top of page
Phuong Mai

BÀN VỀ MỘT SỐ ĐIỂM MỚI VÀ HIỆU LỰC THI HÀNH CỦA NGHỊ QUYẾT SỐ 30/NQ-CP NGÀY 04/3/2023

Đã cập nhật: 23 thg 5, 2023

Ngày 04/3/2023, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế (“Nghị Quyết 30/NQ-CP”) và đưa ra những “định hướng” tháo gỡ vướng mắc cho ngành y, cũng như là giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị y tế tại một số bệnh viện trong thời gian gần đây. Nghị Quyết 30/NQ-CP có hiệu lực kể từ ngày 04/3/2023.


Dưới đây là cập nhật của LLVN về một số điểm mới nổi bật và hiệu lực áp dụng của Nghị Quyết 30/NQ-CP để các Cơ sở khám bệnh chữa bệnh (“CS KBCB”) và các bên có liên quan lưu ý khi thực hiện:


I. ĐIỂM MỚI

1. Sửa đổi quy định về thanh toán Bảo hiểm y tế đối với dịch vụ kỹ thuật thực hiện trên máy đặt, máy mượn

Các dịch vụ kỹ thuật (“DVKT”) trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh (“KBCB”) được thực hiện trên các trang thiết bị y tế và vật tư, hóa chất. CS KBCB có thể đặt mua, thuê, nhận tặng cho máy móc/thiết bị, còn đối với vật tư/hóa chất thì đặt mua từ các đơn vị cung cấp.


Thực tiễn, vì nhiều lý do khách quan, một số CS KBCB công lập đã triển khai, áp dụng giải pháp để cùng lúc vừa có máy móc/thiết bị và cả vật tư/hóa chất trong cùng một giao dịch với nhà cung cấp, đó chính là: giao dịch mua vật tư/hóa chất và nhà thầu cung cấp sẽ cho CS KBCB mượn máy móc/thiết bị để sử dụng vật tư/hóa chất đã mua đó. Theo thống kê, có khá nhiều CS KBCB công lập hiện các DVKT trên các máy mượn, máy đặt theo cách thức giao dịch nêu trên và phần lớn các máy thực hiện theo hình thức này là máy thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán cơ bản, nếu không có các máy này thì nhiều bệnh viện không thực hiện được việc KBCB. Việc mượn máy/đặt máy có thể theo hai hình thức gồm (i) phát sinh sau khi nhà thầu đã trúng gói thầu vật tư, hóa chất; hoặc (ii) là trách nhiệm của nhà thầu được quy định trong hồ sơ mời thầu từ ban đầu.


Vấn đề vướng mắc phát sinh trong thời gian qua chính là: DVKT thuộc danh mục được BHYT chi trả chi phí (quy định tại Thông tư 35/2016/TT-BYT và Thông tư 13/2020/TT-BYT) nhưng lại được thực hiện trên máy mượn, máy đặt thì có đủ điều kiện để được chi trả không? Vấn đề trên được hướng dẫn và xử lý không thống nhất giữa Bộ Y tế và BHXH VN, cụ thể như sau:

(i) Ngày 12/4/2018, Bộ Y tế ban hành Công văn số 2009/BYT-KHTC về việc thanh toán các chi phí DVKT sử dụng máy mượn, máy do các đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất đặt. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị BHXH hướng dẫn, chỉ đạo tiếp tục thanh toán chi phí DVKT thực hiện trên các máy do đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất cho mượn, hoặc đặt theo kết quả lựa chọn nhà thầu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật đấu thầu; thời hạn thực hiện theo đúng thời hạn của hợp đồng mua sắm vật tư, hóa chất.

(ii) Ngày 09/5/2022, Bộ Y tế gửi Công văn số 2348/BYT-KH-TC đến BHXH về việc thông báo bãi bỏ Công văn số 2009/BYT-KH-TC.

