HỢP ĐỒNG QUẢN LÝ, VẬN HÀNH BỆNH VIỆN (P2)
- Phuong Mai
- 28 thg 2
- 12 phút đọc
Đã cập nhật: 6 thg 3
PHẦN 2: NỘI DUNG CHÍNH CỦA
HỢP ĐỒNG QUẢN LÝ, VẬN HÀNH BỆNH VIỆN
Chúng tôi tiếp nhận yêu cầu soạn thảo Hợp đồng quản lý vận hành bệnh viện (Hợp đồng OM) từ Khách hàng là một Công ty cung cấp dịch vụ tư vấn, quản lý, vận hành bệnh viện. Đối tượng quản lý là một bệnh viện tư nhân có lịch sử thành lập và hoạt động được hơn 10 năm.
Khách hàng cung cấp cho Chúng tôi các thông tin cơ bản về đối tượng quản lý, hình thức dịch vụ và phạm vi công việc, thời hạn hợp đồng và giá dịch vụ. Khách hàng cũng cung cấp cho Chúng tôi thêm 02 mẫu Hợp đồng quản lý vận hành bệnh viện, mà theo Khách hàng, đây là những mẫu có thể sử dụng mà không cần phải điều chỉnh nhiều.
Thực tế quá trình tư vấn và soạn thảo Hợp đồng này, Chúng tôi đã không sử dụng các mẫu được cung cấp. Trước khi chia sẻ cụ thể hơn về việc soạn thảo hợp đồng MO này, Chúng tôi chủ ý trình bày trước dưới đây, một số nội dung cơ bản về Hợp đồng OM bệnh viện.

1. Hợp đồng OM bệnh viện là gì?
Hợp đồng OM bệnh viện là một thỏa thuận giữa chủ sở hữu hoặc đơn vị đại diện quản lý bệnh viện (gọi chung là "chủ sở hữu bệnh viện" hoặc "bên giao dịch vụ") và bên cung cấp dịch vụ quản lý vận hành bệnh viện (có thể là công ty hoặc tổ chức chuyên môn, gọi chung là "Đơn vị vận hành" hoặc "bên cung câp dịch vụ"), với phiên bản tên tiếng Anh là Hospital Operation and Management Agreement, thường được gọi tắt là Hợp đồng OM.
Căn cứ vào phạm vi dịch vụ quản lý, vận hành, có hai loại Hợp đồng OM bệnh viện phổ biến như sau:
Hợp đồng quản lý, vận hành toàn bộ bệnh viện: đơn vị vận hành chịu trách nhiệm toàn diện cho mọi hoạt động của bệnh viện, từ quản lý vận hành bệnh viện đến các hoạt động khám chữa bệnh và dịch vụ hỗ trợ khác.
Hợp đồng quản lý, vận hành một phần bệnh viện: đơn vị vận hành chỉ phụ trách một hoặc một số mảng cụ thể được giao như quản lý dịch vụ kỹ thuật (điện, nước, máy móc), dịch vụ hậu cần (vệ sinh, bảo trì) hoặc dịch vụ y tế (khám chữa bệnh, phòng khám).
Trong chuyên đề này, Chúng tôi sẽ tập trung vào một Hợp đồng OM toàn diện trong việc quản lý, vận hành bệnh viện.
