top of page
minhhuynhlawlinkvn

HUY ĐỘNG VỐN QUA PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU CÓ GÌ MỚI?

Đã cập nhật: 23 thg 12, 2020

Phần 1. Phát hành trái phiếu riêng lẻ của công ty không phải là công ty đại chúng


Trái phiếu được xem là một công cụ huy động vốn được khá nhiều doanh nghiệp ưu tiên triển khai trong những năm gần đây.


Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được định nghĩa là một loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành. Trái phiếu là công cụ xác lập mối quan hệ vay nợ, do đó sẽ là căn cứ cho nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi, và các nghĩa vụ khác (nếu có) của doanh nghiệp đối với chủ sở hữu trái phiếu.


Theo quy định tạị Nghị định 163/2018/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 81/2020/NĐ-CP có 02 hình thức phát hành trái phiếu: (1) phát hành trái phiếu riêng lẻ và (2) phát hành trái phiếu ra công chúng. Đối với hình thức (1), doanh nghiệp được phát hành là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam. Trong khi đó, hình thức (2) chỉ áp dụng với công ty cổ phần đại chúng theo quy định pháp luật về chứng khoán.


Phát hành trái phiếu riêng lẻ là việc phát hành cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và không sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc Internet. Trong hình thức riêng lẻ này, có hai trường hợp phát hành với những yêu cầu khác nhau nhằm đảm bảo tính chặt chẽ và phù hợp, bao gồm: phát hành trái phiếu riêng lẻ của công ty cổ phần đại chúng và công ty không phải là đại chúng.


Luật Doanh nghiệp 2020 quy định nhiều điểm mới quan trọng đối với việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của công ty không phải là công ty đại chúng.


(i) Nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp không được mua trái phiếu riêng lẻ

Tính chất của các đợt phát hành riêng lẻ thiếu tính công khai hơn hơn so với các đợt phát hành ra công chúng, việc đánh giá chất lượng doanh nghiệpyêu cầu trình độ chuyên môn cao. Do đó Luật không cho phép nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ không chuyên nghiệp mua trái phiếu riêng lẻ. Theo đó, về đối tượng mua trái phiếu riêng lẻ trong trường hợp này bao gồm: (a) Nhà đầu tư chiến lược đối với trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ và trái phiếu kèm theo chứng quyền riêng lẻ; và (b) Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đối với trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm theo chứng quyền riêng lẻ và loại trái phiếu riêng lẻ khác.


(ii) Gia tăng điều kiện tuân thủ đối với tổ chức phát hành

Bên cạnh đó, Luật cũng đặt thêm các điều kiện chặt chẽ hơn mà tổ chức phát hành cần đáp ứng. Cụ thể: (a) Công ty đã thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã chào bán và đã đến hạn thanh toán hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt chào bán trái phiếu; (b) Có báo cáo tài chính của năm trước liền kề năm phát hành được kiểm toán; (c) Bảo đảm điều kiện về tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định pháp luật; (d) Điều kiện khác theo quy định của pháp luật có liên quan.


Theo đó, Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 163/2018/NĐ-CP với việc bổ sung một số điều kiện đáng lưu ý về phát hành riêng lẻ trái phiếu tại thị trường trong nước đối với trái phiếu không chuyển đổi hoặc trái phiếu không kèm theo chứng quyền như: Ký hợp đồng tư vấn với tổ chức tư vấn về hồ sơ phát hành trái phiếu; Đảm bảo dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành (bao gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) không vượt quá 05 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất tại thời điểm phát hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Mỗi đợt phát hành phải hoàn thành trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước khi phát hành; đợt phát hành sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 06 tháng, trái phiếu phát hành trong một đợt phát hành phải có cùng điều kiện, điều khoản.


(iii) Đặt ra trách nhiệm và thẩm quyền phê duyệt kế hoạch phát hành cho Đại Hội Đồng Cổ Đông

Nếu như theo Luật Doanh nghiệp 2014, Hội đồng quản trị (HĐQT) có toàn quyền quyết định loại trái phiếu, tổng giá trị trái phiếu và thời điểm phát hành (trừ Điều lệ công ty quy định khác)[6] thì đến Luật năm 2020 đã có sự phân chia thẩm quyền và trách nhiệm cho Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ). Theo đó, ĐHĐCĐ sẽ quyết định về loại, tổng giá trị trái phiếu và thời điểm chào bán đối với trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu kèm theo chứng quyền. Với các trường hợp còn lại (trừ Điều lệ công ty quy định khác), HĐQT có quyền quyết định loại trái phiếu, tổng giá trị trái phiếu và thời điểm chào bán, nhưng phải báo cáo ĐHĐCĐ tại cuộc họp gần nhất.


(iv) Quy định rõ ràng trách nhiệm công bố thông tin

Luật nêu rõ trách nhiệm công bố thông tin về đợt phát hành trước khi thực hiện và công bố thông tin cũng như về kết quả của đợt phát hành cho nhà đầu tư và sở giao dịch chứng khoán.

Cụ thể, tối thiểu 01 ngày làm việc trước ngày dự kiến phát hành, doanh nghiệp công bố thông tin trước cho các nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu và gửi nội dung công bố thông tin cho sở giao dịch chứng khoán.

Về công bố kết quả đợt phát hành, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc đợt phát hành, doanh nghiệp công bố thông tin về kết quả cho các nhà đầu tư sở hữu trái phiếu và gửi nội dung công bố thông tin đến sở giao dịch chứng khoán bằng hồ sơ giấy hoặc hồ sơ điện tử.


Như vậy, Luật Doanh nghiệp 2020 đặt ra trách nhiệm cao hơn cho doanh nghiệp khi muốn huy động vốn qua phát hành trái phiếu riêng lẻ. Luật đã từng bước nâng cao tính minh bạch thông tin, lành mạnh hóa thị trường và bảo vệ tốt nhất lợi ích của nhà đầu tư. Do đó, để đảm bảo thực hiện tốt nghĩa vụ tuân thủ, doanh nghiệp cần có kế hoạch phát hành cụ thể, rõ ràng dựa trên những tư vấn chuyên môn sâu sát.


Bài viết của Thuỳ Dương, trợ lý luật sư, LLVN.


Theo dõi nhiều bài viết hơn của chúng tôi tại: Webiste: www.lawlinkvn.com; Fanpage: www.facebook.com/Lawlink-vietnam, LinkedIn: www.linkedin.com/lawlinkvietnam


33 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page