THỦ TỤC ĐẦU TƯ ĐẶC BIỆT TẠI VIỆT NAM – HƯỚNG ĐI MỚI CHO NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
- loanlelawlinkvn
- 14 thg 4
- 7 phút đọc

1. Thủ tục đầu tư đặc biệt là gì?
Đây là một cơ chế đầu tư mới, cho phép nhà đầu tư thực hiện dự án nhanh chóng, hiệu quả mà không cần thực hiện nhiều thủ tục hành chính rườm rà như trước. Nhà nước chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tức giám sát trong quá trình thực hiện thay vì kiểm tra kỹ lưỡng trước khi cấp phép.
2. Lợi ích nổi bật là gì?
🛃 Rút gọn thủ tục hành chính, nghĩa là:
KHÔNG cần thực hiện các thủ tục tiền cấp phép:
Chấp thuận chủ trương đầu tư;
Thẩm định công nghệ;
Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM);
Xin phép xây dựng, PCCC…
THAY VÀO ĐÓ, nhà đầu tư chỉ cần:
CAM KẾT tuân thủ quy định pháp luật về môi trường, xây dựng, PCCC… trong hồ sơ đăng ký;
Tự chịu trách nhiệm nếu vi phạm.
⏱️ Tiết kiệm thời gian đáng kể
Thủ tục thông thường: từ 80 ngày trở lên.
Thủ tục đặc biệt: 15 ngày làm việc nếu hồ sơ hợp lệ.
Theo thống kê, thủ tục đặc biệt rút ngắn tới 260 ngày so với việc đăng ký đầu tư theo thủ tục đầu tư thông thường.
3. Dự án nào được phép theo Thủ tục Đặc biệt?
Theo khoản 3 Điều 36a Luật Đầu tư, dự án phải đáp ứng ĐỦ các điều kiện sau:
(i) Thuộc Lĩnh vực đầu tư đặc biệt, khi đáp ứng đủ:
✅ Dự án không thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội;✅ Thuộc một trong các lĩnh vực ưu tiên sau:
Đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, vật liệu bán dẫn;
Đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
✅ Dự án cần nằm trong:
Khu công nghiệp, khu chế xuất;
Khu công nghệ cao – Dự án phải đáp ứng các tiêu chí theo Luật Công nghệ cao và các quy định liên quan;
Khu công nghệ thông tin tập trung;
Khu chức năng trong khu kinh tế hoặc khu thương mại tự do.
(ii) Phù hợp quy hoạch có liên quan: gồm quy hoạch phân khu các Khu Vực Đặc Biệt, hoặc quy hoạch chung khu kinh tế, thành phố thị xã đối với dự án được đề xuất tại các khu chức năng trong khu kinh tế,…
(iii) Nhu cầu sử dụng đất (nếu có): Dự án có nhu cầu sử dụng đất phải đáp ứng các điều kiện về cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định pháp luật, cụ thể theo khoản 5 Điều 3 Nghị định 19
(iv) Cam kết của nhà đầu tư: NĐTNN phải CAM KẾT tuân thủ pháp luật Việt Nam trong hồ sơ đăng ký đầu tư.
Lưu ý: Các vấn đề pháp lý khác có liên quan như Tiến độ thực hiện dự án, Tư cách pháp lý và kinh nghiệm của nhà đầu tư, và Ưu đãi đầu tư và điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư (nếu có): áp dụng theo thủ tục thông thường, không có sự khác biệt ở Thủ tục đặc biệt.
4. 📝 Quy trình thực hiện đầu tư theo Thủ tục đặc biệt
(i) Hồ sơ bao gồm:
Văn bản đề nghị thực hiện dự án. Trong đó phải bao gồm phần CAM KẾT, về việc đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn và quy chuẩn về xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy theo quy định của (a) pháp luật về xây dựng; (b) pháp luật về môi trường; (c) pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Đáng chú ý, thay vì cần phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ, Thủ tục đặc biệt chỉ yêu cầu nhận dạng và dự báo tác động đến môi trường và biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. BIỂU MẪU ĐƯỢC QUY ĐỊNH TẠI: Phụ lục 1, 2, 3 THÔNG TƯ 06/2025/TT-BKHĐT
Đề xuất thực hiện dự án;
Hồ sơ năng lực pháp lý và tài chính;
Tài liệu về địa điểm/đất đai.
(ii) Cơ quan tiếp nhận hồ sơ: Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao hoặc khu kinh tế.
(iii) Thời gian cấp phép: 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ.
(iv) Kết quả: Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) – làm cơ sở cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp phép xây dựng và kiểm tra giám sát, đánh giá, xử lý vi phạm hành chính và quản lý nhà nước đối với dự án
5. 🔍 Về cơ chế hậu kiểm – Cơ hội & trách nhiệm song hành
Việc áp dụng cơ chế hậu kiểm là điểm then chốt làm nên sự đột phá của Thủ Tục Đặc Biệt. Thay vì yêu cầu hoàn thiện tất cả thủ tục pháp lý trước khi triển khai thực hiện dự án, cơ chế này trao quyền chủ động cho nhà đầu tư, tập trung triển khai dự án nhanh chóng và tiết kiệm chi phí.
