỊ THẾ NÀO ĐỂ KHÔNG BỊ LOẠI?
Sandbox tài chính không phải là “sân chơi mở cửa cho tất cả”. Theo Nghị định 94/2025/NĐ-CP, để được cơ quan quản lý chấp thuận tham gia thử nghiệm, doanh nghiệp cần nộp một bộ hồ sơ đầy đủ, chi tiết, chứng minh năng lực từ ý tưởng, tài chính, kỹ thuật cho đến quản trị rủi ro. Trong vai trò cố vấn pháp lý, chúng tôi tóm lược các thành phần quan trọng và chia sẻ kinh nghiệm thực tế giúp doanh nghiệp không bị loại ngay từ vòng hồ sơ.

I. Thành phần hồ sơ cơ bản – Không được bỏ sót
1. Văn bản đề nghị tham gia thử nghiệm: Đây là phần doanh nghiệp cần ghi đầy đủ và chính xác thông tin pháp lý của doanh nghiệp (tên, địa chỉ, giấy phép thành lập, người đại diện…) đồng thời, tóm tắt sản phẩm/dịch vụ dự kiến thử nghiệm, và cam kết tuân thủ quy định sandbox.
2. Mô tả chi tiết sản phẩm/dịch vụ thử nghiệm: Phần này sẽ cần mô tả đầy đủ và kỹ lưỡng nhất về công nghệ cốt lõi, mô hình hoạt động, mức độ đổi mới, điểm khác biệt với các dịch vụ tài chính hiện có, và phạm vi thử nghiệm bao gồm các nội dung liên quan như thông tin về nhóm khách hàng, khu vực, thời gian, quy mô.
3. Phương án quản lý rủi ro - Kế hoạch bảo vệ thông tin khách hàng: Trong phần này, doanh nghiệp cần mô tả các phương án, giải pháp và hệ thống công nghệ đảm bảo an toàn và bảo mật cho hệ thống vận hành của sản phẩm và bảo vệ dữ liệu, thông tin khách hàng; đồng thời, các quy trình xử lý sự cố kỹ thuật, tranh chấp khách hàng cũng phải được thiết lập chi tiết. Khi soạn thảo phần này, doanh nghiệp sẽ cần chú ý tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật hiện hành như Luật An ninh mạng 2018, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, Luật An toàn thông tin mạng 2015, Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân,... và các quy định pháp luật hiện hành có liên quan khác.
4. Kế hoạch tài chính: Dĩ nhiên là “có thực mới vực được đạo”, một kế hoạch nguồn vốn đảm bảo vận hành trong suốt thời gian thử nghiệm, và Phương án bồi thường thiệt hại nếu xảy ra sự cố là phải có, trong đó kế hoạch phải sát với phương án kinh doanh được lập.
5. Kế hoạch kết thúc thử nghiệm: Các kế hoạch, phương án và phần cam kết xử lý dữ liệu, tài sản của khách hàng sau thử nghiệm, bao gồm: Phương án xin cấp phép chính thức (nếu thử nghiệm thành công) hoặc chấm dứt hoạt động (nếu thất bại).
II. Kinh nghiệm chuẩn bị hồ sơ – Góc nhìn thực tế
1. Hồ sơ phải “nói lên câu chuyện”
Cần tránh mắc lỗi quá tập trung vào các giải pháp công nghệ, mà quên giải thích giá trị và tác động đổi mới mà sản phẩm mang lại. Cơ quan thẩm định cần thấy được sản phẩm này giải quyết vấn đề (thực tế) gì cho thị trường, chứ không chỉ là ý tưởng “đẹp trên giấy”.
2. Đưa vào hồ sơ các bằng chứng kỹ thuật và tài chính
Không chỉ mô tả, hãy bổ sung:
Prototype, bản demo sản phẩm.
Kết quả thử nghiệm nội bộ, nếu đã có.
Báo cáo tài chính, giấy tờ chứng minh năng lực vốn.
Hợp đồng bảo hiểm rủi ro, nếu có.
3. Làm nổi bật đội ngũ sáng lập
Ban thẩm định sẽ rất quan tâm đến năng lực đội ngũ nhân sự của dự án, vì vậy, hồ sơ nên có:
Thông tin tóm tắt về đội ngũ chủ chốt.