(iii) Ngày 12/5/2022, BHXH căn cứ vào Công văn số 2348/BYT-KH-TC và ban hành Công văn số 1261/BHXH-CSYT để chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố dừng thanh toán theo chế độ BHYT đối với chi phí DVKT thực hiện từ máy mượn, máy đặt từ các công ty trúng thầu vật tư hóa chất. Sau khi ban hành công văn này, BHXH đã nhận được nhiều kiến nghị từ các CS KBCB trên cả nước về đề nghị tiếp tục được thanh toán BHYT đối với các chi phí DVKT thực hiện bằng máy đặt, máy mượn. Khi đó, Bộ Y tế cho rằng, việc bãi bỏ Công văn số 2009/BYT-KH-TC chỉ là thủ tục hành chính, còn việc thanh toán các DVKT sử dụng máy mượn, máy do các đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất đặt vẫn được thực hiện bình thường theo Thông báo số 1039/TB-BYT-BHXH ngày 2/10/2018 và Công văn 6807/BYT-BH ngày 9/11/2018 (ban hành sau Công văn số 2009/BYT-KH-TC).

(iv) Cho đến ngày 05/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 144/NQ-CP quy định các Chi Phí DVKT trên máy mượn, máy đặt sẽ được BHXH tiếp tục thanh toán đối với trường hợp nhà thầu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 05/11/2022. Tuy nhiên, thời gian áp dụng quy định này là theo hợp đồng đã ký trước ngày 05/11/2022 hoặc không quá 12 tháng kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực. Hay nói cách khác, kể từ ngày 05/11/2023 thì BHXH sẽ không tiếp tục thanh toán theo chế độ BHYT đối với các DVKT trên máy mượn, máy đặt.

Với thực tế nêu trên, từ ngày 12/5/2022, các CS KBCB rơi vào “thế khó” phải giải quyết đó là: (i) Nếu tiếp tục thực hiện các DVKT trên máy đặt, máy mượn thì khả năng chi phí DVKT này sẽ không được BHYT thanh toán (mặc dù đó là danh mục DVKT được thanh toán); trong trường hợp BHYT không thanh toán thì CS KBCB không có nguồn tài chính khác để bù đắp, buộc phải thu từ người bệnh mà người bệnh thì lại trông chờ với BHYT chi trả (ii) Để tránh rơi vào tình thế thiết hụt tài chính (do không được BHYT thanh toán), một số CS KBCB cân nhắc dừng việc thực hiện DVKT trên máy đặt, máy mượn hoặc thông báo rõ về việc DVKT không được BHYT chi trả cho bệnh nhân được biết. Hệ quả gây ra là hoạt động khám chữa bệnh bị gián đoạn do không đủ máy móc/thiết bị thực hiện các DVKT, người bệnh sẽ là đối tượng chịu rủi ro đầu tiên. Đồng thời, các hóa chất, vật tư đã mua sắm nhưng không đưa vào sử dụng sẽ gây giảm sút chất lượng theo thời gian hoặc thậm chí không thể sử dụng được nữa vì hết hạn sử dụng. Như vậy theo Nghị quyết 144/NQ-CP, kể từ ngày 05/11/2023 vấn đề “lịch sử lại lặp lại”, các CS KBCB sẽ phải một lần nữa đối mặt với khó khăn liên quan đến thanh toán các chi phí DVKT thực hiện bằng máy mượn, máy đặt.


Để giải quyết tình trạng trên, ngày 04/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị Quyết 30/NQ-CP cho phép kéo dài thời hạn được BHYT thanh toán chi phí DVKT thực hiện trên máy mượn, máy đặt theo hai bối cảnh cụ thể như sau:

Thứ nhất, đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi đã trúng thầu vật tư, hóa chất:

(i) Hợp đồng ký trước ngày 05/11/2022 được tiếp tục thanh toán chi phí DVKT theo các điều khoản của Hợp đồng đã ký.

(ii) Hợp đồng ký từ ngày 05/11/2022 được tiếp tục thanh toán chi phí DVKT cho đến khi có văn bản quy phạm pháp luật về việc này, kể cả các hợp đồng được ký theo hình thức mua sắm trực tiếp.

