top of page

HỢP ĐỒNG QUẢN LÝ, VẬN HÀNH BỆNH VIỆN (P1)

Phuong Mai

Đã cập nhật: 6 thg 3

PHẦN 1 – DỊCH VỤ QUẢN LÝ VÀ VẬN HÀNH BỆNH VIỆN:

HIỂU ĐÚNG VÀ ĐỦ


Vào tháng đầu năm 2025, Lawlink Việt Nam (LLVN) đã triển khai và hoàn thành việc cung cấp dịch vụ tư vấn và soạn thảo hợp đồng dịch vụ quản lý và vận hành bệnh viện (Hợp đồng OM) giữa một tập đoàn quốc tế và một bệnh viện tư nhân trong nước.

Chúng tôi tổng hợp dưới đây một số kinh nghiệm thực tiễn thông qua những công việc tương tự và qua dự án mới nhất này, nhằm chia sẻ với quý vị quan tâm một số nội dung cơ bản và cần thiết liên quan đến dịch vụ quản lý, vận hành bệnh viện cũng như vai trò của Hợp đồng OM và một số vấn đề pháp lý cần lưu ý khi soạn thảo, đàm phán, giao kết Hợp đồng này. 

Chuỗi bài gồm 03 Phần chính: (Phần 1)Vài nét chung về Dịch vụ quản lý và vận hành bệnh viện; (Phần 2) Các nội dung chính Hợp đồng dịch vụ quản lý, vận hành bệnh viện; (Phần 3) Định vị rủi ro của mỗi bên trong Hợp đồng OM và giải pháp; và (Phần 4) Lưu ý quan trọng trong soạn thảo Hợp đồng OM bệnh viện.



1. Quản lý vận hành bệnh viện là dịch vụ gì? Phạm vi công việc quản lý và vận hành gồm những gì?

Dịch vụ quản lý vận hành bệnh viện (OM) được đề cập như một hình thức hợp tác giữa bệnh viện và đơn vị tư vấn quản lý vận hành bệnh viện chuyên nghiệp (trong chuỗi bài này, gọi tắt là Đơn vị vận hành), trong đó chủ sở hữu bệnh viện là bên giao dịch vụ, Đơn vị tư vận hành là bên nhận dịch vụ và chịu trách nhiệm tư vấn, quản lý và vận hành toàn bộ hoặc một phần hoạt động của bệnh viện.

Một dịch vụ OM toàn diện thông thường bao gồm rất nhiều công việc, bao quát mọi hoạt động của bệnh viện, từ việc lập chiến lược, kế hoạch đến tổ chức, điều phối, triển khai thực hiện và kiểm soát tất cả các hoạt động của bệnh viện, có thể chia thành các nhóm chính sau đây:

  • Quản lý nguồn nhân lực: Xây dựng kế hoạch và triển khai tuyển dụng, đào tạo, bố trí sử dụng, phát triển nhân tài,... lập kế hoạch và đánh giá hiệu suất làm việc, xây dựng và phát triển hệ thống quản lý, đánh giá nhân sự, đảm bảo sự tuân thủ các quy định pháp luật về lao động và y tế;

  • Quản lý về tài chính: Lập kế hoạch ngân sách, kiểm soát chi tiêu, thanh toán và thu chi trong bệnh viện; tối ưu hóa doanh thu từ các dịch vụ y tế, hỗ trợ lập kế hoạch tài chính dài hạn;

  • Quản lý cơ sở vật chất: Bảo đảm các trang thiết bị y tế và cơ sở vậty chất hoạt động đúng chức năng, bảo trì và kế hoạch đầu tư, mua sắm mới;

  • Quản lý chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh: Xây dựng/cải tiến và triển khai hệ thống quản lý chất lượng; giám sát và đánh giá chất lượng dịch vụ y tế, đảm bảo tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn y tế, xử lý các phản ảnh, khiếu nại của bệnh nhân;

  • Quản lý hoạt động điều trị: Quản lý và giám sát các quy trình khám chữa bệnh, từ chẩn đoán, điều trị, đến chăm sóc bệnh nhân;

  • Quản lý dữ liệu và hồ sơ bệnh án: Quản lý hệ thống hồ sơ bệnh án, dữ liệu bệnh nhân, đảm bảo tính chính xác, bảo mật và truy xuất dễ dàng khi cần thiết;

  • Quản lý logistic và chuỗi cung ứng: Đảm bảo việc cung cấp thuốc, vật tư y tế, thiết bị và các nhu yếu phẩm khác được thực hiệp kịp thời và đầy đủ;

