1. Doanh nghiệp dưới 10 lao động cũng phải có nội quy lao động.
Theo Khoản 1 Điều 118 BLLĐ 2019 thì "Người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động, nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì nội quy lao động phải bằng văn bản". Như vậy, mọi doanh nghiệp đều phải ban hành Nội quy lao động ("NQLĐ"), tuy nhiên đối với doanh nghiệp nghiệp sử dụng từ 10 lao động thì NQLĐ phải bằng văn bản và phải đăng ký với cơ quan quản lý lao động có thẩm quyền. Luật chưa có quy định cụ thể về NQLĐ không bằng văn bản đối với doanh nghiệp sử dụng chưa đến 10 lao động. Do đó, hình thức của NQLĐ không bằng văn bản được thể hiện như thế nào và yêu cầu tuân thủ ra sao thì còn phải chờ hướng dẫn.
2. Doanh nghiệp cần sửa đổi, bổ sung các nội dung của NQLĐ theo yêu cầu của BLLĐ mới như sau:
Bổ sung 03 nội dung mới: Ngoài những nội dung bắt buộc phải có trong NQLĐ theo BLLĐ 2012, thì NQLĐ cần bổ sung thêm 03 nội dung mới theo K2 Đ118 BLLĐ 2019, đó là:
Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
Trường hợp được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động;
Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động.
Sửa nội dung về ngày nghỉ lễ Quốc khánh
Trong nội dung về Thời giờ nghỉ ngơi, thì ở mục ngày nghỉ lễ, tết, doanh nghiệp phải sửa số ngày ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 từ 01 ngày thành 02 ngày để phù hợp với quy định tại điểm đ, khoản 1 Điều 112BLLĐ 2019.
Sửa nội dung về làm thêm giờ
Trong nội dung về Thời giờ làm việc, doanh nghiệp cần phải sửa số giờ làm thêm không quá 40 giờ trong 01 tháng (trước đây chỉ là không quá 30 giờ trong 01 tháng) theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 107BLLĐ 2019.
Sửa nội dung về nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương
Khoản 1 Điều 115 BLLĐ 2019 bổ sung thêm 01 trường hợp người lao động được nghỉ 03 ngày, hưởng nguyên lương là: Cha nuôi, mẹ nuôi của người lao động hoặc của vợ/chồng người lao động chết.
Do đó, doanh nghiệp cũng cần bổ sung trường hợp này trong nội dung về Thời giờ nghỉ ngơi của Nội quy lao động.
Bổ sung trường hợp được sa thải người lao động
Trong nội dung về Xử lý kỷ luật lao động của Nội quy lao động, doanh nghiệp cần bổ sung thêm 01 trường hợp người lao động bị sa thải theo khoản 2 Điều 125 BLLĐ 2019 là: Có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, bên cạnh các trường hợp đã được quy định trước đây như: Trộm cắp, tham ô; đánh bạc; tự ý nghỉ việc từ 05 ngày trở lên…
3. Thêm cơ quan thực hiện đăng ký nội quy lao động
Cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp huyện thực hiện việc đăng ký nội quy lao động (theo K 5 Đ119 BLLĐ 2019)
Như vậy, cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp huyện cũng có quyền tiếp nhận và xem xét hồ sơ đăng ký nội quy lao động nếu được cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh ủy quyền.
4. Doanh nghiệp có nhiều chi nhánh thì đăng ký nội quy lao động thế nào?
Theo K1 Đ 119 BLLĐ 2019, doanh nghiệp sử dụng từ 10 người lao động trở lên bắt buộc phải thực hiện thủ tục đăng ký nội quy lao động tại cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh.
K4 Đ 119 BLLĐ quy định nếu doanh nghiệp có nhiều chi nhánh, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh đặt ở nhiều địa bàn khác nhau thì phải gửi nội quy lao động đã được đăng ký đến cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh nơi đặt chi nhánh, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
5. Hiệu lực của nội quy lao động
Nội quy lao động có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký (Đ121 BLLĐ 2019).
Doanh nghiệp cần hướng dẫn thêm về việc soạn thảo, thay đổi, đăng ký Nội quy lao động, vui lòng liên hệ: + 84 908 107 788; email: info@lawlinkvn.com
Comments