(iii) Trường hợp hết thời hạn hợp đồng quy định tại điểm (i) và điểm (ii) kể trên thì được tiếp tục thanh toán đến khi sử dụng hết vật tư, hóa chất đã mua.

Thứ hai, “nhà thầu trúng thầu vật tư, hóa chất có trách nhiệm cung cấp trang thiết bị y tế để sử dụng vật tư, hóa chất” là một nội dung của hồ sơ mời thầu ngay từ đầu: được tiếp tục thanh toán chi phí DVKT theo thời hạn hợp đồng, nếu hết thời hạn hợp đồng thì được tiếp tục thanh toán đến khi sử dụng hết vật tư, hóa chất đã mua.

Như vậy, quy định mới này đã giúp các CS KBCB giải quyết khó khăn trong việc chi trả chi phí DVKT thực hiện bằng máy mượn, máy đặt.


2. Cho phép các CS KBCB được áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023

Theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Thông tư 68/2022/TT-BTC, khi lập và xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu cần căn cứ vào một trong các tài liệu gồm:

(i) Tham khảo giá thị trường từ ít nhất 03 báo giá của các nhà cung cấp khác nhau trên địa bàn tại thời điểm gần nhất (tối đa không quá 90 ngày trước ngày trình cơ quan thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu);

(ii) Nếu trên địa bàn không đủ 03 nhà cung cấp thì có thể tham khảo trên địa bàn khác hoặc từ các nguồn thông tin do cơ quan có thẩm quyền, tổ chức có tư cách pháp nhân được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam công bố.


Tuy nhiên, trên thực tế có những gói thầu trang thiết bị, vật tư y tế không thể tìm được 2-3 báo giá vì nhiều lý do khách quan từ điều kiện năng lực của nhà cung cấp, tình trạng khan hiếm/độc quyền trong cung cấp máy móc, vật tư, thiết bị,... Hệ quả là các CS KBCB không thể có được ít nhất 03 báo giá từ nhà cung cấp có đủ điều kiện cung cấp là điều kiện để lập và xác định giá gói thầu.


Nghị quyết 30/NQ-CP “cởi trói” theo hướng cho phép các CS KBCB được áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023. Theo đó, xác định giá gói thầu căn cứ ít nhất một trong các tài liệu gồm: (i) Giá thị trường được tham khảo từ báo giá của các nhà cung cấp; (ii) Kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (iii) Giá trúng thầu của gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 120 ngày. Trường hợp cùng một chủng loại trang thiết bị y tế nhưng có nhiều hàng sản xuất khác nhau thì CS KBCB xem xét, quyết định việc giao Hội đồng Khoa học thực hiện việc xây dựng tính năng, cấu hình kỹ thuật theo yêu cầu chuyên môn của đơn vị. Trên cơ sở tính năng, cấu hình kỹ thuật do Hội đồng Khoa học xây dựng, đơn vị tổ chức lấy báo giá theo các căn cứ đã nêu trên.


Đối với căn cứ “giá thị trường”, kể từ ngày 04/3/2023, việc xác định giá gói thầu được dựa trên tính năng kỹ thuật, nhu cầu sử dụng, khả năng tài chính của chủ đầu tư và các CS KBCB có thể lấy báo giá từ các nhà phân phối để xác định giá gói thầu theo hai cách thức dưới đây:

(i) Cách 1:

Gửi thông báo mời chào giá với yêu cầu kỹ thuật lên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế hoặc cổng dịch vụ công trực tuyến về quản lý trang thiết bị y tế (https://dmec.moh.gov.vn) hoặc trang thông tin điện tử của đơn vị hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về đấu thầu trong thời gian tối thiểu 10 ngày.

Hết thời gian thông báo mời chào giá, CS KBCB căn cứ số báo giá nhận được để làm cơ sở xây dựng giá gói thầu. Trường hợp chỉ có 1 hoặc 2 nhà phân phối hoặc doanh nghiệp cung cấp báo giá thì được sử dụng các báo giá đã nhận để làm cơ sở xây dựng giá gói thầu.