Kinh nghiệm thực tế, các dự án fintech đã triển khai, và kết quả/bài học (gồm cả thành công và thất bại).
Đối tác công nghệ hoặc đối tác tài chính (nếu có và nên có).
III. Những lỗi thường gặp – Tránh để không bị loại sớm
1. Hồ sơ thiếu chi tiết, chỉ dừng ở ý tưởng
Nghị định 94/2025/NĐ-CP không chấp nhận các ý tưởng chưa qua thử nghiệm nội bộ, chưa có sản phẩm khả thi tối thiểu (MVP).
2. Không chứng minh được năng lực tài chính
Nếu doanh nghiệp không chứng minh được đủ vốn để vận hành toàn bộ thử nghiệm (thường từ 12–24 tháng), khả năng bị loại là rất cao.
3. Phương án quản lý rủi ro sơ sài
Không chỉ bảo mật dữ liệu, doanh nghiệp còn phải tính đến rủi ro tài chính, rủi ro pháp lý, rủi ro vận hành… Nếu hồ sơ chỉ thể hiện sơ sài phần này, kiểu “chúng tôi sẽ cẩn thận” mà không có giải pháp, phương án, quy trình, cụ thể thì dù các phần trên chuẩn bị tốt, cũng khó qua cửa duyệt.
4. Không tuân thủ hình thức hồ sơ, thiếu chữ ký, thiếu xác nhận
Sai sót hành chính nhỏ cũng có thể khiến hồ sơ bị loại. Nên việc rà soát kỹ lưỡng hồ sơ trước khi nộp là việc PHẢI làm, không nên chủ quan.
IV. Gợi ý chiến lược từ luật sư
Chuẩn bị hồ sơ kỹ như (thậm chí cần kỹ hơn) chuẩn bị hồ sơ gọi vốn: Sandbox là một cuộc “thẩm định” không khác gì nhà đầu tư đánh giá dự án. Hồ sơ càng rõ ràng, chỉn chu, tỷ lệ thành công càng cao.
Đừng ngại trình bày rủi ro: Cơ quan phê duyệt không kỳ vọng một sản phẩm “không lỗi”, trên thực tế thì sự hoàn hảo (không lỗi) của một mô hình là không thể có. Do đó, điều họ muốn thấy là: doanh nghiệp hoàn toàn nhận diện được rủi ro và đã có giải pháp xử lý cụ thể.
Nộp hồ sơ sớm, đừng chờ đến hạn cuối: Quy trình xét duyệt có thể kéo dài; doanh nghiệp càng chủ động, càng có thời gian để thực hiện các bổ sung, chỉnh sửa theo yêu cầu của cơ quan quản lý.
Kết luận: Hồ sơ tham gia sandbox không chỉ là “giấy tờ nộp cho đủ”, mà là bản mô tả toàn diện về năng lực, cam kết, và trách nhiệm của doanh nghiệp. Một hồ sơ chuẩn chỉnh không chỉ giúp tăng tỷ lệ được chấp thuận, mà còn tạo nền tảng vững chắc để doanh nghiệp bước vào giai đoạn thử nghiệm đầy thách thức phía trước.
-------------------------------
Lawlink Việt Nam (LLVN) cung cấp các giải pháp pháp lý cho các doanh nghiệp, doanh nhân về ĐẦU TƯ, hoạt động doanh nghiệp & kinh doanh, Mua bán & Sáp nhập; Tranh tụng và Giải quyết tranh chấp. Chúng tôi cung cấp dịch vụ trọn gói từ các khâu tư vấn mô hình hoạt động, đến giấy phép, hợp đồng, cấu trúc vốn và thu xếp vốn, dịch vụ kế toán & thuế, và đại diện. Các ngành mà chúng tôi thực hành liên tục gồm: Bất động sản & Xây dựng, Hạ tầng, Xử lý rác thải & môi trường, Y & Dược, Giáo dục, Fintech, Nông nghiệp, Truyền thông & Xuất bản, Thương mại điện tử.
-------------------------------
𝐂𝐨𝐧𝐭𝐚𝐜𝐭 𝐮𝐬
Website: www.lawlink.com
Instagram: lawlink.vietnam
Facebook: Lawlink Vietnam
Phone: +84 908107788
Address: Phòng 10.2, Lầu 10, Tòa nhà Vietnam Business Center, 57-59 Hồ Tùng Mậu, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
Kommentare