Trong tuần vừa qua, quán bar “Buddha Bar & Grill” ở quận 2, TP. Hồ Chí Minh bỗng trở thành tiêu điểm trên báo mạng và mạng xã hội sau sự cố một khách hàng là phi công một hãng hàng không đến quán bar và sau đó anh bị phát hiện dương tính với virus corona, cũng như đã lây nhiễm cho hàng chục người khác cũng có mặt tại quán bar này ngày hôm đó.
Đã có một số bài trên các báo mạng về tên gọi của quán bar này, trong đó, báo Tuổi Trẻ online ngày 25/03/2020 có đăng bài của 1 độc giả "phẫn nộ" về việc "Sao có thể đặt tên quán bar là tên Phật"; một số trang mạng khác (zing) dẫn phát biểu của một quan chức quận 2 là “quán đăng ký kinh doanh với tên gọi khác, chưng biển khác, chứ nếu đăng ký là Buddha bar thì nhất định không cho phép vì ảnh hưởng tôn giáo”!
Trong bài viết này, người viết không bàn về sự kiện lây nhiễm bệnh, cũng như không mổ xẻ vấn đề theo thông tin: quán bar này đăng ký một đàng, đặt tên một nẻo, mà đưa ra các ý kiến và cơ sở pháp lý về quyền đặt tên doanh nghiệp, tên thương mại trong hoạt động kinh doanh của doanh chủ theo pháp luật Việt Nam. Theo đó người viết thấy rằng các quy định pháp luật về đặt tên doanh nghiệp, tên thương mại và nhãn hiệu không cấm việc sử dụng cụm “Buddha” trong việc đặt và sử dụng trong kinh doanh (trong phạm vi bài viết này loại trừ yếu tố hình vẽ, hình ảnh trong nhãn hiệu).
ĐẦU TIÊN, VỀ TÊN BUDDHA
Theo định nghĩa của từ điển Cambridge Dictionary thì Buddha là tên của một nhà lãnh đạo tôn giáo sống ở Ấn Độ khoảng 2500 năm trước và giáo lý của người ấy (Buddha) đã dẫn đến sự phát triển của Phật giáo (nguyên bản tiếng anh: “a religious leader who lived in India about 2500 years ago, and whose teachings led to the development of Buddhism”). Một số từ điển Việt Nam định nghĩa ngắn gọn Buddha là “Đức phật” hay “Phật” và như vậy ý nghĩa của từ này trong tiếng Việt liên quan đến một tôn giáo là Phật giáo.
CÓ QUY ĐỊNH NÀO CỦA PHÁP LUẬT CẤM ĐĂNG KÝ, SỬ DỤNG “BUDDHA” TRONG VIỆC ĐẶT TÊN LIÊN QUAN ĐẾN CÁC YẾU TỐ NHẬN BIẾT CỦA DOANH NGHIỆP?
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, dấu hiệu hiển thị bên ngoài để gọi và phân biệt các chủ thể kinh doanh với nhau gồm có (i) Tên doanh nghiệp, (ii) Tên thương mại; dấu hiệu để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ thể này với chủ thể khác là (iii) Nhãn hiệu. Tên doanh nghiệp được điều chỉnh bởi Luật doanh nghiệp 2014 và các văn bản hướng dẫn. Tên thương mại và nhãn hiệu được điều chỉnh bởi Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009 và 2019) và các văn bản hướng dẫn (trong bài viết này được gọi tắt là “Luật SHTT”).
Tên doanh nghiệp
Là tên được ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng doanh nghiệp khi được cấp phép thành lập. Theo quy định của Luật doanh nghiệp Việt Nam, tên doanh nghiệp gồm 2 thành tố chính đó là loại hình doanh nghiệp (ví dụ như doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hay công ty hợp danh) và tên riêng. Thành tố “tên riêng” là nơi thể hiện sự sáng tạo và dấu ấn riêng giúp phân biệt các doanh nghiệp với nhau.
Luật doanh nghiệp 2014 quy định những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp tại Điều 39:
“1. Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký.
2. Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
3. Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.”
Một trong những khả năng có thể được đem ra tranh luận về tên quán Buddha Bar đó là sử dụng từ “Buddha” là vi phạm quy định cấm về sử dụng, từ ngữ, ký hiệu tại khoản 3 Điều 39 Luật doanh nghiệp 2014. Theo quan điểm của người viết thì không có cơ sở pháp lý vững chắc cho lập luận nêu trên bởi vì về mặt ngữ nghĩa của “truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục” không gắn với các yếu tố tôn giáo:
- Truyền thống lịch sử là danh từ ghép bởi danh từ “truyền thống” và tính từ “lịch sử”. Theo từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học xuất bản năm 2003, “truyền thống” là thói quen hình thành đã lâu trong lối sống và nếp nghĩ, được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác; “lịch sử” là thuộc về quá trình phát sinh, phát triển đã qua cho đến tiêu vong của một hiện tượng, một sự vật nào đó. Như vậy truyền thống lịch sử được hiểu là thói quen, cách suy nghĩ, cư xử, lối sống có quá trình hình thành và phát triển gắn liền với lịch sử của quốc gia.
- Văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục: Theo từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học xuất bản năm 2003, “Văn hóa” là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử; “Đạo đức” là những tiêu chuẩn, nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận, quy định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội; “Thuần phong mỹ tục” là những thói quen, tục lệ tốt đẹp lành mạnh đã ăn sâu vào đời sống xã hội, được mọi người công nhận và làm theo. Nhìn chung các cụm từ trên được hiểu là là toàn bộ những hành vi, quan niệm đạo đức, lối sống tốt đẹp, lành mạnh, được hình thành trong quá trình lịch sử dài lâu của một dân tộc, được ổn định thành nề nếp suốt hàng trăm năm, được xã hội công nhận, được giáo dục và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Cả 2 yếu tố trên đều có đặc tính chung là được hình thành và thừa nhận rộng rãi trong xã hội trong thời gian dài, không có sự phân biệt giai tầng hay đảng phái và đặc biệt là không có ý nghĩa nào liên quan đến yếu tố tôn giáo. Do vậy quan điểm của người viết là nếu có doanh nghiệp sử dụng từ “Buddha” để đặt tên cho doanh nghiệp mình thì việc đặt tên như vậy cũng không vi phạm điều cấm của pháp luật.
Tên thương mại
Là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh (Điều 4.21 Luật SHTT). Điều kiện để bảo hộ tên thương mại là phải “có khả năng phân biệt” chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh (Điều 76 Luật SHTT). Tên thương mại có khả năng phân biệt khi nó không trùng hoặc không tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại đã được sử dụng trước trong cùng lĩnh vực kinh doanh (Điều 78.2 Luật SHTT) và nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ trước ngày tên thương mại được sử dụng (Điều 78.3 Luật SHTT).
Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó (Điều 6.3b Luật SHTT). Đối với pháp nhân, kinh nghiệm của người viết thấy rằng một trong những cơ sở dễ dàng để xác định thời điểm sử dụng hơp pháp tên thương mại chính là thời điểm được cấp giấy phép thành lập (giả định pháp nhân đi vào hoạt động kinh doanh liên tục ngay sau được thành lập). Như vậy một trong những cơ sở để đánh giá khả năng phân biệt của tên thương mại là gắn liền với quá trình đăng ký thành lập pháp nhân và có thể nói tên thương mại cũng tuân thủ quy định về đặt tên của doanh nghiệp của Luật doanh nghiệp.
Nhãn hiệu
Là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Nhãn hiệu được hình thành trên cơ sở sự sáng tạo của mỗi chủ thể, có thể chỉ là chữ viết, chữ số, hình ảnh (gọi chung là dấu hiệu) hoặc kết hợp các dấu hiệu với nhau để tạo ra một biểu tượng nhận biết đặc trưng của chủ thể đó.
Tương tự tên thương mại, nhãn hiệu chỉ được bảo hộ khi đáp ứng điều kiện quan trọng nhất là “khả năng phân biệt” và không thuộc các dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu. Điều 73 Luật SHTT chỉ ra các dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu bao gồm những dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhẫm lẫn với:
- Hình quốc kỳ, quốc huy của các nước;
- Biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép;
- Tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài;
- Dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận.
Đối chiếu với quy định trên về nhãn hiệu, có thể thấy dấu hiệu “Buddha” không thuộc các dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu. Dữ liệu công khai về tình trạng đăng ký nhãn hiệu tại cổng thông tin điện tử của Cục SHTT Việt Nam đã minh chứng cho nhận định trên là đúng vì đã có 02 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu số 0126733 cấp ngày 09/06/2009 và 0190351 cấp ngày 28/08/2012 cấp cho nhãn hiệu có dấu hiệu “Buddha” và hình vẽ (xem hình dưới - nguồn http://wipopublish.noip.gov.vn/wopublish-search/public/home;jsessionid=44A5C5FF19D7D9337A54DC6EEE941164?0&fbclid=IwAR3dqVT6s-NvGBjWcKAhNfNVKljHzr_iG8z0EErmO-0VoDHzcS3zheNOoTY)
Qua các phân tích nêu trên và như đã được người viết thể hiện quan điểm ở phần đầu, pháp luật Việt Nam không có quy định cấm việc sử dụng các từ ngữ liên quan đến tôn giáo như “Buddha” trong việc đặt tên doanh nghiệp, tên thương mại, nhãn hiệu và sử dụng trong kinh doanh.
CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN CÓ THỂ RA QUYẾT ĐỊNH TƯỚC BỎ TÊN CỦA CƠ SỞ KINH DOANH (BUDDHA BAR) TẠI QUẬN 2 KHÔNG?
Quy trình xem xét, xử lý một hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến áp dụng một hình thức xử phạt thông thường trải qua các bước:
(i) Ghi nhận thực tế hành vi.