  • Quản lý an ninh và an toàn: Đảm bảo an ninh trong bệnh viện, kiểm soát việc ra vào, bảo vệ tài sản và thông tin của bệnh viện, duy trì môi trường an toàn cho bệnh nhân và nhân viên;

  • Quản lý mối quan hệ với đối tác: Xây dựng và duy trì quan hệ với các đối tác như các đối tác y tế, các cơ quan bảo hiểm, các nhà cung cấp, và các tổ chức liên quan khác;

  • Quản lý tuân thủ pháp luật và quản trị rủi ro: Phân tích, đánh giá rủi ro, xây dựng & triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch kiểm soát tuân thủ, nhằm đảm bảo mọi hoạt động của bệnh viện tuân thủ các quy định pháp luật và tiêu chuẩn ngành y tế, quản trị tốt và giảm thiểu các rủi ro trong mọi lĩnh vực hoạt động của bệnh viện;

  • Quản lý chiến lược và phát triển: Phân tích và phát triển các chiến lược dài hạn cho bệnh viện, xây dựng kế hoạch phát triển, nghiên cứu xu hướng y tế và đầu tư vào công nghệ mới.


2. Mục đích của dịch vụ quản lý vận hành bệnh viện?

Một bệnh viện, dù là bệnh viện công hay bệnh viện tư, đều chịu áp lực lớn nhất về hiệu quả vận hành. Ở bất kỳ giai đoạn nào trong hoạt động và vận hành của bệnh viện, dù là mới thành lập, đã hoạt động có thâm niên, hay đang gặp sự cố/nhu cầu cấp bách cần giải quyết, thì mục đích chung của dịch vụ OM được các bệnh viện hướng đến là đảm bảo bệnh viện hoạt động một cách hiệu quả, tối ưu và bền vững; đồng thời, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao cho bệnh nhân, đáp ứng mong đợi của các stakeholders gồm bệnh nhân, đội ngũ nhân sự, nhà đầu tư, cộng đồng, các cơ quan quản lý. Có thể kể đến các mục tiêu chính:

  • Đảm bảo chất lượng dịch vụ y tế: Cung cấp các dịch vụ đạt tiêu chuẩn, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng, đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng điều trị của bệnh nhân;

  • Tối ưu hóa tài nguyên: Quản lý hiệu quả các nguồn lực như nhân lực, tài chính, thiết bị y tế, và cơ sở vật chất để sử dụng một cách hợp lý, giảm thiểu lãng phí và chi phí không cần thiết;

  • Đảm bảo sự an toàn cho bệnh nhân và nhân viên: Thiết lập và duy trì môi trường làm việc và chăm sóc bệnh nhân an toàn, giảm thiểu rủi ro và các tai nạn y tế trong quá trình điều trị;

  • Tăng cường sự hài lòng của bệnh nhân: Cải thiện trải nghiệm của người bệnh thông qua dịch vụ chuyên nghiệp, thái độ phục vụ tận tâm, cũng như đáp ứng nhanh chóng các yêu cầu và phản ảnh của bệnh nhân;

  • Đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật và tiêu chuẩn y tế: Đảm bảo bệnh viện tuân thủ các quy định của nhà nước về y tế, bảo mật thông tin bệnh nhân, và các tiêu chuẩn chuyên môn trong công tác chăm sóc và điều trị;

  • Quản lý tài chính bền vững: Xây dựng và duy trì ngân sách hợp lý, kiểm soát chi phí, cải tiến công nghệ và tiếp cận các xu hướng y tế mới để duy trì và nâng cao vị thế trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Tóm lại, dù trong một số trường hợp, mục tiêu ngắn hạn của Chủ sở hữu bệnh viện là cải thiện tình trạng hiện tại, tái cấu trúc để bán, nói chung, dịch vụ quản lý và vận hành bệnh viện có mục tiêu không chỉ đảm bảo bệnh viện hoạt động trơn tru, mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, và duy trì sự phát triển bền vững của bệnh viện.


3.  Bên cung cấp dịch vụ là ai? Chuyên môn thế nào?

Dịch vụ quản lý và vận hành bệnh viện có thể được cung cấp bởi các cá nhân là chuyên gia với trình độ cao và có kinh nghiệm dày dạn, hoặc bởi các công ty, tổ chức chuyên nghiệp có chức năng cung cấp dịch vụ tư vấn, quản lý, và vận hành bệnh viện, có năng lực (đã được thẩm định) trong việc cung cấp dịch vụ này.

