Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) do Bộ Công Thương xây dựng đang được lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động, bao gồm người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh; Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Hiệp hội ngành, nghề khác hoạt động tại Việt Nam; Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan. Sau đây gọi tắt là “Dự Thảo”.
So sánh với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 (“Luật BVQLNTD”), Dự Thảo giữ nguyên 13 Điều khoản (Các Điều 13, 17, 28, 34, 47, 66, 67, 68, 70, 72, 73, 79, 80 của Dự thảo), sửa đổi 38 Điều khoản và bổ sung mới 29 Điều khoản.
Các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào các nhóm nội dung chính trong 07 chính sách đã được thông qua theo Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 06/05/2021 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2021, bao gồm:
(i) Chính sách 1: Hoàn thiện các quy định về hàng hóa có khuyết tật và thu hồi hàng hóa có khuyết tật nhằm nâng cao trách nhiệm và hiệu quả thực thi các quy định có liên quan.
(ii) Chính sách 2: Hoàn thiện các quy định về hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch có liên quan.
(iii) Chính sách 3: Hoàn thiện các quy định liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp; bổ sung quy định về vai trò hỗ trợ của cơ quan nhà nước, vai trò của tổ chức xã hội trong công tác giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh phù hợp với thực tiễn.
(iv) Chính sách 4: Hoàn thiện các quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch có yếu tố đặc thù, có tính mới trong điều kiện chuyển đổi số nền kinh tế.
(v) Chính sách 5: Xây dựng và hoàn thiện các quy định về các loại hình giao dịch, hoạt động, trách nhiệm của các chủ thể, cơ chế kiểm soát, khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể nhằm khuyến khích, thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững.
(vi) Chính sách 6: Hoàn thiện quy định về quản lý nhà nước nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
(vii) Chính sách 7: Hoàn thiện quy định về vai trò, trách nhiệm của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Dưới đây, LLVN cập nhập một số điểm mới chi tiết của Dự Thảo:
1. Sửa và bổ sung đối tượng áp dụng
Trước đây, Luật BVQLNTD quy định “người tiêu dùng” là cá nhân, gia đình, tổ chức mua, sử dụng hàng hóa, dich vụ phục vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt. Tuy nhiên, Dự Thảo đã theo hướng bỏ đối tượng “tổ chức” ra khỏi khái niệm người tiêu dùng. Hay nói cách khác, tổ chức mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ không được xem là người tiêu dùng theo Dự Thảo, cũng như là không được áp dụng các quy định của Luật này để yêu cầu giải quyết các khiếu nại liên quan đến việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ.
Theo Luật BVQLNTD, đối tượng áp dụng pháp luật này chỉ là các chủ thể liên quan đến hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam. Hiện nay, Dự Thảo đã bổ sung đối tượng áp dụng pháp luật này là các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến hoạt động bảo vệ quyền quyền lợi người tiêu dùng, chứ không giới hạn về mặt lãnh thổ như trước đây.
2. Bổ sung quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương
Để bảo vệ người tiêu dùng yếu thế, Dự Thảo đã bổ sung quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương (Điều 6), trong đó đưa ra khái niệm về người tiêu dùng dễ bị tổn thương bao gồm: “người cao tuổi theo quy định pháp luật người cao tuổi; người khuyết tật theo quy định pháp luật người khuyết tật; trẻ em theo quy định pháp luật trẻ em; người sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định pháp luật về công tác dân tộc; phụ nữ đang mang thai; phụ nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người bị bệnh hiểm nghèo”.
Theo đó, các cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cho các đối tượng kể trên cần lưu ý và có trách nhiệm bán sản phẩm, hàng hóa phù hợp với khách hàng đặc thù (ví dụ không được bán sản phẩm, cung cấp dịch vụ bị cấm cho trẻ em), đảm bảo quyền ưu tiên của người tiêu dùng trong quá trình mua bán, sản phẩm, hàng hóa và cả trong việc tiếp nhận, giải quyết khiếu nại và chống phân biệt đối xử, xúc phạm.
3. Bổ sung các quy định về một số giao dịch đặc thù
Trước đây, Luật BVQLNTD đã bỏ ngỏ các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong một số giao dịch đặc thù, đặc biệt là các giao dịch, mua bán hàng hóa trên không gian mạng. Vấn đề trên đã được Dự Thảo khắc phục bằng cách bổ sung và dành riêng Chương III để quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong một số giao dịch đặc thù này, cụ thể:
(i) Giao dịch đặc thù được định nghĩa bao gồm:
Giao dịch từ xa là giao dịch đối với sản phẩm, dịch vụ được thực hiện trên không gian mạng hoặc các phương tiện gián tiếp khác, giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh, trong đó, người tiêu dùng không được kiểm tra, tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm, dịch vụ trước khi tham gia giao dịch.
Cung cấp dịch vụ liên tục là hoạt động cung cấp dịch vụ có thời hạn từ ba (03) tháng trở lên hoặc dịch vụ không xác định thời hạn.
Bán hàng trực tiếp là hoạt động thực hiện việc bán sản phẩm, cung cấp dịch vụ, trong đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh chủ động tiếp cận, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ để bán cho người tiêu dùng, gồm: Bán hàng tận cửa, Bán hàng đa cấp, Bán hàng tại địa điểm không phải là địa điểm giao dịch thường xuyên.
(ii) Đối với các giao dịch trên không gian mạng: Điều 39 Dự Thảo đã làm rõ khái niệm “tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng” là: (1) Tổ chức, cá nhân kinh doanh tự mình hoặc thông qua các nền tảng trực tuyến có giao dịch trên không gian mạng với người tiêu dùng; (2) Tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng trung gian trực tuyến cho người tiêu dùng.