✅ Ưu điểm:
Nhà đầu tư có thể thực hiện dự án và khởi công sớm, không cần chờ các giấy phép về môi trường, xây dựng, PCCC…
Giảm áp lực hành chính, tạo sự thuận lợi ban đầu để tạo đà phát triển nhanh chóng.
⚠️ Nghĩa vụ đi kèm:
Nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm cao độ trong việc tuân thủ pháp luật.
Nếu vi phạm cam kết, có thể bị:
Xử phạt hành chính;
Yêu cầu khắc phục hậu quả;
Thậm chí bị tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động dự án.
📌 Một số tuân thủ cụ thể:
Bảo đảm thực hiện dự án: Nhà đầu tư cần ký quỹ hoặc có bảo lãnh từ tổ chức tín dụng theo Điều 4 Nghị định 19 nếu dự án có sử dụng đất sau khi được cấp GCNĐKĐT theo quy định tại Điều 4 Nghị định 19.
Trước khi khởi công:
Gửi báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng (nếu có cấu phần xây dựng);
Xin Giấy phép môi trường nếu thuộc đối tượng phải;
Đăng ký môi trường nếu thuộc diện đăng ký.
Trong quá trình thực hiện dự án:
Phải tuân thủ các điều kiện ghi tại GCNĐKĐT và cam kết pháp lý về môi trường, xây dựng, PCCC…
6. 🌍 Ưu điểm riêng cho nhà đầu tư nước ngoài
Có thể thành lập doanh nghiệp trước khi có GCNĐKĐT theo quy định tại khoản 5 Điều 36a. Tuy nhiên theo cách quy định hiện nay, một vấn đề đặt ra là mọi trường hợp NĐTNN theo Thủ Tục Đặc Biệt đều được thành lập tổ chức kinh tế để thực hiện dự án trước khi đăng ký dự án đầu tư, hay chỉ được áp dụng quy định này khi và chỉ khi có hai nhà đầu tư trở lên đề xuất dự án như quy định khoản 5 Điều 36a và trong đó một nhà đầu tư là NĐTNN.
📌 Khuyến nghị: Do Cơ chế còn mới nên việc khó tránh những cách hiểu và áp dụng khác nhau trên thực tế. Do vậy khuyến nghị NĐTNN nên tham khảo kỹ lượng ý kiến của cơ quan có thẩm quyền và chuyên gia pháp lý trước khi thực hiện.
7. Khi nào không nên chọn Thủ tục đặc biệt?
Việc áp dụng Thủ tục đặc biệt là QUYỀN lựa chọn của NĐTNN khi thấy đáp ứng đủ điều kiện.
Vậy NĐTNN vẫn có quyền lựa chọn áp dụng thủ tục đầu tư thông thường ngay cả khi dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên, đáp ứng điều kiện áp dụng Thủ tục đặc biệt.
Vậy trường hợp nào không nên chọn Thủ tục đặc biệt?
Công ty, dự án đã và đang thực hiện đầu tư theo thủ tục thông thường nay có nhu cầu mở rộng hoặc thực hiện thêm một dự án mới;
Nhà đầu tư thận trọng, muốn giữ mô hình kiểm soát rủi ro chặt và sớm từ trước trước, cũng như xác định rõ ràng tính khả thi của việc thực hiện dự án, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi triển khai.
Nhà đầu tư chưa sẵn sàng với cam kết trong đó đề cao tính “tự tuân thủ” hoặc chưa xây dựng đội ngũ nhân sự đủ khả năng quản lý dự án với hồ sơ pháp lý “vừa làm – vừa xây”.
Nhà đầu tư lần đầu tiên tiếp cận, chưa quen với môi trường kinh doanh và hệ thống pháp lý tại Việt Nam, chưa có kinh nghiệm thực tế nên cần sự thận trọng trong mỗi bước đi, khi đó thủ tục thông thường an toàn hơn, vì có nhiều bước kiểm tra – thẩm định trước giúp phát hiện sớm vướng mắc.
🎯 Tổng kết
Tiêu chí | Thủ tục Thông thường | Thủ tục Đặc biệt |
Thời gian cấp phép | 80–260 ngày | 15 ngày |
Yêu cầu ĐTM, PCCC, xây dựng trước triển khai? | Có | Không cần – chỉ cam kết |
Lĩnh vực áp dụng | Mọi lĩnh vực | Chỉ lĩnh vực ưu tiên |
Thành lập công ty trước GCNĐKĐT? | Không | Có thể |
Cơ chế quản lý | Tiền kiểm | Hậu kiểm |
Bài viết: Bởi LLVN.
Hình ảnh: Internet.
---------------------------------
𝐂𝐨𝐧𝐭𝐚𝐜𝐭 𝐮𝐬
Website: www.lawlink.com
Instagram: lawlink.vietnam
Facebook: Lawlink Vietnam
Phone: +84 908107788
Address: Phòng 10.2, Lầu 10, Tòa nhà Vietnam Business Center, 57-59 Hồ Tùng Mậu, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
Comments