Các Đơn vị vận hành chuyên nghiệp, có thể là các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc doanh nghiệp ở nước ngoài cung cấp dịch vụ tư vấn, quản lý và vận hành bệnh viện và thường có các đặc điểm sau đây:

  • Doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề kinh doanh tư vấn quản lý;

  • Đội ngũ nhân sự có chuyên môn và kinh nghiệm trong ngành y tế, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý bệnh viện từ việc tổ chức, điều hành đến phát triển chiến lược; có chuyên môn vững vàng về các quy trình y tế, quản lý tài chính bệnh viện, quản lý nhân sự, cũng như hiểu rõ các quy định của pháp luật liên quan đến y tế;

  • Có kiến thức về tiêu chuẩn y tế và pháp lý: đội ngũ nhân sự phải nắm vững các quy định và tiêu chuẩn y tế quốc gia và quốc tế, bao gồm các tiêu chuẩn về chất lượng chăm sóc sức khỏe, an toàn bệnh nhân, bảo mật thông tin và quy trình vận hành bệnh viện; phải đảm bảo tư vấn và hỗ trợ bệnh viện trong việc tuân thủ các yêu cầu pháp lý, giấy phép hoạt động và các quy đinh về bảo vệ sức khỏe cộng đồng;

  • Có khả năng phát triển chiến lược và lập kế hoạch dài hạn: đơn vị quản lý vận hành cần có khả năng xây dựng các chiến lược dài hạn cho bệnh viện, bao gồm việc tối ưu hóa nguồn lực, phát triển các dịch vụ mới, cải tiến chất lượng và tăng trưởng bền vững; có khả năng cung cấp các giải pháp hiệu quả trong việc phát triển các dự án cải tiến, năng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và đào tạo nhân lực;

  • Có năng lực nâng cao chất lượng dịch vụ và chăm sóc bệnh nhân, xây dựng các phương pháp tiếp cận và cải tiến chất lượng dịch vụ, cung cấp các giải pháp nâng cao trải nghiệm của bệnh nhân;

  • Có năng lực quản lý tài chính và kiểm soát chi phí;

  • Có năng lực quản lý nhân sự;

  • Có năng lực quản lý cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế;

  • Có năng lực cải tiến và đổi mới công nghệ;

  • Có khả năng xử lý khủng hoảng và tình huống khẩn cấp;

  • Có khả năng giám sát và đánh giá hiệu quả,...

Tóm lại, để đáp ứng các yêu cầu cung cấp dịch vụ OM toàn diện cho một bệnh viện, đơn vị cung cấp dịch vụ phải có năng lực, uy tín và kinh nghiệm thực tiễn trong việc triển khai các giải pháp hiệu quả cho bệnh viện, đồng thời duy trì các tiêu chuẩn cao trong quản lý và chăm sóc bệnh nhân.


Do dịch vụ OM là một dịch vụ dịch vụ rất quan trọng, đặc biệt là OM toàn diện theo dạng "Chìa khoá trao tay", hợp đồng OM sẽ là một hợp đồng đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc và kỹ lưỡng từ cả hai phía (Bên giao và bên nhận dịch vụ).


Để tìm hiểu về Hợp đồng OM và kinh nghiệm xây dựng hợp đồng này, xin mời quý vị theo dõi tiếp phần 2 trong bài đăng tiếp theo: "Nội dung chính của Hợp đồng dịch vụ quản lý, vận hành bệnh viện" được đăng tải tại đây.


Bài viết & Hình: Bởi LLVN.

---------------------------------

Lawlink Việt Nam (LLVN) cung cấp dịch vụ pháp lý cho các nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực đầu tư, hoạt động các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở làm đẹp, trường và các trung tâm thực hành về y tế, khám chữa bệnh, sản xuất và lưu hành các loại dược liệu, dược mỹ phẩm,… Dịch vụ bao gồm tư vấn & thu xếp Giấy phép đầu tư, thành lập, giấy phép kinh doanh và các giấy phép lưu hành sản phẩm; tư vấn, soạn thảo, đàm phán Hợp đồng hợp tác, đầu tư, góp vốn, Hợp đồng dịch vụ quản lý, vận hành (OM Agreement), Hợp đồng thuê mướn cơ sở và nhân sự, Hợp đồng dịch vụ và các loại hợp đồng khác; soát xét và tư vấn xây dựng & vận hành hệ thống tuân thủ; tư vấn và đại diện trong giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp; tư vấn và đại diện trong thu xếp vốn, gọi vốn, M&A…

---------------------------------

𝐂𝐨𝐧𝐭𝐚𝐜𝐭 𝐮𝐬

Instagram: lawlink.vietnam

Facebook: Lawlink Vietnam

Phone: +84 908107788

Address: Phòng 10.2, Lầu 10, Tòa nhà Vietnam Business Center, 57-59 Hồ Tùng Mậu, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

 
 
 

टिप्पणियां


bottom of page