(iii) Đối với cung cấp dịch vụ liên tục: Điều 40 Dự Thảo quy định: "Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp dịch vụ liên tục trên lãnh thổ Việt Nam mà không có đại diện theo pháp luật tại Việt Nam thì có trách nhiệm thông báo công khai về đại diện theo ủy quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh tại Việt Nam. Đại diện theo ủy quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định tại Luật này."
(iv) Đối với giao dịch bán hàng trực tiếp tận cửa: Điều 42 Dự Thảo quy định một yêu cầu mới đối với hình thức bán hàng trực tiếp tận cửa đó là các tổ chức, cá nhân bán hàng phải thông báo hoạt động bán hàng tận cửa với UBND cấp xã nơi thực hiện bán hàng trước khi thực hiện.
(v) Đối với bán hàng đa cấp: Trước đây, Luật BVQLNTD đã bỏ ngỏ các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hình thức kinh doanh bán hàng đa cấp. Cho đến năm 2018, để điều chỉnh lĩnh vực trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Dự Thảo đã khắc phục sự thiếu vắng, ghi nhận chi tiết về hình thức bán hàng đa cấp và trách nhiệm của tổ chức bán hàng đa cấp nhằm tạo cơ sở pháp lý cao cho việc quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, cũng như bảo về quyền lợi người tiêu dùng trong quan hệ này.
4. Bổ sung chủ thể có trách nhiệm tổ chức thương lượng
Căn cứ vào Điều 31 Luật BVQLNTD, chủ thể có trách nhiệm tiếp nhận yêu cầu và giải quyết yêu cầu tổ chức thương lượng của người tiêu dùng là các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Ngoài các chủ thể này, Điều 55 Dự Thảo đã bổ sung thêm hai chủ thể khác cũng có trách nhiệm tiếp nhận, hỗ trợ/giải quyết yêu cầu tổ chức thương lượng là: (1) Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng; và (2) Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng.
5. Về giải quyết tranh chấp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại tòa án:
(i) Dự Thảo đã bổ sung các quy định về hợp tác quốc tế trong giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân nước ngoài. Theo đó, phạm vi hợp tác quốc tế bao gồm: tham vấn, trao đổi thông tin, tài liệu, tiếp nhận và giải quyết các tranh chấp, xử lý các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng hoặc các hoạt động hợp tác quốc tế phù hợp khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
(ii) Phương thức giải quyết tranh chấp: Dự Thảo hiện bổ sung 01 Điều khoản: “Trong trường hợp pháp luật có quy định, người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh được lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp trực tiếp hoặc trực tuyến”. Việc sửa đổi như trên một mặt tạo thuận tiện cho người tiêu dùng thực hiện quyền trong bối cảnh phát triển của công nghệ và mặt khác tạo ra sự thống nhất trong chính sách giải quyết tranh chấp dân sự nói chung tại Việt Nam vì mới đây, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết số 33/2021/QH15 tổ chức phiên tòa trực tuyến.
(iii) Thủ tục giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Dự Thảo hiện quy định: “Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn (trước đây là theo thủ tục đơn giản) quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi có đủ các điều kiện sau đây:...”. Dự Thảo hiện sửa đổi cụm từ “thủ tục đơn giản” thành “thủ tục rút gọn”. Việc sửa đổi nêu trên nhằm thống nhất việc sử dụng cụm từ “thủ tục rút gọn” được quy định trong Dự Thảo với quy định về giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn tại Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (Chương XVIII và XIX).
(iv) Dự Thảo bổ sung 01 Điều khoản về việc: “Tổ chức xã hội đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng không phải nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Toà án. Quy định trên được xây dựng trên cơ sở có tính tới các điều kiện khó khăn trong hoạt động của các Hội Bảo vệ người tiêu dùng tại Việt Nam hiện nay (theo Tờ trình Dự Thảo, các Hội phải tự tìm nguồn để trang trải cho hoạt động, như kinh phí thuê trụ sở, chi thường xuyên để duy trì hoạt động của bộ máy văn phòng, bộ phận tư vấn giải quyết khiếu nại; tổ chức các hội nghị, hội thảo, sự kiện), đồng thời, nhằm cụ thể hóa chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức xã hội tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tin, bài: Cập nhật bởi LLVN
Hình: Internet.
-------------------------
Lawlink Việt Nam (LLVN) là hãng Luật cung cấp các giải pháp pháp lý cho các doanh nghiệp, doanh nhân về ĐẦU TƯ, hoạt động doanh nghiệp & kinh doanh, Mua bán & Sáp nhập; Tranh tụng và Giải quyết tranh chấp. Chúng tôi cung cấp dịch vụ trọn gói từ các khâu tư vấn mô hình hoạt động, đến giấy phép, hợp đồng, cấu trúc vốn và thu xếp vốn, dịch vụ kế toán & thuế, và đại diện. Các ngành mà chúng tôi thực hành liên tục gồm: Bất động sản & Xây dựng, Hạ tầng, Xử lý rác thải & môi trường, Y & Dược, Giáo dục, Fintech, Nông nghiệp, Truyền thông & Xuất bản, Thương mại điện tử.
-------------------------
𝐂𝐨𝐧𝐭𝐚𝐜𝐭 𝐮𝐬
Website: www.lawlink.com
Instagram: lawlink.vietnam
Facebook: Lawlink Vietnam
Phone: +84 908107788
Address: Phòng 10.2, Lầu 10, Tòa nhà Vietnam Business Center, số 57-59 Hồ Tùng Mậu, phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Comentários