2. Cơ sở pháp lý để thiết lập Hợp đồng OM bệnh viện
Về nguyên tắc, việc thiết lập Hợp đồng OM bệnh viện phụ thuộc vào thỏa thuận giữa các bên và phạm vi dịch vụ cụ thể. Một số cơ sở pháp lý cốt lõi điều chỉnh quan hệ của các bên trong Hợp đồng, theo pháp luật Việt Nam, có thể kể đến như:
Bộ luật Dân sự 2015: quy định các nguyên tắc chung về hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên;
Luật Thương mại 2005: điều chỉnh các hoạt động thương mại của các tổ chức, cá nhân có liên quan, bao gồm cả các dịch vụ vận hành và quản lý;
Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023: áp dụng trong trường hợp Hợp đồng OM liên quan đến lĩnh vực y tế, quy định về các hoạt động khám chữa bệnh và quản lý cơ sở y tế;
Ngoài ra, tùy thuộc vào thỏa thuận của các bên về vấn đề thanh toán (hình thức, phương thức thanh toán, các vấn đề khác như các khoản thưởng ngoài phí dịch vụ/thù lao được quy đổi qua quyền chọn cổ phần hoặc tương tự, thì sẽ cần tham chiếu và áp dụng các luật liên quan, như:
Luật Doanh nghiệp 2020;
Luật Đầu tư 2020;
Luật Chứng khoán 2019;
Luật sở hữu trí tuệ hợp nhất;
Pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân;
Pháp luật về quản lý ngoại hối;….
Một số tài liệu pháp lý nội bộ của các bên và mỗi bên không thể bỏ qua, là các quy định, quy chế nội bộ, điều lệ hoạt động của các bên tham gia hợp đồng; các thỏa thuận giữa mỗi bên với bên thứ ba, bao gồm các hợp đồng tín dụng, cam kết thế chấp, bảo lãnh, bảo đảm,... cũng có thể là một phần cơ sở pháp lý quan trọng để xem xét thẩm quyền ký kết, các giới hạn (nếu có), cũng như phạm vi và chức năng hoạt động của từng bên.
3. Nội dung của Hợp đồng OM bệnh viện
3.1 Nội dung cơ bản
Hợp đồng OM bệnh viện xác định các quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan, bao gồm việc điều hành hoạt động của bệnh viện, quản lý nhân sự, tối ưu hóa quy trình làm việc, cải thiện chất lượng dịch vụ và y tế, và bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn và pháp lý. Thông qua hợp đồng, các bên cũng cam kết về mục tiêu hiệu quả vận hành và phát triển bệnh viện, đồng thời phân chia các lợi ích và trách nhiệm vật chất.
Với bản chất là một hợp đồng dịch vụ nên Hợp đồng OM bệnh viện cũng sẽ gồm các nội dung chính của một hợp đồng dịch vụ thông thường, cụ thể:
Thông tin của các bên tham gia Hợp đồng;
Bối cảnh giao kết Hợp đồng;
Phạm vi dịch vụ: là nội dung công việc OM mà Đơn vị vận hành phải thực hiện. Tùy thuộc vào nhu cầu của bệnh viện và khả năng của bên cung cấp dịch vụ thì phần nội dung công việc sẽ được cụ thể hóa theo các đặc thù và sự thỏa thuận giữa các bên, có thể bao gồm một hoặc nhiều các công việc quản lý, vận hành, các dịch vụ y tế và hành chính mà bệnh viện cần cung cấp;
Kết quả hoặc mục đích mong đợi đạt được;
Quy định về phí dịch vụ, nguyên tắc tính phí, tiến độ thanh toán;
Quy định về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên trong Hợp đồng;
Quy định về vi phạm, chế tài khi vi phạm;
Quy định về thời hạn Hợp đồng và điều kiện gia hạn;
Quy định chấm dứt thực hiện Hợp đồng và bàn giao;
Quy định về tranh chấp và cơ chế giải quyết tranh chấp;
Các điều khoản chung (luật điều chỉnh, ngôn ngữ ưu tiên, hiệu lực hợp đồng, số bản ký,…).
3.2 Một số nội dung riêng biệt của Hợp đồng OM bệnh viện
Bên cạnh các nội dung chính của một hợp đồng dịch vụ thông thường như nêu trên, Hợp đồng OM bệnh viện sẽ gồm các quy định đặc thù riêng và quan trọng mà các bên sẽ cần đặc biệt lưu ý, làm rõ và chi tiết, có thể kể đến như:
Các quy định đảm bảo năng lực chuyên môn của đơn vị quản lý;
Nội dung về phạm vi dịch vụ, chất lượng dịch vụ và KPI cụ thể hơn. Theo đó, hợp đồng cần có các chỉ số đánh giá hiệu quả (KPI) cụ thể như: Tỷ lệ hài lòng của bệnh nhân; tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện; tỷ lệ sai sót trong điều trị; mức độ tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng của Bộ Y tế, Luật Khám chữa bệnh...