(ii) Cách 2:

CS KBCB được phép lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối trong trường hợp chỉ có một nhà phân phối hoặc để bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà phân phối khác. Quy định này nhằm khắc phục tình trạng các CS KBCB rơi vào chỉ định thầu.

Như vậy, nếu sau khi thực hiện cách thức như trên để tìm báo giá, mà các CS KBCB chỉ tìm được 1 – 2 báo giá từ các nhà phân phối thì vẫn có thể sử dụng các báo giá này để làm cơ sở xây dựng giá gói thầu.


3. Liên quan đến việc sử dụng các trang thiết bị y tế được cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ (bao gồm các trang thiết bị y tế liên doanh, liên kết đã hết thời hạn hợp đồng)

Theo quy định tại khoản 3 Điều 106 Luật quản lý sử dụng tài sản công 2017, các trang thiết bị y tế được cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ (bao gồm các trang thiết bị y tế liên doanh, liên kết đã hết thời hạn hợp đồng) cho các CS KBCB công lập sẽ được xem là “Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân”.


Căn cứ vào các quy định của Nghị định 29/2018/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật quản lý sử dụng tài sản công 2017, việc hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ (gọi chung là “Chuyển Giao”) các trang thiết bị y tế có thể được thực hiện theo hình thức là: (1) Chuyển Giao không xác định cụ thể cơ quan, tổ chức tiếp nhận; (2) Chuyển Giao có xác định cụ thể cơ quan, tổ chức tiếp nhận. Hình thức Chuyển Giao thứ (2) xuất hiện phổ biến trong quá trình hoạt động của các CS KBCB theo ghi nhận trong thực tiễn. Theo quy định tại khoản 8 Điều 5 Nghị định 29/2018/NĐ-CP, đối với trường hợp Chuyển Giao thứ (2) thì CS KBCB là đơn vị chủ trì, quản lý tài sản.

Để đưa tài sản được hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ vào sử dụng, khai thác trong hoạt động KBCB, CS KBCB cần phải thực hiện các thủ tục để xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của Luật quản lý sử dụng tài sản công 2017 và Nghị định 29/2018/NĐ-CP. CS KBCB cần phải thực hiện các thủ tục như là:

(i) Lập hồ sơ xin cấp Quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 29/2018/NĐ-CP và kèm theo là nội dung phương án xử lý tài sản theo hình thức giao cho Đơn vị chủ trì, quản lý (tức CS KBCB) sử dụng tài sản;

(ii) Sau khi được cấp Quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân thì xây dựng và xin phê duyệt phương án xử lý tài sản. Nội dung chủ yếu bao gồm:

  • Thông tin tài sản (trong đó ghi rõ số Quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân);

  • Giá trị tài sản (ghi theo giá Hội đồng định giá xác định giá trị tài sản – Hội đồng này do CS KBCB thành lập để phục vụ cho mục đích này);

  • Hình thức xử lý tài sản (đối với cách thức Chuyển Giao xác định cụ thể cơ quan, tổ chức tiếp nhận là CS KBCB thì hình thức xử lý tài sản phù hợp nhất là giao cho CS KBCB quản lý, sử dụng tài sản);

  • Cơ quan chủ trì, có quan phối hợp xử lý; thời hạn, chi phí xử lý tài sản và các nội dung khác (nếu có).

(iii) Sau khi phương án xử lý tài sản được phê duyệt, CS KBCB phối hợp với Cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công cùng cấp thực hiện việc chuyển giao tài sản và các hồ sơ, giấy tờ liên quan đến tài sản cho CS KBCB để tạo cơ sở phù hợp cho CS KBCB đưa các tài sản vào sử dụng.

(iv) CS KBCB nhận chuyển giao tài sản cần thực hiện hạch toán tăng tài sản và thực hiện quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

(v) Ngoài ra, các CS KBCB cũng cần lưu ý tuân thủ các quy định về báo cáo, kê khai, cập nhật kết quả xử lý tài sản vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công.