(ii) Xác định có tồn tại hành vi vi phạm pháp luật hay không? Nếu có thì vi phạm quy định nào và trong lĩnh vực cụ thể nào?
(iii) Sau khi đã xác định được hành vi vi phạm thì đối chiếu với quy định pháp luật tương ứng và xem xét mức độ vi phạm để quyết định hình thức xử phạt phù hợp. Trường hợp ngược lại thì không có căn cứ để kết luận có tồn tại một hành vi vi phạm.
Vậy trong trường hợp Buddha Bar trưng bảng hiệu như báo chí đã đưa tin, có hay không khả năng doanh nghiệp này bị tước quyền sử dụng dấu hiệu “Buddha”?
Người viết không có điều kiện kiểm tra chính xác mối liên hệ giữa từ ngữ “Buddha” với tên doanh nghiệp là chủ sở hữu quán bar này, cũng như nhãn hiệu, vậy nên người viết có những giả định như dưới đây:
(i) Buddha chính là thành phần tên riêng trong tên doanh nghiệp đã đăng ký và cũng là tên thương mại. Điều 18 Nghị định 78/2015/NĐ-CP: “Phòng Đăng ký kinh doanh có quyền chấp thuận hoặc từ chối tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và quyết định của Phòng Đăng ký kinh doanh là quyết định cuối cùng”. Trong thủ tục đăng ký thành lập doang nghiệp thì ngay từ đầu Phòng đăng ký kinh doanh đã kiểm tra cơ sở dữ liệu về tên dự kiến của doanh nghiệp. Có thể hiểu là nếu doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì tên doanh nghiệp đã được chấp thuận và quá trình sử dụng không có chủ thể nào chỉ ra tên doanh nghiệp vi phạm quyền sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu, tên thương mại…) của cá nhân/tổ chức khác thì không có cơ sở nào để xác định hành vi sử dụng dấu hiệu “Buddha” trong tên doanh nghiệp là vi phạm.
(ii) Giả định người đứng tên trên văn bằng bảo hộ nhãn hiệu cũng là người kinh doanh thực tế quán bar đó thì rõ ràng không thể tồn tại hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nào xảy ra ở trường hợp này (vì chủ sở hữu văn bằng và người sử dụng nhãn hiệu là một).
Khi đã không có hành vi vi phạm thì sẽ không một biện pháp xử phạt nào được áp dụng.
(iii) Giả định tên doanh nghiệp/tên thương mại hoặc nhãn hiệu mà doanh nghiệp sử dụng vi phạm quyền sở hữu công nghiệp (tên thương mai, nhãn hiệu…) của các chủ thể khác thì có thể bị áp dụng biện pháp xử phạt quy định tại Điều 3.3a Nghị định 99/2013/NĐ-CP: a) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, phương tiện kinh doanh và tiêu hủy yếu tố vi phạm; buộc thay đổi thông tin tên miền hoặc trả lại tên miền; buộc thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp”. Khi đó chủ thể yêu cầu phải chứng minh được doanh nghiệp đã có hành vi xâm phạm và đương nhiên quá trình xử lý cũng phải trải qua các bước cơ bản đã nêu ở trên.
(iv) Ở một góc độ khác, nếu quán bar này kinh doanh theo hình thức nhượng quyền thương mại từ chủ sở hữu thương hiệu “Buddha - Bar”, thì việc sử dụng cụm “Buddha” trong lãnh thổ Việt Nam có thể dưới dạng tên thương mại, nhãn hiệu (còn có thể là biểu tượng kinh doanh, quảng cáo…) là một nghĩa vụ bắt buộc của bên nhận nhượng quyền vì theo quy định tại khoản 1 Điều 284 Luật thương mại 2005:
“Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
1. Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền”.
Và pháp luật cũng quy định trước khi tiến hành hoạt động nhượng quyền thương mại bên nhượng quyền phải tiến hành đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với cơ quan có thẩm quyền.
Theo tìm hiểu của người viết, “Buddha – Bar” là một thương hiệu khá nổi tiếng ở phạm vi quốc tế, (https://www.buddhabar.com/), nằm trong chuỗi các nhà hàng, khách sạn, Spa, Bar ở các nước khác nhau như Anh, Pháp, Dubai (những đất nước tôn giáo chính thống không phải là Phật giáo). Trên thực tế, đã có khá nhiều tranh cãi và chỉ trích về tên quán bar này, đặc biệt ở một số quốc gia mà Phật giáo được xem tôn giáo chính. Tuy vậy, trừ khi có những căn cứ pháp lý rõ ràng về việc tổ chức, cá nhân vi phạm điều cấm của pháp luật trong đặt/sử dụng tên doanh nghiệp, tên thương mại, nhãn hiệu thì cơ quan có thẩm quyền không thể căn cứ vào các tranh cãi hay phản ứng từ dư luận để huỷ bỏ, thu hồi hay tước quyền sử dụng tên thương mại, tên doanh nghiệp, nhãn hiệu của tổ chức, cá nhân đó.
Kim Thanh -Senior Manager, Corporate Advisory, LLVN.
Comentarios