Nội dung về tuân thủ chuyên môn y tế và trách nhiệm của các bên, bao gồm chia sẻ trách nhiệm về tài chính và pháp lý, ví dụ: nếu bệnh viện có sai sót trong điều trị gây hậu quả nghiêm trọng, trách nhiệm sẽ thuộc về ai, chủ sở hữu bệnh viện hay đơn vị vận hành?; nếu có sai phạm trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế, đơn vị vận hành có chịu trách nhiệm không?
Nội dung về quyền kiểm soát và ra quyết định: các điều khoản có quy định nội dung này sẽ cần thiết kế kỹ lưỡng, bao gồm quy định vềccơ chế quản trị bệnh viện theo mô hình có sự tham gia sâu và toàn diện của đơn vị quản lý vận hành là một vấn đề quan trọng. Thực tế, sự vướng mắc, không rõ ràng trong cơ chế phối hợp giữa chủ sở hữu bệnh viện và bên quản lý vận hành thường là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến việc phát sinh các bất đồng, mâu thuẫn và cuối cùng là sự thất bại của mối quan hệ hợp tác.
Để hạn chế khả năng này, các bên sẽ cần làm rõ cơ chế phối hợp giữa bên giao dịch vụ và bên quản lý vận hành trong suốt thời gian thực hiện Hợp đồng; bộ máy quản lý và cơ chế bổ nhiệm, thay thế nhân sự của mỗi bên tham gia vào Hội đồng/Ban điều phối và vận hành bệnh viện; và chế độ giám sát và báo cáo, theo đó, quy định rõ cách thức, phương thức, tần suất giám sát và báo cáo hiệu quả hoạt động.
Nội dung ủy quyền và bảo lưu quyền của chủ sở hữu bệnh viện: việc ủy quyền và bảo lưu các quyền của chủ sở hữu bệnh viện trong một Hợp đồng OM bệnh viện thường thể hiện ở các khía cạnh sau:
Phạm vi và giới hạn các quyền được ủy quyền của bên cung cấp dịch vụ và các trách nhiệm, nghĩa vụ của bên cung cấp dịch vụ;
Các quyền bao gồm quyền phủ quyết/bảo lưu của chủ sở hữu của bên giao dịch vụ, các trách nhiệm và nghĩa vụ của bên giao dịch vụ.
Trong đó, cần quy định rõ cơ chế xác định trách nhiệm của từng bên trước người bệnh, trước các bên thứ ba tham gia vào các hoạt động cung cấp dịch vụ khác và trước pháp luật. Đồng thời, sẽ cần cân nhắc hình thức trao quyền cho bên quản lý vận hành thông qua văn bản ủy quyền, bên cạnh Hợp đồng OM.
Nội dung về quyền và nghĩa vụ của các bên sẽ được mở rộng và sâu hơn so với hợp đồng dịch vụ thông thường, bao gồm nguyên tắc và trách nhiệm của mỗi bên đối với các rủi ro pháp lý và chia sẻ trách nhiệm, các điều khoản về các cam kết của các bên và mỗi bên, ví dụ:
Cam kết và trách nhiệm của Chủ sở hữu bệnh viện đối với Đơn vị vận hành: Chủ sở hữu sẽ cần có các cam kết về việc cấp quyền (và không can thiệp hoặc can thiệp hạn chế) cho Đơn vị vận hành bao gồm các quyền được cung cấp và tiếp cận, quản lý, sử dụng, điều phối các nguồn lực cần thiết cho hoạt động của bệnh viện như: nguồn tài chính, ngân sách, nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ, hệ thống thông tin và dữ liệu, các quy trình nội bộ và quy trình khám chữa bệnh...