Từ các phân tích trên và thực tiễn áp dụng có thể thấy rằng: mặc dù CS KBCB nhận các trang thiết bị y tế từ cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ, nhưng chưa thể đưa tài sản vào sử dụng hợp pháp vì chưa có điều kiện để hoàn thành các thủ tục trong quy trình xác lập quyền sở hữu toàn dân với tài sản nhận chuyển giao”. Từ đây làm xuất hiện tình trạng thiếu trang thiết bị y tế để phục vụ KBCB nhưng lại có một số trang thiết bị “đắp chiếu” chỉ vì CS KBCB chưa hoàn thành thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân.


Nghị Quyết 30/NQ-CP đã sửa đổi theo hướng “Cho phép các cơ sở y tế được sử dụng các trang thiết bị y tế đã được cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ (bao gồm các trang thiết bị y tế liên doanh, liên kết đã hết thời hạn hợp đồng) nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để khám bệnh, chữa bệnh” nhằm khắc phục tình trạng thiếu trang thiết bị y tế cho các CS KBCB. Ngoài ra, các DVKT thực hiện bằng trang thiết bị y tế này được quỹ BHYT thanh toán.


II. BÀN VỀ HIỆU LỰC THI HÀNH CỦA NGHỊ QUYẾT 30

Căn cứ vào quy định của Điều 4 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì Nghị Quyết của Chính phủ không thuộc vào danh mục hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên nội dung của Nghị Quyết 30 lại sửa một số quy phạm pháp luật về giá trong đấu thầu như trình bày tại Mục 2 của Phần I nêu trên. Do vậy tồn tại một số quan điểm và quan ngại về hiệu lực thi hành của Nghị quyết 30/NQ-CP này, cụ thể:

(i) Quan điểm 1: Chỉ căn cứ (một cách hình thức) vào Điều 4 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để xác định Nghị quyết của Chính phủ không thuộc danh mục văn bản quy phạm pháp luật được liệt kê tại Điều 4 nên không có tính chất áp dụng bắt buộc và đặc biệt Nghị quyết Chính phủ càng không thể sửa đổi văn bản pháp luật khác, cụ thể là Thông tư 68/2022/TT-BTC. Do đó Nghị quyết 30/NQ-CP không có hiệu lực bắt buộc thi hành.

(ii) Quan điểm 2: Nghị quyết của Chính phủ có các nội dung mang tính chỉ đạo, chủ trương, chính sách sẽ định hướng cho hoạt động quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước khác trong việc giải quyết tình trạng cấp bách, một yêu cầu của xã hội, một hiện tượng, một vấn đề rộng, hướng dẫn cách ứng xử chung cho xã hội thì sẽ mang tính chất quy phạm và phải có giá trị thi hành. Nghị Quyết 30/NQ-CP có các nội dung chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết các vấn đề vướng mắc căn cơ trong hoạt động của các CS KCB nói chung nên cần được xem là văn bản pháp luật.

Một điểm đáng chú ý, phần nội dung cuối của Nghị quyết 30 đã quy định “giao việc” cho các bộ ngành có liên quan cụ thể:

Bộ, ngành

Trách nhiệm

Thời gian dự kiến hoàn thành

Bộ Y tế

  • ​Xây dựng, ban hành hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trang thiết bị y tế.

  • Rà soát, đánh giá cụ thể việc tiếp nhận máy móc, trang thiết bị y tế đã qua sử dụng do tổ chức, cá nhân tặng, cho, đóng góp, tài trợ, viện trợ cho các cơ sở y tế sử dụng phục vụ khám, chữa bệnh; trên cơ sở đó, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan có liên quan đề xuất giải pháp cụ thể báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Hoàn thành trong Quý II năm 2023


Bộ Y tế

  • Xây dựng, ban hành hướng dẫn mẫu hồ sơ mời thầu đối với gói thầu dược liệu, vị thuốc cổ truyền để đấu thầu qua mạng.

