top of page
Tìm kiếm

Bất động sản du lịch: ‘Bánh ngon’ nhưng không dễ ăn

Thị trường bất động sản (BĐS) du lịch Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, dư địa phát triển lớn. Tuy “miếng bánh” BĐS du lịch dù rất ngon, nhưng không phải ai cũng ăn được.



Tọa đàm “Những xu hướng mới của thị trường BĐS du lịch Việt Nam”, do Tạp chí điện tử BĐS Việt Nam tổ chức. Ảnh: D.T


Chia sẻ trên được đưa ra tại tọa đàm “Những xu hướng mới của thị trường BĐS du lịch Việt Nam”, diễn ra chiều ngày 19/11, tại Hà Nội.


Nhiều dư địa phát triển


Ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam có những bước phát triển rất nhanh chóng. Theo đó, hiện trung bình mỗi năm có khoảng 15 triệu lượt khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam, vượt xa con số 4 triệu lượt khách của 10 năm trước và khoảng 80 triệu lượt khách nội địa, gấp 4 lần so với thập kỷ trước.


Ngành du lịch “thăng hoa”, lượng khách du lịch tăng trưởng tốt sẽ tạo động lực thúc đẩy thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng phát triển, nhất là sự xuất hiện của nhiều công trình tầm cỡ quốc tế.

Bên cạnh đó, so với các quốc gia phát triển mạnh về du lịch trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore…, số lượng cơ sở lưu trú và các dịch vụ giải trí của Việt Nam còn rất hạn chế. Mặt khác, nguồn cung BĐS du lịch của Việt Nam hiện mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu căn hộ lưu trú cho khách du lịch quốc tế.


Ngoài ra, giá BĐS du lịch ở Việt Nam đang ở mức thấp so với các quốc gia có cùng tiềm năng phát triển du lịch trong khu vực… Đây là những yếu tố tạo đà cho phân khúc BĐS du lịch có thể phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới.


“Trong trung hạn, với trên 20 triệu lượt khách quốc tế tới Việt Nam mỗi năm có thời gian nghỉ trung bình từ 5 – 7 ngày cho mỗi kỳ nghỉ và khách trong nước khoảng 85 triệu lượt người có thời gian nghỉ từ 3 – 4 ngày, ngành du lịch Việt Nam cần nhiều hơn nữa các dự án đầu tư theo dạng hệ sinh thái, quần thể, tích hợp cả du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng, mua sắm. Vì thế tôi cho rằng, trong trung và dài hạn, phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, nhất là khu vực ven biển sẽ vẫn là “điểm sáng” của thị trường” – ông Nam nhấn mạnh.


Tuy nhiên, ông Nam cũng cho rằng, dù phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng sở hữu dư địa phát triển lớn, “miếng bánh” có thể rất ngon, nhưng không phải ai cũng ăn được. Bởi theo ông Nam, đầu tư BĐS du lịch khó khăn, thách thức hơn đầu tư nhà ở rất nhiều. Đầu tư vào phân khúc nhà ở chỉ cần bán căn hộ là xong, trong khi đó, đầu tư vào BĐS du lịch, quan trọng nhất là vận hành như thế nào cho hiệu quả.


“Có một nguyên tắc trong đầu tư vào BĐS du lịch là, chỉ khi dự án vận hành tốt, tỷ lệ lấp đầy phòng cao, các nhà đầu tư mới có cơ sở kỳ vọng vào dòng lợi nhuận thu về” – ông Nam nhấn mạnh.


Dự án cần tạo dựng hệ sinh thái dịch vụ đa dạng


Ông Nguyễn Trần Nam cho rằng, ngành du lịch trong nước và quốc tế đang có sự thay đổi rất nhanh, với nhiều cơ hội mở ra cho các chủ đầu tư, không chỉ về tăng trưởng nhu cầu phòng mà còn tăng trưởng các đối tượng khách hàng mới. Do đó, nếu đơn thuần chỉ phát triển một dự án theo kiểu truyền thống sẽ không đảm bảo tính cạnh tranh, cũng như phù hợp với nhu cầu của khách hàng trong trung, dài hạn. Vì vậy, một dự án cần tạo dựng hệ sinh thái tiện ích, dịch vụ đa dạng mới có thể trở thành điểm đến hấp dẫn.


Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, từ khoảng cuối năm 2018 đến nay, thị trường BĐS du lịch đã xuất hiện xu hướng doanh nghiệp tập trung phát triển các dự án BĐS du lịch theo mô hình phức hợp, gắn đầy đủ các dịch vụ nghỉ dưỡng, lưu trú, mua sắm, thể thao, giải trí trải nghiệm nhằm đáp ứng nhu cầu một điểm đến cho tất cả (All - in - one) của du khách.


Ở góc độ doanh nghiệp, ông Ngô Hữu Trường - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Crystal Bay cho biết, mô hình “All - in - one” đã rất thành công trên thế giới, qua những dự án thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm như Sentosa (Singapore), Genting (Malaysia), The Plam Atlantic of DuBai (Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất)… Bởi vậy trong tương lai, thị trường BĐS du lịch Việt Nam cũng cần phát triển theo xu hướng đó.


Theo đó thời gian tới, các nhà đầu tư cần có những chiến lược đầu tư các dự án “All – in - one”, để cạnh tranh, thu hút nhiều hơn khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam, giúp du khách thỏa mãn nhu cầu nghỉ dưỡng, trải nghiệm, khám phá, giải trí, từ đó du khách sẽ lưu trú nhiều ngày hơn, chi tiêu nhiều hơn và sẽ trở lại lần 2, thậm chí nhiều lần hơn.


“Việt Nam đang đứng trước cơ hội to lớn để trở thành điểm đến mới của châu Á và thế giới. Muốn vậy, hướng đi tất yếu trong phát triển BĐS du lịch là cần thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào phân khúc bất động sản du lịch cao cấp, tích hợp nhiều tiện ích, dịch vụ trong một khu nghỉ dưỡng. Ngay như đối với Tập đoàn Crystal Bay, chúng tôi cũng đang theo đuổi và đầu tư vào phân khúc BĐS du lịch cao cấp, tích hợp tiện ích dịch vụ quy mô lớn, để góp phần lấp vào khoảng trống của thị trường BĐS du lịch Việt Nam… Trong tương lai, chúng tôi kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều tour du lịch cao cấp, kết hợp nghỉ dưỡng, trải nghiệm, khám phá, giải trí…, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch cũng như thị trường BĐS du lịch Việt Nam” – ông Trường chia sẻ./.



Diệu Thiện

5 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page