Cam kết và trách nhiệm của Đơn vị vận hành đối với các kết quả đạt được (KPI) và các vấn đề quan trọng gồm cả nghĩa vụ bảo mật thông tin trong và sau thời hạn hợp đồng: tùy thuộc vào phương pháp xác định KPI và các mục tiêu mong đợi được các bên thống nhất, kinh nghiệm cho thấy việc xác định các KPI cần gắn liền với các mục tiêu ưu tiên mà chủ sở hữu bệnh viện đặt ra/mong đợi khi giao dịch vụ. Các mục tiêu thông thường được thể hiện ở ba giai đoạn: ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Trong đó, các mục tiêu ngắn hạn sẽ gắn liền với các chỉ tiêu thuộc hạng mục cần phải và có thể cải tiến tức thời, ví dụ như đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và an toàn, yêu cầu liên tục duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng một bộ tiêu chuẩn (Việt Nam và/hoặc Quốc tế), và đảm bảo tuân thủ pháp luật; hoặc đạt được mục tiêu gọi vốn đầu tư/thu xếp các hỗ trợ tài chính từ các nguồn khác nhau để giải quyết các khó khăn cấp bách về tài chính... Các mục tiêu này nên được lượng hóa cụ thể và thể hiện trong tài liệu phụ lục Hợp đồng. KPI càng rõ ràng bao nhiêu, thì càng thuận lợi cho các bên trong quá trình thực hiện Hợp đồng bấy nhiêu.
Nội dung về phí dịch vụ: ưu ý trường hơp phí dịch vụ và/hoặc thù lao và/hoặc các khoản thưởng được xác định và trả theo kết quả thực tế đạt được (KPI) sau tái cấu trúc và/hoặc cho mục đích gọi vốn đầu tư/chuyển nhượng thành công bệnh viện thì cần làm rõ điều kiện hoàn thành, điều kiện hưởng, các giai đoạn thanh toán, hình thức thanh toán, các thủ tục hành chính – pháp lý cần thiết để hiện thực hóa việc thanh toán các khoản trên cho đơn vị quản lý vận hành.
Ngoài ra, cũng cần đặc biệt lưu ý các trường hợp thanh toán phí dịch vụ bằng hoán đổi cổ phần.
Thời hạn hợp đồng thường dài hơn:
Hợp đồng dịch vụ thông thường có thể kéo dài đến vài tháng hoặc một năm, nhưng Hợp đồng OM thường kéo dài từ 3 - 10 năm, do bởi việc thiết lập hệ thống quản lý vận hành cần thời gian để ổn định; và việc thay đổi Đơn vị vận hành thường xuyên có thể gây gián đoạn hoạt động của bệnh viện.
Nội dung về bảo mật thông tin và dữ liệu y tế sẽ chặt chẽ hơn do bệnh viện có nhiều dữ liệu quan trọng liên quan đến bệnh nhân, hồ sơ bệnh án, tài chính... Sẽ cần thiết lập các quy định về bảo mật thông tin và trách nhiệm pháp lý nếu để lộ thông tin, dữ liệu, cũng như cần có điều khoản quyền truy cập, lưu trữ và sử dụng dữ liệu.