  • Sửa đổi, bổ sung danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, cấp địa phương bảo đảm phù hợp với năng lực tổ chức đấu thầu của từng cấp và khả năng cung ứng của doanh nghiệp để cung ứng đủ, kịp thời thuốc cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

  • Nghiên cứu, xây dựng cơ chế bảo đảm thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung.

Hoàn thành trong Quý III năm 2023

​Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Khẩn trương hướng dẫn kịp thời, cụ thể các đơn vị, địa phương thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền;

  • Phối hợp với Bộ Y tế xây dựng các quy định về đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế trong dự án Luật Đấu thầu bảo đảm phù hợp với đặc thù của ngành y tế.

Bộ Tài chính

  • Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản về quản lý, sử dụng tài sản công và sử dụng kinh phí có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định.

Theo quy cách giao việc trên và căn cứ vào nhiệm vụ quyền hạn của Bộ ngành, Bộ ngành có quyền ban hành Thông tư - là một văn bản quy phạm pháp luật (khoản 8 Điều 4 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật). Bên cạnh đó căn cứ vào chức năng, Chính phủ cũng có thể dựa trên tinh thần của Nghị quyết 30 ban hành “Nghị định/Nghị định sửa đổi” để “tạo hành lang pháp lý điều chỉnh các vấn đề tương ứng (khoản 5 Điều 4 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật). Khi có một trong các văn bản pháp luật kể trên thì có thể viện dẫn trực văn bản đó làm cơ sở pháp lý cho vấn đề cần giải quyết và như vậy sẽ tránh được tranh cãi, rủi ro về hiệu lực thi hành Nghị quyết của Chính phủ.

Thực tế việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam nói chung và của Chính phủ, các Bộ ngành sẽ tốn nhiều thời gian và phải tuân theo trình tự thủ tục pháp lý chặt chẽ. Do vậy sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu “gỡ vướng” và “tính cấp bách” trong hoạt động của ngành y tế hiện nay. Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 30 cũng không phải là chưa có tiền lệ bởi vì trước đó, Chính phủ cũng đã ban hành một số nghị quyết gỡ vướng trong các lĩnh vực khác như Nghị quyết số 33/NQ-CP 2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Nghị quyết 105/NQ-CP 2021 hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19; Nghị Quyết 76/NQ-CP 2021 về chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030.


Bài viết trên được thực hiện cho mục đích phân tích, bình luận pháp luật và chính sách pháp luật, và chỉ cho mục đích tham khảo, không được diễn giải là sự tư vấn hay hướng dẫn cho một tình huống cụ thể hay tổ chức, cá nhân bất kỳ. Người đọc tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định sử dụng thông tin trong bài viết này.


Bài viết: LLVN.

Hình: Internet.

-------------------------------

Lawlink Việt Nam (LLVN) là hãng Luật cung cấp các giải pháp pháp lý cho các doanh nghiệp, doanh nhân về ĐẦU TƯ, hoạt động doanh nghiệp & kinh doanh, Mua bán & Sáp nhập; Tranh tụng và Giải quyết tranh chấp. Chúng tôi cung cấp dịch vụ trọn gói từ các khâu tư vấn mô hình hoạt động, đến giấy phép, hợp đồng, cấu trúc vốn và thu xếp vốn, dịch vụ kế toán & thuế, và đại diện. Các ngành mà chúng tôi thực hành liên tục gồm: Bất động sản & Xây dựng, Hạ tầng, Xử lý rác thải & môi trường, Y & Dược, Giáo dục, Fintech, Nông nghiệp, Truyền thông & Xuất bản, Thương mại điện tử.


-------------------------------

𝐂𝐨𝐧𝐭𝐚𝐜𝐭 𝐮𝐬

Website: www.lawlink.com

Instagram: lawlink.vietnam

Facebook: Lawlink Vietnam

Phone: +84 908107788

Address: Phòng 10.2, Lầu 10, Tòa nhà Vietnam Business Center, 57-59 Hồ Tùng Mậu, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

350 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comentarios


bottom of page