3.3 Các phụ lục cần có của một Hợp đồng OM bệnh viện:
Mặc dù đã có những điều khoản quy định trong Hợp đồng OM về phạm vi công việc và KPI, phí dịch vụ và thanh toán, Chúng tôi vẫn khuyến nghị việc soạn thảo thêm và cụ thể hóa các nội dung nói trên thành các phụ lục đi kèm với Hợp đồng OM, đó là:
Phụ lục quy định chi tiết phạm vi công việc và KPI;
Phụ lục quy định chi tiết về thanh toán phí dịch vụ, các khoản thưởng;
Phụ lục về nhân sự từ bên quản lý vận hành và chỉ định nhân sự thay thế…
Việc cấu trúc thêm các phụ lục này và có thể thêm những phụ lục khác nếu cần trong bộ Hợp đồng OM, nhằm làm cho cấu trúc Hợp đồng OM được gọn gàng, dễ theo dõi. Những điều khoản phải cụ thể hóa và chi tiết, như quy định về KPI và các điều kiện đáp ứng KPI, các hình thức thanh toán, đặc biệt thanh toán bằng hoán đổi cổ phần, sẽ cần tách riêng khỏi Hợp đồng và phát triển thành phụ lục để giảm bớt độ dài, phức tạp của Hợp đồng, dễ dàng theo dõi và thực hiện cho các bên.
Tóm lại, nội dung một Hợp đồng OM có nhiều điểm khác biệt so với hợp đồng dịch vụ thông thường do tính chất đặc thù của ngành y tế. Do đó, ngoài các điều khoản khung của một hợp đồng dịch vụ được quy định và điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự 2015 và các luật liên quan, sẽ cần xây dựng các điều khoản riêng và đặc thù của việc OM một bệnh viện, kèm theo các phụ lục chi tiết, cụ thể hóa một số nội dung của Hợp đồng OM.
Hợp đồng OM giúp các bên tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao chất lượng dịch vụ và đảm bảo sự phát triển bền vững của bệnh viện. Mặc dù vậy, việc không đánh giá đúng mức độ quan trọng của tài liệu này dẫn đến việc áp dụng một mẫu hợp đồng được soạn thảo quá sơ sài, qua loa, không phản ảnh đầy đủ các khía cạnh của giao dịch, là một trong vài nguyên nhân chính dẫn đến nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.
Trong các bài tiếp theo, Chúng tôi sẽ trình bày: (i) rủi ro của các bên trong Hợp đồng OM; (ii) các bước nên làm trước khi bắt tay vào soạn thảo một Hợp đồng OM; (iii) những điều khoản then chốt, được ví như “áo giáp chống đạn” của Hợp đồng OM bệnh viện; và (iv) các lưu ý quan trọng để đạt được mục tiêu cuối cùng là sự thành công trong giao dịch hợp tác quản lý vận hành, không rơi vào tình trạng “nửa đường đứt gánh”.
Phần 3 – Định vị rủi ro của mỗi bên trong Hợp đồng OM và giải pháp.
Xem Phần 1 - Dịch vụ quản lý và vận hành bệnh viện: Hiểu đúng và đủ tại đây.
Bài viết & Hình: Bởi LLVN.
---------------------------------
Lawlink Việt Nam (LLVN) cung cấp dịch vụ pháp lý cho các nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực đầu tư, hoạt động các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở làm đẹp, trường và các trung tâm thực hành về y tế, khám chữa bệnh, sản xuất và lưu hành các loại dược liệu, dược mỹ phẩm,… Dịch vụ bao gồm tư vấn & thu xếp Giấy phép đầu tư, thành lập, giấy phép kinh doanh và các giấy phép lưu hành sản phẩm; tư vấn, soạn thảo, đàm phán Hợp đồng hợp tác, đầu tư, góp vốn, Hợp đồng dịch vụ quản lý, vận hành (OM Agreement), Hợp đồng thuê mướn cơ sở và nhân sự, Hợp đồng dịch vụ và các loại hợp đồng khác; soát xét và tư vấn xây dựng & vận hành hệ thống tuân thủ; tư vấn và đại diện trong giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp; tư vấn và đại diện trong thu xếp vốn, gọi vốn, M&A…
---------------------------------
𝐂𝐨𝐧𝐭𝐚𝐜𝐭 𝐮𝐬
Website: www.lawlink.com
Instagram: lawlink.vietnam
Facebook: Lawlink Vietnam
Phone: +84 908107788
Address: Phòng 10.2, Lầu 10, Tòa nhà Vietnam Business Center, 57-59 Hồ Tùng Mậu, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
Comments